Mới đây, Chương trình bảo tồn rùa châu Á (ATP) khẳng định đã tìm thấy thêm một cá thể rùa Hồ Gươm sống ở hồ Xuân Khanh (Sơn Tây, Hà Nội).
Như vậy, ngoài cá thể giống rùa Hồ Gươm ở hồ Đồng Mô, Việt Nam có thêm cá thể rùa mai mềm kích thước lớn ở hồ Xuân Khanh, đây là phát hiện rất đáng giá, gây chấn động dư luận. Các nhà khoa học nhấn mạnh phát hiện này nâng số lượng cá thể rùa này trên thế giới lên 4 con, tăng cơ hội ghép giống nhằm bảo tồn loài rùa quý hiếm.
|
Cá thể rùa mới tìm thấy ở hồ Xuân Khanh. |
Loài Giải Sin-hoe (Rafetus swinhoei) còn có tên gọi khác là rùa Hồ Gươm, rùa Hoàn Kiếm, được xem là loài rùa nguy cấp, quý hiếm nhất thế giới. Tháng 1/2016, “cụ” rùa khổng lồ, cá thể rùa Hoàn Kiếm cuối cùng sống tại hồ, với tuổi thọ ước tính hơn 100 tuổi đã ra đi. Rùa Hoàn Kiếm được tin rằng đã gần bị tuyệt chủng ngoài tự nhiên.
Các nhà nghiên cứu đã rất nỗ lực để bảo tồn, nhân giống loài rùa quý hiếm trên. Thậm chí, trước đây, còn có câu hỏi cho rằng có hay không nên đưa rùa khác cùng loài, như rùa Đồng Mô về hồ Hoàn Kiếm để thay thế “Cụ Rùa” đã qua đời, và giờ cá thể rùa ở hồ Xuân Khanh cũng gặp câu hỏi tương tự.
Mời quý vị xem video: Hình ảnh bảo tồn hiếm về cụ rùa Hồ Gươm
Rùa ở hồ Đồng Mô, và rùa ở hồ Xuân Khanh là những cá thể rùa quý hiếm còn sót được tìm thấy cùng loài Rafetus swinhoei với Cụ Rùa tại Việt Nam nên được đề xuất cho sự thay thế. Nhưng Chương trình Bảo tồn rùa châu Á (ATP) cho rằng xét từ nhiều khía cạnh, phương án này không khả thi. Những cá thể giống rùa Hồ Gươm này sẽ khó sống nếu bị chuyển đến nơi ở mới.
|
Cụ rùa Hồ Gươm khi còn sống. |
Nếu chuyển về, vấn đề lớn nhất mà những cá thể rùa giống rùa Hồ Gươm này gặp phải chính là chất lượng nước hồ Hoàn Kiếm. Chính cụ rùa Hồ Gươm từng gặp rất nhiều vấn đề sức khỏe do chất lượng nước bẩn ở hồ này. Dù chính quyền thành phố đã có nhiều nỗ lực cải tạo chất lượng nước hồ nhưng chưa bao giờ được xử lý hoàn toàn sạch để là nơi lý tưởng cho rùa sinh sống.
Ngoài ra, việc chuyển động vật đang sống trong môi trường tự nhiên đến một khu vực bị ô nhiễm nặng sẽ dẫn đến bị ngộ độc và chết.
Thêm vào đó, các chuyên gia chuyên nghiên cứu về rùa cho hay, những con rùa sống trong môi trường tự nhiên nhiều năm, tập tính đã quen với sự trú ẩn an toàn ở khu vực hoang dã rộng lớn, vắng vẻ, sẽ bị căng thẳng, hoảng loạn nếu bị thay đổi môi trường đột ngột sang một nơi ồn ào, đông đúc bởi hoạt động của con người và thiếu nơi trú ẩn. Việc này có thể gây ra các bệnh kéo dài khiến cho con vật bị ốm và dẫn đến tử vong.
Nguồn thực vật và các bãi đất, cát hoang vắng cho rùa sưởi nắng hay sinh sản, môi trường sống lý tưởng dành cho rùa... là những điều kiện còn rất hạn chế ở hồ Hoàn Kiếm.
Ngoài ra, hồ Hoàn Kiếm là trung tâm thành phố nên luôn có rất nhiều người đi lại quanh hồ, thêm vào các mối đe dọa như rác thải, nạn câu cá trộm khiến rùa bị thương nên việc đảm bảo an toàn cho những cá thể rùa là rất khó thực hiện.
Việc đem các cá thể rùa khác về thay thế trong hồ Hoàn Kiếm sẽ khả thi nếu đáp ứng được điều kiện lý tưởng là các con rùa không phải đối mặt với các vấn đề như chất lượng môi trường, bệnh tật, nguy hiểm từ con người.
Nhưng điều đó chỉ giúp các cá thể rùa duy trì được vài chục năm, hoặc dài hơn là 100 năm nhưng không phải là giải pháp triệt để. Đem cá thể rùa ở hồ Xuân Khanh về hồ Hoàn Kiếm đồng nghĩa với việc loại cá thể này ra khỏi các chương trình bảo vệ sự sinh tồn của loài.
Khôi phục và nhân giống cá thể rùa cần một chương trình bảo tồn với tầm nhìn dài hạn, không hạn chế ở thời gian trước mắt.