Những nguy cơ hiện hữu
Đưa smartphone cho trẻ sử dụng là thói quen của không ít phụ huynh. Thậm chí nhiều phụ huynh còn cho rằng, việc cho trẻ sử dụng smartphone là cách hiệu quả nhất để dỗ trẻ.
Trao đổi với phóng viên, chị Đinh Thị Hương (38 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) cho biết, do thường xuyên phải làm việc trên máy tính nên chị không có nhiều thời gian vui chơi cùng cậu con trai 5 tuổi. Do đó, chị đã cài một trò chơi trên chiếc smartphone của mình rồi đưa cho con chơi.
''Con rất thích thú với trò chơi trên di động, cháu có thể ngồi chơi hàng giờ mà không cần người lớn bên cạnh. Nhiều khi khi con không nghe lời, tôi có thể lấy việc cấm không cho con chơi điện thoại ra để buộc cháu phải nghe lời.
Mặc dù chỉ mới 5 tuổi nhưng sau một thời gian chơi trò chơi trên điện thoại, cháu đã trở thành ''cao thủ''. Thậm chí cháu chơi còn giỏi hơn cả người lớn'', chị Hương chia sẻ.
Việc chị Hương cho con sử dụng smartphone diễn ra trong một khoảng thời gian khá dài. Tuy nhiên, thời gian gần đây, mỗi khi nhìn vào vật gì đó cháu phải nheo mắt, thấy vậy chị Hương đưa con đi khám mới phát hiện ra con mình bị cận thị gần 2 phẩy.
''Lúc này gia đình mới ngăn không cho cháu sử dụng smartphone nhưng đã quá muộn. Cháu không chịu ăn uống, thường xuyên khóc, đập phá đồ chơi để đòi bố mẹ cho sử dụng điện thoại.
Chúng tôi đã thử nhiều cách để ngăn không cho cháu sử dụng smartphone, từ việc gỡ trò chơi đến tắt máy điện thoại nhưng đều không có kết quả. Cháu nhất quyết không ăn uống nếu không được chơi, xót con nên bố mẹ đành phải xuống nước...'', chị Hương buồn rầu nói.
|
Ảnh minh họa. |
Không chỉ riêng trẻ nhỏ mới nghiện smartphone, ngay cả những em trong độ tuổi từ 12 - 14 tuổi cũng rơi vào tình trạng này. Chị Nguyễn Thúy Hiền (40 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) có con gái 13 tuổi cho biết, ban đầu để có thể chủ động trong việc đón con ở trường chị đã mua cho cháu một chiếc điện thoại đen trắng.
Sau đó, cháu về kể lại rằng trong lớp các bạn đều có smartphone nên muốn đổi điện thoại. Lúc này chị Hiền đã hứa với con rằng, nếu cháu đạt học sinh giỏi sẽ đổi điện thoại cho cháu.
''Một phần tôi không muốn cháu thiệt thòi so với các bạn cùng trang lứa, một phần cũng muốn cháu sử dụng smartphone để phục vụ cho việc học tập, tiếp cận với sự phát triển của khoa học công nghệ nên cuối năm lớp 6, sau khi cháu đạt học sinh giỏi, tôi đã thực hiện lời hứa của mình. Tuy nhiên những gì diễn ra sau đó đã khiến tôi thực sự lo lắng.
Ban đầu, cháu rất tích thú với chiếc điện thoại mới, cháu tải từ điển tiếng Anh rồi các ứng dụng học tập về máy. Tuy nhiên, đi kèm với đó, cháu cũng bắt đầu tập sử dụng mạng xã hội và nhiều ứng dụng chat như viber, zalo...
Có lần tôi tình cờ đọc được một đoạn tin nhắn fabebook của cháu với một một thanh niên tầm 18 19 tuổi. Trong đó, 2 đứa có đề cập đến chuyện trao đổi hình ảnh của nhau, và thậm chí rủ nhau đi chơi. Lúc này tôi mới gọi con ra nói chuyện thì mới biết rằng, cậu thanh niên kia chỉ là một người mà cháu quen ở trên mạng'', chị Hiền kể lại.
Vị phụ huynh sau đó đã không cho con sử dụng smartphone và trở lại với chiếc điện thoại đen trắng ngày trước vẫn dùng để bảo đảm sự an toàn cho con.
''Từ lúc bị thu điện thoại, cháu bị hẫng mất một khoảng thời gian. Tôi đã phải thường xuyên ở bên cháu, động viên và giải thích cho cháu hiểu rằng, ở lứa tuổi của các cháu vẫn chưa nhận thức được những thứ nguy nhiểm đang rình rập xung quanh mình.'', chị Hiền chia sẻ.
Giải pháp
Trao đổi với Đất Việt về vấn đề này, chuyên gia tâm lý Lê Văn Thắng - Trung tâm tư vấn tâm lý 247 cho rằng, khoa học công nghệ phát triển thì sự xuất hiện của smartphone là tất yếu.
Smartphone cũng giống như các phương tiện giao thông, nó giúp cho con người di chuyển được dễ dàng và nhanh hơn nhưng mặt trái là ''những vụ tai nạn thương tâm''.
''Theo số liệu nghiên cứu không chính thức thì trên 80% các bạn trẻ trong độ tuổi vị thành niên tại Việt Nam được xếp vào đối tượng nghiện smartphone. So với các nước trên thế giới thì tỷ lệ này ở mức độ rất cao.
Khi nghiện smartphone sẽ có rất nhiều mặt trái. Thứ hại nhất đó là mất thời thời gian vô ích hoặc sử dụng thời gian không hiệu quả, đặc biệt từ khi xuất hiện facebook, zalo... và các phần mềm tiện ích khác.
Một khi nghiện smartphone, các em dễ có những suy nghĩ lệch lạc về cuộc sống, do không biết lựa chọn thông tin giữa lượng thông tin bao la trên internet, dẫn tới nhiều tệ nạn xã hội.'', vị chuyên gia tâm lý cảnh báo.
Theo ông Thắng, để hạn chế tối đa tình trạng nghiện smartphone ở trẻ em thì các bậc phụ huynh cần quản lý thời gian cho các con sử dụng smartphone một cách rõ ràng. Hướng dẫn cho các con hiểu được smartphone là công cụ chứ không phải đồ chơi. Sử dụng smartphone đúng mục đích làm gương cho các con noi theo.
Đối với xã hội, cần tích cực tuyên truyền để người dân hiểu được tác hại của smartphone đối với trẻ nhỏ. Thường xuyên tổ chức các cuộc thi về ý nghĩa thực sự của smartphone. Tạo trào lưu cho giới trẻ sử dụng smartphone một cách văn lịch minh, lịch sự.