Khi đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát, CureVac từng được nhận định sẽ là đơn vị đầu tiên điều chế thành công một loại vaccine để ngăn chặn làn sóng đại dịch. Tuy nhiên, "gã khổng lồ" trong ngành công nghệ sinh học của Đức giờ đây lại bị các đối thủ bỏ lại phía sau.
Giờ đây, những người lãnh đạo, nhà đầu tư và giới quan sát chuyên môn đang cố gắng để tìm nguyên do đằng sau thất bại này. Bên cạnh đó, những người đứng đầu của CureVac cũng phải xem xét lại việc có nên tiếp tục sử dụng công nghệ acid ribonucleic (mRNA) trong điều chế vaccine Covid-19 của mình.
Những khó khăn đầu tiên mà CureVac gặp phải đến không lâu sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Đầu tiên chính là việc ông Ingmar Hoerr, người sáng lập và giám đốc điều hành của công ty phải từ chức sau khi bị xuất huyết não vào đầu năm 2020. Ông Hoer là một trong những chuyên gia đầu ngành về công nghệ mRNA trong điều chế vaccine.
|
Ông Ingmar Hoerr, nhà sáng lập CureVac và chuyên gia đầu ngành về công nghệ mRNA cho đến khi ông từ chức vào năm 2020 do vấn đề sức khỏe. Ảnh: CureVac.
|
Sau khi mất giám đốc điều hành và một trong những nhà nghiên cứu chủ chốt, CureVac đã gặp phải vấn đề trong điều chế vaccine khiến công ty này chậm tiến độ nhiều tháng. Điều này đã khiến CureVac thất thế trong cuộc đua với các đối thủ là Moderna và liên doanh giữa hai công ty BioNTech và Pfizer. Và BioNTech/Pfizer trở thành bên đầu tiên sản xuất thành công vaccine phòng Covid-19 sử dụng công nghệ mRNA.
Hy vọng bắt kịp các đối thủ của CureVac cuối cùng đã bị dập tắt vào tháng 6 vừa qua khi kết quả thử nghiệm vaccine giai đoạn 3 của công ty này cho thấy tỷ lệ miễn dịch chỉ đạt 48%, dưới mức cần thiết để được cấp giấy phép lưu hành khẩn cấp. Sau khi kết quả trên được công bố, giá cổ phiếu của công ty đã giảm một nửa.
Tuy đã thất bại trước các đối thủ, những nhà điều hành của CureVac vẫn hy vọng rằng vaccine của công ty này sẽ được Cơ Quan Dược phẩm châu Âu (EMA) cấp phép lưu hành do có hiệu quả cao trong việc giảm tỷ lệ nhập viện và tử vong của những người nhiễm virus.
"Vaccine sử dụng công nghệ mRNA có thể tạo ra khác biệt khi tính hiệu quả của chúng đã được chứng minh trong quá khứ", ông Franz-Werner Haas, giám đốc điều hành của CureVac cho biết. Theo Haas, ông cùng ban lãnh đạo của công ty đang xem xét lại "những điều đã học được" trong quá trình phát triển vaccine.
|
Franz-Werner Haas, giám đốc điều hành của CureVac. Ảnh: AFP.
|
Đổ lỗi cho các biến thể
Để biện minh cho sự chậm trễ và kết quả đáng thất vọng trong cuộc thử nghiệm vaccine Covid-19 của mình, CureVac cho biết sự ra đời của 15 chủng biến thể của Covid-19 trong năm 2021 đã khiến cho công ty này bị chậm tiến độ và làm giảm hiệu quả của vaccine.
Trước đó, các hãng Moderna và BioNTech chỉ phải thử nghiệm vaccine của mình với phiên bản đầu tiên của virus và đều đạt hiệu quả miễn dịch trên 90%.
"Mọi người đều nhìn vào con số về tỷ lệ miễn dịch là 48% và 91%. Nhưng nếu xét đến việc hai cuộc thử nghiệm diễn ra cách nhau hơn một năm và sự xuất hiện của hàng chục loại biến thể thì những con số trên chỉ là một phần của câu chuyện", ông Friedrich von Bohlen und Halbach, thành viên ban quản trị của CureVac cho biết.
|
Một tình nguyện viên được tiêm vaccine Covid-19 của CureVac trong cuộc thử nghiệm giai đoạn 1. Ảnh: Financial Times.
|
Trái với lời giải thích từ lãnh đạo của CureVac, một số chuyên gia cho rằng thất bại trong việc điều chế vaccine bắt nguồn từ khi công ty này được thành lập vào năm 2000, với quyết định sử dụng các loại mRNA không được chỉnh sửa khi điều chế vaccine.
