Câu chuyện chỉ bắt đầu khi tôi nhận thấy tín hiệu xi-nhan của xe nháy hơi nhanh hơn bình thường, dấu hiệu của một bóng đèn xi-nhan bị hỏng hoặc thiếu. Bác lái xe cao tuổi thật thà chia sẻ: “Đây là xe của chú em tôi, 8h tối hàng ngày tôi mới mướn để chạy Uber, nên thật tình chưa để ý được hết đèn báo”.
|
Bác Hùng, tài xế Uber đã 63 tuổi. |
Chúng tôi bắt chuyện hỏi bác sinh năm bao nhiêu mà giờ vẫn chạy được Uber, bác tài xế cho biết: “Tui sinh tuổi Ngọ, đầu năm 1955, năm nay đã 63 tuổi rồi. Tui về hưu vài năm rồi, nhưng tui thích đi làm để đầu óc linh hoạt nên mới chạy Uber hàng ngày cho vui, lại có thêm thu nhập”.
“Thế bác có gặp khó khăn khi học cách sử dụng smartphone để đón khách Uber không?”, sự tò mò khiến chúng tôi đặt câu hỏi. “Dễ òm mà, tui đâu có thấy khó gì đâu. Mình chịu khó để ý học hỏi một chút, cỡ vài ngày là đã thành thạo lắm rồi, có tiếng Việt dễ hiểu mà”, bác thật thà chia sẻ. “Sáng sớm tui còn chạy Grab Bike nữa cơ. Tui có chiếc Honda Air Blade, sáng sớm nào tui cũng dậy lúc 5h đi chở hàng cho một mối quen làm nhà hàng, rồi mới chạy ra bể bơi bơi đủ 20 vòng, được 2 cây số. Sau đó tôi mới đi ra đường chạy Grab Bike”.
“Vậy bác nhiều tuổi như vậy, khi chạy Grab Bike có bị cánh xe ôm gây sự hay dọa nạt gì không?”, chúng tôi bị hút dần vào câu chuyện của bác. “Có chớ! Tụi nó thấy mình tới đón khách ở khu của tụi nó là ra hù mình liền, đòi đánh tui. Nhưng tui bảo tui đâu có tranh giành gì với mấy anh. Không cho tui đón khách thì thôi, tôi đi chỗ khác, chứ tôi già vậy rồi sao đánh lại mấy anh. Vậy là họ cũng bỏ qua. Nhưng tôi chạy ra cách đó chừng trăm mét, tôi điện cho khách nói khó là bị tụi xe ôm đuổi, nên khách cũng thông cảm đi bộ một đoạn ra cho tôi rước mà.”
Cao hứng theo câu chuyện, bác kể: “Bọn họ cứ nói là không theo kịp công nghệ hiện đại, nhưng đó chỉ là lý do thôi, chứ thực ra là họ lười. Sống quen như vậy rồi nên họ không chịu thay đổi, muốn giữ nguyên như cũ, kiểm soát một khu vực để chạy xe ôm với giá đắt thôi, chứ cái smartphone cài được Grab Bike giờ đâu có mắc, cỡ 2-3 triệu là mua được rồi. Học sử dụng với đăng ký chạy Grab thì cũng đâu có khó. Nhưng họ kiếm được đồng nào thì chiều tối lại mang đi nhậu hết, xong hôm sau lại ngồi suốt ngày chờ khách đến”.
“Họ chỉ muốn chạy xe ôm một chiều với giá cao, nhưng khi trả khách xong, họ cũng đâu có đón được khách ở chỗ đó vì là địa bàn của những nhóm xe ôm khác. Họ lại phải chạy xe không về chỗ quen của mình và đợi khách tiếp”. “Tôi chạy Grab Bike tuy giá không được cao như xe ôm, nhưng tôi luôn có khách đều. Một chục ngàn, hai chục ngàn tôi cũng chạy vì khách lúc nào cũng ở ngay gần chỗ tôi đứng. Nên cứ trả khách xong, tôi kiếm chỗ mát uống cốc nước, bật điện thoại lên là lại thấy có khách cần đi. Tôi chỉ việc bấm số khách báo nhận cuốc xe đó là lại đón được khách ngay, chẳng phải chạy xe không bao giờ nên đỡ tốn tiền xăng”.
