TS Trương Thanh Tùng: Khát vọng sản xuất thuốc “Make in Việt Nam”
TS Trương Thanh Tùng, sinh năm 1989, Hải Dương. Anh hiện là giảng viên khoa Dược, ĐH Phenikaa; Trưởng nhóm nghiên cứu thuốc mới, Viện nghiên cứu tiên tiến Phenikaa.
|
Tiến sĩ Trương Thanh Tùng tại phòng thí nghiệm. Ảnh: Xuân Huy (TN). |
TS Trương Thanh Tùng vốn là cựu học sinh chuyên Hóa, có niềm yêu thích với môn Hóa từ cấp 2. Anh từng giành giải Nhì môn Hóa tỉnh Hải Dương và giải Ba môn Hóa cấp quốc gia. Tốt nghiệp cấp 3, anh quyết định chọn học tại Trường ĐH Dược Hà Nội để tiếp tục niềm đam mê của mình. Ngay khi là sinh viên, anh đã có bài báo đăng tạp chí quốc tế ISI – một điều hiếm đối với sinh viên lúc bấy giờ.
Tốt nghiệp đại học, TS Trương Thanh Tùng có cơ hội được học tập, nghiên cứu khoa học tại nhiều nước trên thế giới như Hàn Quốc, Hoa Kỳ và tại châu Âu. Có những cơ hội ở lại nước ngoài làm việc hấp dẫn, nhưng cuối cùng, TS Trương Thanh Tùng đã quyết định trở về Việt Nam với ước mơ tìm ra những loại thuốc “Make in Việt Nam”.
Năm 2014, TS Tùng được cấp bằng sáng chế quốc tế bởi Tổ chức sáng chế châu Âu (EPC) với việc tìm ra dẫn chất benzothiazole có khả năng điều trị ung thư trúng đích. Trên thế giới hiện mới có duy nhất một loại thuốc của Mỹ.
TS Tùng cùng các cộng sự đang nghiên cứu, phát triển dẫn chất benzothiazole thành thuốc điều trị. Ngoài ra, nhóm cũng nghiên cứu thuốc truyền nhiễm, thay thế kháng sinh, hoặc kết hợp với kháng sinh để có tác dụng trở lại.
Cho đến nay, TS Tùng đã có 40 công bố quốc tế. Anh cùng nhóm nghiên cứu đã có 7 công trình liên quan đến các phương pháp tìm thuốc kháng khuẩn mới. Trong đó, có một công trình dạng tổng quan được đăng trên tạp chí đầu ngành thế giới về Hóa Dược Journal of Medicinal Chemistry.
Năm 2021, TS Trương Thanh Tùng cũng từng lọt top 20 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu và trở thành Gương mặt trẻ triển vọng. Anh cũng từng đạt giải thưởng Quả cầu vàng 2021.
TS Chu Đức Hà: Tác giả 5 giống lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu
TS Chu Đức Hà (sinh năm 1988) hiện là giảng viên Khoa Công nghệ Nông nghiệp, Trường ĐH Công Nghệ – ĐHQGHN. TS Chu Đức Hà có niềm đam mê với công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường. Mong muốn của anh là có thể ứng dụng công nghệ thông tin và tự động hóa vào lĩnh vực nông nghiệp, giúp người nông dân tăng năng suất lao động và đáp ứng nông sản sạch đến với người tiêu dùng.
|
TS. Chu Đức Hà nhận giải thưởng Khoa học công nghệ Quả Cầu Vàng năm 2022. Ảnh: UET. |
Là một TS trẻ, nhưng cho đến nay, anh đã có thành tích khá đáng “nể”. TS Chu Đức Hà đã có 163 công bố khoa học, trong đó, có 26 bài báo khoa học được đăng tại các tạp chí uy tín quốc tế (thuộc danh mục WoS/Scopus) và 137 bài báo khoa học được đăng tại các tạp chí uy tín trong nước (thuộc danh mục tạp chí được tính điểm của Hội đồng chức danh).
Anh là tác của 5 giống lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu được công nhận cấp quốc gia và là tác giả của một sở hữu trí tuệ. Với những cống hiến của mình, TS Chu Đức Hà giành Giải thưởng khoa học công nghệ Quả cầu Vàng năm 2022; Giải thưởng Nhà giáo trẻ tiêu biểu T.Ư năm 2022.
Ngoài ra, TS Chu Đức Hà còn tham gia hướng dẫn nhóm khởi nghiệp ý tưởng sáng tạo đoạt giải Nhì cuộc thi Ý tưởng sáng tạo của trường ĐH Công nghệ năm 2022 và đoạt giải Nhất trong cuộc thi Ý tưởng ĐHQG Hà Nội, năm 2022.
TS Lê Thị Phương: Sở hữu 2 bằng độc quyền sáng chế quốc tế
TS Lê Thị Phương (sinh năm 1988) hiện là Nghiên cứu viên Viện Khoa học vật liệu ứng dụng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Trong hơn 10 năm theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học, TS Lê Thị Phương đã sở hữu 2 bằng độc quyền sáng chế quốc tế, 3 bằng độc quyền sáng chế quốc gia lĩnh vực Công nghệ Vật liệu mới. Ngoài ra, chị còn là tác giả của 28 công bố quốc tế; chủ nhiệm đề tài của các dự án khoa học cấp bộ, cấp viện hàn lâm; đạt giải thưởng Quả cầu vàng 2022.
|
TS Lê Thị Phương. |
Hướng nghiên cứu chính của TS Lê Thị Phương là phát triển các vật liệu mới, có tính tương hợp sinh học cao và hỗ trợ quá trình điều trị bệnh hiệu quả hơn so với các phương pháp truyền thống.
Nữ tiến sĩ nghiên cứu hydrogel tiêm tại chỗ - một loại vật liệu tiên tiến đang được sử dụng rộng rãi trong các ứng dụng y sinh như chữa lành vết thương, tái tạo mô, giúp nâng cao sức khỏe của bệnh nhân ngay tại nhà. Ngoài ra, cải tiến thêm các thành phần, tính chất khác cho hydrogel như khả năng kháng khuẩn, kháng viêm, giảm sự hình thành sẹo... hướng đến tạo ra sản phẩm thương mại có giá thành hợp lý để tiếp cận với mọi đối tượng bệnh nhân.
2 bằng sáng chế quốc tế của TS Phương hiện đang ở trong giai đoạn đăng ký sở hữu trí tuệ; riêng một số sản phẩm đang được xúc tiến thử nghiệm trên nhiều mô hình động vật khác nhau để tiến tới thử nghiệm lâm sàng trên người. TS Phương hy vọng, trong tương lai sẽ sớm áp dụng các sáng chế này để tạo ra các sản phẩm thương mại đóng góp cho lợi ích chung của cộng đồng.
Sau khi công bố 20 đề cử Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2022, từ ngày 16/2 đến ngày 4/3/2013, hệ thống bình chọn trực tuyến các đề cử sẽ chính thức được kích hoạt trên 10 đơn vị báo chí, Cổng thông tin T.Ư Đoàn và một số website của các tỉnh, thành Đoàn.
Phương thức bình chọn là sử dụng một hệ thống bình chọn duy nhất tại địa chỉ: www.tainangtrevietnam.vn. Kết quả bình chọn có ý nghĩa tham khảo cho Hội đồng xét tặng giải thưởng "Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2022".
Mời quý độc giả xem video: "GS.TS Phạm Hùng Việt, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội chia sẻ về vai trò của đầu tư trọng điểm đối với nghiên cứu khoa học". Nguồn: Kiến thức.