Tất cả loại vaccine sử dụng công nghệ mRNA hoạt động bằng cách đưa các hạt nano lipid (các bong bóng chứa mã gene của S-protein, một loại protein có tác dụng giúp virus bám được vào bề mặt tế bào) vào trong cơ thể. Một khi được tiêm vaccine, cơ thể sẽ sản sinh S-protein dựa trên mã gene từ vaccine để từ đó sản sinh ra kháng thể chống lại loại protein này.
Theo ông Rein Verbeke, một nhà nghiên cứu chuyên về mRNA tại Đại học Ghent, cả Moderna và BioNTech đều chỉnh sửa một bộ phận của mRNA có tên là uridine khi điều chế vaccine. Việc chỉnh sửa mRNA có tác dụng giúp cơ thể sản sinh được nhiều S-protein hơn đồng thời cũng giữ cho cơ thể không phản ứng quá mức đối với vaccine.
Theo ông Verbeke, CureVac đã chọn cách không chỉnh sửa các mRNA của mình khi nghiên cứu vaccine Covid-19 để tránh phải tăng thêm chi phí sản xuất do phải mua bản quyền của những chính sửa với mRNA.
Trước những ý kiến trên, CureVac cho biết hãng này sử dụng loại mRNA không được điều chỉnh khi điều chế vaccine Covid-19 do cách tiếp cận này đã có hiệu quả trong thử nghiệm với loại vaccine phòng bệnh dại của hãng. Ngoài ra, tuy không chỉnh sửa mRNA, CureVac cho biết hãng cũng sử dụng một số chỉnh sửa độc quyền đối với vaccine Covid-19 của mình.
Theo Drew Weismann, giáo sư về vaccine tại Đại học Pennsylvania và là một trong hai người sáng chế ra những chỉnh sửa đối với công nghệ mRNA trên cho biết việc sử dụng mRNA chưa qua chỉnh sửa trong quá khứ đã cho kết quả tích cực thông qua phản ứng mạnh mẽ của các tế bào T, một phần rất quan trọng của cơ chế miễn dịch nhưng khó đo lường hơn số lượng kháng thể.
"Tôi nghĩ rằng CureVac hy vọng việc sử dụng mRNA chưa chỉnh sửa sẽ cho phản ứng mạnh miễn dịch mạnh hơn ở các tế bào T và sẽ bảo vệ cơ thể tốt hơn trước virus Covid-19. Tuy nhiên, kết quả thử nghiệm giai đoạn 3 đã không được như mong đợi", ông Weismann cho biết.
Nỗ lực trở lại cuộc đua vaccine Covid-19
Giữa lúc các biến thể mới đang xuất hiện trên thế giới, CureVac có cơ hội để trở lại cuộc đua phát triển vaccine Covid-19. Hãng dược phẩm Đức đang hợp tác với GlaxoSmithKline (GSK) để điều chế một vaccine Covid-19 mới có khả năng tạo ra lượng kháng thể gấp 10 lần loại vaccine đầu tiên của CureVac.
Mặc dù loại vaccine này vẫn sử dụng các mRNA không được chỉnh sửa, các nhà khoa học tại CureVac đã bổ sung các chuỗi gene vào đầu vào đuôi của mRNA nhằm gia tăng lượng S-protein được sản xuất đồng thời cũng tránh gây ra những tác dụng phụ với người được tiêm vaccine.
|
Một dây chuyền đóng gói vaccine của GSK tại Bỉ. Ảnh: AFP.
|
Ông Haas cho biết những chỉnh sửa trên là một phần cần thiết trong quá trình phát triển vaccine. "Hãy nhớ lại chiếc điện thoại di động đầu tiên thô sơ như thế nào. Giờ đây bạn có một chiếc máy tính nằm gọn trong lòng bàn tay. Đây là điều sẽ xảy ra với công nghệ mRNA. Mọi thứ vẫn chưa kết thúc", ông Haas nhận định.
Tuy nhiên, việc tiếp tục sử dụng mRNA chưa được chỉnh sửa cũng buộc CureVac phải hạ liều lượng cho mỗi liều vaccine để tránh gây ra tác dụng phụ. Mỗi mũi tiêm của Moderna có chứa 100 mcg vaccine (1 mcg=0,001 ml). Con số này với vaccine của BioNTech là 30 mcg. Trong khi đó một mũi tiêm của CureVac dự kiến chỉ có 12 mcg vaccine.