“Mỗi ngày tôi chạy Grab Bike từ sớm tới trưa, sau đó về nhà nghỉ. Chạy tiếp tới 3-4h chiều là tôi về cơm nước, tránh giờ kẹt xe tan tầm ở Sài Gòn. 8h tối tôi lại mướn xe chú em chạy thêm Uber tới 12h đêm hoặc 1h sáng. Giờ nhiều tuổi rồi, ngủ được có 4 tiếng thôi, nên 5h sáng tôi lại dậy rồi. Trung bình mỗi ngày tôi kiếm được cỡ 400-500 ngàn, trừ hết các chi phí đi thì mỗi tháng tôi cũng cất đi được quãng 10 triệu.”
Chạy taxi để kiếm tiền mua xe hơi
|
Chỉ cần một chiếc smartphone và bằng lái xe B2 là đã có thể đăng ký trở thành tài xế Uber hay Grab taxi. |
“Vậy là thu nhập của bác quá tốt đó chứ”, chúng tôi bình luận. “Thế con cái bác đâu mà không nuôi vợ chồng bác?”. “Có chứ, nhưng tụi nó ở riêng cả, hàng tháng vẫn cho tiền đủ hai vợ chồng tôi cơm nước đầy đủ, tôi không làm thì vẫn không đói ăn, nhưng ngồi không tôi không chịu được. Hồi năm ngoái, tui mới quyết mua chiếc Air Blade chạy Grab Bike, mấy đứa xấu mồm nói vợ tui rằng chắc tui có bồ nên mới sắm xe đẹp, điện thoại smartphone, làm bả kêu rầm trời. Khổ thế, tui ngoài sáu chục tuổi đầu rồi, còn bồ bịch làm chi nữa. Tui phải giải thích với bả mãi rằng tui chạy xe ôm kiểu mới nên mới phải cần smartphone để đón khách.”
“Dần dà, tui chạy xe có tiền mang về đưa bả, bả mới tin dần, nhưng lại bảo là đâu có cần tiền mà phải chạy xe ôm cho vất vả. Tui mới phải giải thích cho bả hiểu là cứ tạm tính mỗi tháng tui để dành được 10 triệu đi, vậy là mỗi năm có thêm 120 triệu. Tui chạy 3 năm là có 360 triệu, đủ để mua chiếc xe hơi cũ nhưng còn tốt. Lúc đó bả thích đi chơi vùng nào thì tui đánh xe đưa bả đi chơi chỗ đó. Rảnh rang thì tui lại lấy xe chạy thêm Uber, giữ đầu óc được linh hoạt, lại có thêm thu nhập. Lúc đó bả mới chịu nghe đó”, bác tài già bộc bạch.
“Một cái hay nữa, tui nói các cậu nghe, là khách bắt xe Uber cũng thường là những người có hiểu biết, những người trẻ như các cậu. Tui nói chuyện với họ cũng học hỏi thêm được nhiều điều, thấy tinh thần vui vẻ theo lớp trẻ chứ không bị già cũ. Vậy nên tui mới chạy đều hàng ngày, chứ cũng chẳng phải vì ham tiền đâu”.
Ba hành khách chúng tôi quá đỗi bất ngờ trước câu chuyện và quan niệm của người tài xế Uber cao niên nhưng tinh thần rất trẻ trung. Xe đã tới điểm trả khách, chúng tôi chỉ kịp xin số điện thoại để có thể gọi xe của bác lần sau và biết tên bác là Hùng. Nhận xét của bác về công nghệ thực sự khiến chúng tôi phải ngẫm nghĩ: “Họ nói không theo kịp công nghệ hiện đại chỉ là lý do thôi, còn thực tế là họ lười, không chịu thay đổi, muốn giữ nguyên như cũ để hưởng lợi”.