Đầu tuần này, một quả cầu kim loại bí ẩn trôi dạt vào bờ biển tỉnh Shizuoka, Nhật Bản. Không ai có thể xác định chính xác tung tích của vật thể này. "Quả cầu gián điệp, UFO hay ngọc rồng?", tờ Guardian giật tít.
Giới chức Nhật Bản đã kiểm tra và xác định đây không phải vật thể nổ hay được gắn trang thiết bị tình báo tinh vi, mà chỉ là một khối kim loại thuần túy.
Đây không phải lần đầu tiên một khối tròn kỳ lạ dạt lên bờ. Năm 2019, cảnh sát London (Anh) từng được điều đến bờ sông Thames khi một vật thể tròn lớn đột nhiên xuất hiện. Hóa ra, đây là một quả cầu trang trí Giáng sinh khổng lồ, theo BBC.
Các vật thể dạt vào bờ biển không chỉ được người dân chú ý, mà cũng được giới khoa học quan tâm. Nhờ các bản đồ công phu về hướng di chuyển của các dòng biển, họ thậm chí có thể “truy ngược” nguồn gốc của một số vật thể.
Vén màn tung tích
Trước khi bị đánh lên bờ, các vật thể trôi nổi trên biển có thể đã chu du quãng đường rất xa. Các đồ vật làm từ nhựa hay cao su có thể ở trên biển hàng thập kỷ, trôi hàng nghìn hải lý theo dòng nước.
Năm 2020, tổ chức National Trust (Anh) công bố danh sách 20 vật thể kỳ lạ nhất từng dạt vào bờ biển nước Anh, bao gồm một chai thuốc diệt ruồi từ Nga, một bình xịt chất lỏng từ Saudi Arabia hay một gói bim bim được sản xuất năm 1975. Gói bim bim này là “sản phẩm” từ một buổi dã ngoại trong thập niên 1980.
Nhờ vào các bản đồ dòng biển được xây dựng tỉ mỉ, các nhà nghiên cứu có thể truy ngược nguồn gốc của các vật thể trôi nổi trên biển. Từ thập niên 80 của thế kỷ trước, giới khoa học đã hệ thống hóa mạng lưới phao nổi trên mặt biển. Cứ vài giờ một lần, các phao này gửi thông tin vị trí về trung tâm xử lý.
|
"Vật thể lạ" dạt vào bờ biển Nhật Bản được nhà chức trách kiểm tra. Ảnh: Reuters.
|
Một thập niên trước đây, các nhà hải dương học đã sử dụng dữ liệu thu được để xây dựng một bản đồ có khả năng cho thấy quãng đường một vật có thể trôi nổi trên biển.
Qua bản đồ, vị trí dự đoán của vật đó qua từng ngày, từng tuần, thậm chí từng tháng có thể được xác định. Ví dụ, một vật rơi ở ngoài khơi Nhật Bản có thể tới bờ biển bang California (Mỹ) sau khoảng ba năm.
Ngược lại, các vật trôi nổi đôi lúc cũng giúp giới khoa học vẽ nên bản đồ các dòng biển.
Năm 1992, một container chở 29.000 con vịt, rùa, ếch và hải ly nhựa bị rơi xuống biển giữa Thái Bình Dương. Từ đó, “hạm đội đồ chơi” này đã tỏa đi khắp thế giới. Tới hơn 10 năm sau, một số con vịt vẫn được tìm thấy. Đây là cơ hội vàng để các nhà khoa học theo dõi tốc độ, vị trí và hướng di chuyển của dòng biển.
Phương pháp kỳ lạ
Ông Shigeru Fujieda, chuyên gia môi trường tại Đại học Kagoshima, cho biết các nhà khoa học Nhật Bản cũng dựa vào các vật dụng của con người như hộp mực, ống tiêm, bóng golf, chai nước hay danh thiếp để nghiên cứu về dòng biển.
Trong một nghiên cứu mới được đăng tải, ông Fujieda thậm chí đề xuất một phương pháp mới: Theo dõi những chiếc bật lửa dạt vào bờ.
“Bật lửa là một trong số ít loại rác thải biển đi kèm bằng chứng về nguồn gốc vì chúng có in thông tin về quốc gia, thành phố tiêu thụ”, ông viết. “(Bật lửa) có thể trôi một thời gian dài trên biển nhờ cấu trúc chắc chắn nhưng rỗng. Chúng cũng dễ dạt vào bãi biển, được tìm thấy và thu gom nhờ kích thước nhỏ và màu sắc sặc sỡ”.
Trong nghiên cứu của mình, ông Fujieda phân tích gần 80.000 chiếc bật lửa thu được từ các bãi biển và vùng cửa sông trên khắp khu vực Bắc Thái Bình Dương, từ Mỹ tới Nhật Bản, trong vòng 7 năm.
|
Một tàu cá Nhật Bản bị cuốn trôi trong thảm họa sóng thần tháng 3/2021 được nhìn thấy ngoài khơi Canada tháng 3/2022. Ảnh: Reuters.
|
Sau đó, nhà khoa học này đã xây dựng bản đồ theo dõi rác thải ở châu Á và Mỹ. Bản đồ này có thể giúp các quốc gia hiểu rõ hơn nguồn gốc của rác thải nhựa xuất hiện ở bờ biển nước mình.
Một ứng dụng khác của các nghiên cứu là giúp xác định sớm các loài sinh vật ngoại lai nguy hại có thể được dòng biển đưa tới.
Năm 2011, trận sóng thần lớn tại Nhật Bản đã cuốn đống đổ nát nặng tới năm triệu tấn xuống biển. Sau hơn một năm, một số vật thể - bao gồm một cầu tàu dài 18 m - dạt vào bờ biển Mỹ và Canada.
Đi kèm các vật thể này là một số loài sinh vật vốn chỉ được tìm thấy ở vùng nước nông quanh Nhật Bản. Các nhà khoa học đã xác định được 289 loài như vậy, theo một nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Science năm 2017, bao gồm sao biển Bắc Thái Bình Dương - loài sinh vật nguy cơ phá hoại hệ sinh thái địa phương.
Đa số các vật thể kỳ lạ được tìm thấy trên bãi biển không bí ẩn - nhiều ý kiến cho rằng vật thể mới dạt vào Nhật Bản chỉ là một loại phao neo tàu. Đôi lúc chúng còn nguy hại. Tuy vậy, điều này không thể dập tắt sự tò mò của con người mỗi khi đại dương đưa một món quà bất ngờ lên bờ cát.