Theo Philip Santangelo, một giáo sư về virus RNA tại Đại học Công nghệ Georgia, liều vaccine 12 mcg của CureVac không lớn hơn là bao so với liều vaccine thử nghiệm dành cho chuột thường ở mức 5 đến 10 mcg. "Tôi lo rằng một liều vaccine nhỏ như vậy sẽ là không đủ cho một người", ông Santangelo cho biết.
Phản hồi với tuyên bố này, CureVac cho biết việc so sánh về liều lượng giữa các loại vaccine mRNA là không khoa học.
Không chỉ phạm một số sai lầm trong quá trình nghiên cứu trước đây, CureVac cũng đã tự mình tiến hành điều chế vaccine Covid-19 trong khi những đối thủ cạnh tranh đã chọn giải pháp liên doạnh hoặc tìm nguồn tài trợ từ các hợp đồng chính phủ.
"Chúng tôi đã học được rằng nếu bạn chậm chân trong việc tài trợ cho nghiên cứu, tiến độ phát triển sản phẩm sẽ bị kéo lùi. Nhưng chúng ta không thể quay ngược thời gian để sửa chữa sai lầm", ông Bohlen, thành viên ban quản trị CureVac cho biết.
CureVac chỉ vừa bắt đầu liên doanh với GSK trong tháng 7, sau khi hãng dược phẩm Anh này tiến hành mua 9% cổ phần của công ty. Trong khi đó, liên doanh giữa BioNTech đã được hình thành từ tháng 3/2020. Do cùng nhau phát triển vaccine phòng cúm mùa trước đây, việc hai công ty cùng hợp tác sản xuất vaccine Covid-19 diễn ra một cách thuận lợi.
Moderna tuy hoạt động độc lập nhưng cũng được chính phủ Mỹ đầu tư hơn một tỷ USD để nghiên cứu điều chế vaccine Covid-19. Ngược lại, CureVac chỉ được chính phủ Đức đầu tư gần 300 triệu USD cho loại vaccine đầu tiên của công ty này. Tuy nhiên, khoản tiền lại được chia thành hai đợt chi trả trong vòng 2 năm.
Ông Verbeke tin rằng CureVac đã rút kinh nghiệm từ những sai lầm trong quá khứ. Ông cũng nhận định rằng nếu vaccine thế hệ thứ 2 của công ty này thành công sẽ thu hút được sự quan tâm của nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển do loại vaccine này không cần được bảo quản đông lạnh và có giá thành hợp lý.
Theo ông Haas, CureVac hiện vẫn để ngỏ tất cả cách tiếp cận đối trong điều chế vaccine Covid-19, bao gồm cả việc chỉnh sửa các mRNA. "Không có sự ràng buộc nào cả. Chúng tôi không hề loại trừ cách tiếp cận trên", ông Haas cho biết.
Ngoài ra, CureVac cũng đang hợp tác cùng công ty Tesla của tỷ phú Elon Musk để phát triển một chiếc "máy in" vaccine. Nếu thành công, dự án này có thể cho phép thiết lập một trung tâm sản xuất vaccine lưu động tại bất cứ nơi đâu trên thế giới.
Ngay cả khi CureVac thất bại trong việc điều chế vaccine Covid-19, cách tiếp cận của công ty này vẫn có thể tạo ra phương pháp điều trị cho các bệnh lý khác. Theo Ingrid Gafanhao, nhà khoa học thuộc nhóm nghiên cứu Kempen Life Science, phương pháp nghiên cứu sử dụng mRNA chưa qua chỉnh sửa trong một số trường hợp có thể là phương án hiệu quả hơn.
"Chúng ta chưa đủ hiểu biết về công nghệ mRNA để đánh giá hướng tiếp cận nào là đúng. Để lấy ví dụ, việc tạo phản ứng mạnh mẽ của tế bào T thường có lợi trong việc điều trị ung thư", bà Gafanhao cho biết.
"Có thể vào lúc này chúng tôi đang đứng thứ 3. Nhưng cuộc đua lúc này chỉ mới bắt đầu. Chúng ta đều phải chấp nhận rằng cuộc đua này sẽ rất khốc liệt", ông Von Bohlen, thành viên ban quản trị CureVac cho biết.