"Quái ngư" khổng lồ dạt vào bờ biển
Theo trang Science Alert, vào ngày 5/1/2024, ông Stephen Davies, 72 tuổi đi chạy bộ ở bãi biển gần Vịnh Liverpool, nước Anh thì gặp chuyện bất ngờ. Đó là ông phát hiện ra một con "quái ngư" khổng lồ bị dạt vào bờ.
Quá bất ngờ với vẻ ngoài đáng sợ của con vật, ông Stephen đã gọi cho cảnh sát địa phương. Theo lời của ông, ban đầu ông cứ ngỡ là mình đã tìm thấy xác của sinh vật ngoài hành tinh hay quái thú nào đó. Ông chia sẻ với Science Alert: "Tôi đang chạy trên bãi biển và nhìn thấy một thứ gì đó rất lớn. Tôi chưa bao giờ thấy thứ gì giống như vậy trước đây".
Sau khi hay tin, cơ quan chức năng đã vào cuộc để xác định xem sinh vật khổng lồ này là gì. Cuối cùng họ cho biết, đây là xác của một con cá mập phơi nắng.
Khi đang chạy trên bãi biển, người đàn ông bất ngờ phát hiện một con "quái ngư" khổng lồ. (Ảnh: Science Alert)
Cá mập phơi nắng hay còn gọi là cá nhám phơi nắng (tên khoa học là Cetorhinus maximus - có nghĩa là cá quái vật). Cá mập phơi nắng hiện đang là loài cá lớn thứ hai còn tồn tại với kích cỡ lên tới trên 10m, chỉ thua cá mập voi. Và dù cùng họ với lũ cá mập trắng, loài vật này cũng không phải loại săn mồi, vì chúng chủ yếu chỉ ăn phù du.
Nó khổng lồ, bí ẩn và là nỗi sợ hãi của các thủy thủ ngày trước.
Cái tên "phơi nắng" xuất phát từ chính tập tính của chúng: mò lên mặt biển đón nắng trong những tháng hè. Nhưng khi qua mùa hè, lũ quái khổng lồ này biến mất, xuống độ sâu ít nhất là 1.000m dưới lòng đại dương.
Cá mập phơi nắng là một loài quốc tế có thể được tìm thấy ở hầu hết các nơi trên thế giới. Nó thích vùng nước ôn đới và ấm áp, từ 8-14 ° C nhưng gần đây nó đã được nhìn thấy ở vùng nước ấm hơn nhiều ở gần xích đạo. Cá mập phơi nắng thường được tìm thấy gần đất liền. Thông thường, chúng bơi ở vùng nước khá nông, nhưng chúng cũng xuất hiện ở độ sâu tới 910 mét. Di cư là hành vi đặc trưng của loài này, cũng như cho cá mập hổ và cá mập đầu búa, những con cá mập di cư đến vùng nước ấm hơn vào mùa đông.
Cá mập phơi nắng hiện đang là loài cá lớn thứ hai còn tồn tại với kích cỡ lên tới trên 10m, chỉ thua cá mập voi. (Ảnh: Pixabay)
Cơ thể của cá nhám phơi mang đặc tính điển hình của cá mập. Chúng có cơ thể dài, hình trục chính và kích thước đồ sộ, do đó, nó có thể dễ bị nhầm với cá mập trắng lớn. Các vòm mang có chứa các lược mang đặc biệt, dài 10-14 cm. Mỗi vòm chứa đến 1000 lược mang. Chức năng của chúng là lọc sinh vật phù du. Mõm của Cá nhám phơi khá ngắn và miệng có từ 4 đến 9 hàng răng nhỏ, cong. Răng chỉ dài 5-9 mm, nhưng có đến 3.000 cái.
Vây của cá nhám phơi nắng tương tự như các loài cá mập khác, vây lưng có hình tam giác, vây ngực thẳng và vây đuôi có hình lưỡi liềm. Màu sắc của cá nhám phơi khác nhau và rất có thể phụ thuộc vào điều kiện quan sát và tình trạng sức khỏe của các cá thể. Hầu hết, chúng có màu nâu sẫm hoặc xám đen ở lưng và nhạt hơn ở bụng, nhưng một số cá thể hoàn toàn tối.
Mặc dù có kích thước lớn, cá mập phơi nắng không phải là loài săn mồi chủ động. Chúng chủ yếu ăn các sinh vật phù du bằng cách lọc nước với các khe mang dài. Chúng có thể lọc đến 1.800 tấn nước mỗi giờ.
Cá mập phơi nắng đang được IUCN liệt vào danh sách những loài vật sắp nguy cấp do bị con người đánh bắt quá mức. (Ảnh: Pixabay)
Cá mập phơi nắng là loài noãn thai sinh. Thời gian mang thai có thể kéo dài từ một đến ba năm, và con non ( thường là 1 hoặc 2 con một lứa) được sinh ra khi đã phát triển đầy đủ và dài 1,5-2 mét . Cá nhám phơi nắng trưởng thành khi được 2 đến 4 tuổi. Giao phối xảy ra vào đầu mùa hè và con cái đẻ con ở vùng nước nông. Tuổi thọ chính xác của cá mập phơi nắng vẫn chưa được biết rõ, nhưng các nhà nghiên cứu đã ước tính rằng con số này có thể đạt tới 50 năm.
Theo các nhà khoa học, con cá mập phơi nắng được tìm thấy ở gần vịnh Liverpool này dài khoảng 4,5 m có thể vẫn còn nhỏ vì những con cá mập phơi nắng trưởng thành có thể dài tới 12 m.
Họ cũng cho rằng nó có thể chết vào mùa đông và dạt vào bờ biển sau những cơn bão.
Được biết trước kia, cá mập phơi nắng có số lượng cực kỳ phổ biến. Nhưng hiện tại, chúng đang được IUCN liệt vào danh sách những loài vật sắp nguy cấp do bị con người đánh bắt quá mức.
*Nguồn: Science Alert