Theo Tân Hoa Xã, lăng mộ nằm ở làng Giang Thôn, ngoại ô phía đông Tây An, được bao quanh bởi hơn 100 ngôi mộ cổ và hố chôn bên ngoài. Việc khai quật đã được thực hiện trong khu vực từ năm 2017, thu thập được nhiều di vật như các bức tượng nhỏ bằng gốm mặc quần áo, nỏ và triện.
Có 4 đường dốc dẫn lối vào lăng được đặt dưới lòng đất từ 2 đến 4,5 mét. Lăng mộ dài 74,5 mét và rộng 71,5 mét, với phần móng cách mặt đất từ 27 đến 30 mét.
Ma Yongying - nhà nghiên cứu của Học viện Khảo cổ Thiểm Tây - cho biết lăng mộ này giống với hai vị hoàng đế Tây Hán khác về cấu trúc và quy mô, với những dấu vết của diễn biến lịch sử.
Có tin đồn rằng lăng mộ của Hán Văn Đế nằm ở một địa điểm gần đó được gọi là Phượng Hoàng Chuỷ, ngay phía bắc của làng Giang Thôn.
Việc phát hiện ra lăng mộ đã chấm dứt tin đồn lâu nay vốn xuất hiện do người ta phát hiện ra một tấm bia đá cổ có dòng chữ ở Phượng Hoàng Chuỷ.
Tuy nhiên, các nhà khảo cổ Trung Quốc không tìm thấy bất kỳ dấu hiệu xây dựng nào ở Phượng Hoàng Chuỷ trong quá trình điều tra và kết luận rằng khu vực này chỉ là một vùng hoàng thổ hình thành tự nhiên.
Hán Văn Đế, tên thật là Lưu Hằng, là vị hoàng đế thứ năm của nhà Tây Hán trong lịch sử Trung Quốc, trị vì từ năm 180 đến năm 157 trước Công nguyên, tổng cộng 23 năm.
Hán Văn Đế được đánh giá cao trong sử sách Trung Quốc, nổi tiếng là một minh quân, thiết lập và cai trị quốc gia Đại Hán trở nên thái bình thịnh trị sau nhiều năm biến động. Ông nổi tiếng với các biện pháp tiết kiệm, giảm nhẹ hình phạt, tô thuế. Dưới triều đại của Hán Văn Đế, kinh tế của vương triều trở nên thịnh vượng trong khi dân số ngày càng mở rộng.
Lăng mộ Hán Văn Đế nằm trong số ba phát hiện khảo cổ lớn được Cục Di sản Văn hóa Quốc gia Trung Quốc công bố tại Bắc Kinh hôm 14.12.
Danh sách cũng bao gồm những tàn tích của một khu dân cư ở Lạc Dương, tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc, có từ thời nhà Đường (618-907). Trong thời kỳ đó, các thành phố được phân chia nghiêm ngặt thành các khu dân cư và khu buôn bán bằng các bức tường.
Địa điểm khai quật có chiều dài 533,6 mét và chiều rộng 464,6 mét, phản ánh triết lý truyền thống của Trung Quốc về quy hoạch thành phố và có ý nghĩa to lớn đối với việc nghiên cứu hệ thống chính trị và đời sống xã hội trong triều đại, theo Cục Di sản Văn hóa Quốc gia Trung Quốc.
Địa điểm còn lại là một quần thể lăng mộ nằm ở thành phố Vũ Uy, tỉnh Cam Túc, phía tây bắc Trung Quốc, thuộc về hoàng tộc Thổ Dục Hồn, một vương quốc láng giềng của đế chế nhà Đường. Đây là vương quốc hùng mạnh được các bộ lạc du mục người Tiên Ti lập nên tại Kỳ Liên Sơn và thung lũng thượng du Hoàng Hà, tồn tại từ năm 285 đến năm 670.
Địa điểm này sở hữu ngôi mộ được bảo tồn tốt duy nhất của hoàng tộc Thổ Dục Hồn được phát hiện cho đến nay. Hơn 800 cổ vật bao gồm hàng dệt may và các bức tượng nhỏ bằng gốm được tìm thấy trong lăng mộ đã được bảo quản như trong phòng thí nghiệm.