Vị trí đáng khích lệ nhưng vẫn cần nỗ lực để cải thiện
10 nhà khoa học làm việc trong nước vừa được website Research.com xếp hạng ở 6 lĩnh vực vì “thành tích xuất sắc trong công bố khoa học”, trong đó có GS. Công bố khoa học và chỉ số trích dẫn có phải là tiêu chí để đánh giá thứ hạng của một nhà khoa học không, thưa GS.TS Phạm Hùng Việt?
Bảng xếp hạng các nhà khoa học của research.com dựa trên ba tiêu chí, bao gồm chỉ số D-index, số lượng các công bố khoa học trên các tạp chí và hội nghị thuộc một lĩnh vực nhất định và số lượng các giải thưởng khoa học của nhà khoa học.
|
GS.TS Phạm Hùng Việt, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) trao đổi với PV về nghiên cứu khoa học. |
Chỉ số D-index về bản chất chính là chỉ số H-index mà các nhà khoa học đã quen thuộc nhưng được tính dựa trên các công bố và số lượng trích dẫn chỉ trong một lĩnh vực đang xem xét.
Cơ sở dữ liệu mà research.com sử dụng để thống kê là Microsoft Academics, cũng một trong những cơ sở dữ liệu lớn về khoa học và khá tin cậy.
Nói vậy để thấy rằng các bảng xếp hạng của research.com được xây dựng dựa trên những cơ sở được cộng đồng khoa học công nhận rộng rãi và mang giá trị tham khảo cao. Cá nhân tôi cũng cảm thấy khá vui và bất ngờ khi biết mình là 1 trong số 10 nhà khoa học Việt Nam nằm trong bảng xếp hạng này. Càng vui hơn nữa khi tôi được biết có 4 trên 10 nhà khoa học này đang làm việc tại Đại học Quốc gia Hà Nội.
Mặc dù vậy, theo quan điểm của tôi, không có chỉ số nào có thể định lượng chính xác được những đóng góp của một nhà khoa học. Tất nhiên, số lượng công bố và chỉ số trích dẫn là những tiêu chí quan trọng, phản ánh phần nào sự ảnh hưởng của một nhà khoa học tới lĩnh vực nghiên cứu.
Một nhà khoa học không thể có đóng góp lớn khi chỉ có số lượng công trình quá ít hay các nghiên cứu của họ không được giới khoa học biết đến. Tuy nhiên, các chỉ số này chỉ nên xem như những giá trị tham chiếu và các bảng xếp hạng chỉ nên được xem như những công cụ tham khảo giúp cho các nhà khoa học, trường đại học hay viện nghiên cứu biết được vị trí của mình đang ở đâu trên bản đồ khoa học thế giới một cách tương đối, từ đó tiếp tục phấn đấu, cống hiến cho khoa học.
Nhìn một cách khái quát, khoa học của Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ thế giới, thưa GS?
Đó là một câu hỏi rất rộng và hoàn toàn không dễ để trả lời. Đây là lúc chúng ta cần tới các bảng xếp hạng như những tọa độ tham khảo để biết được chúng ta đang ở vị trí nào. Bảng xếp hạng các nhà khoa học của research.com cũng đã cho chúng ta một cái nhìn sơ lược về việc này.
Chúng ta chỉ có 10 nhà khoa học đang công tác tại Việt Nam nằm trong bảng xếp hạng với hơn 160.000 nhà khoa học khác trên khắp thế giới. Tuy nhiên, một bảng danh sách các cá nhân không thể đại diện cho cả nền khoa học, đặc biệt khi bảng xếp hạng này là danh sách các best scientists – các nhà khoa học hàng đầu. Chúng ta cần những bảng xếp hạng mang tính bao quát hơn.
Theo số liệu thống kê từ website scimagojr.com, một cổng thông tin về xếp hạng tạp chí và quốc gia dựa trên dữ liệu từ Scopus rất được các nhà khoa học sử dụng, trong suốt giai đoạn 1996-2021, Việt Nam đứng thứ 55 về số lượng công bố khoa học và đứng thứ 59 nếu xét theo chỉ số H-index. Tính riêng cho năm 2021, thứ hạng của chúng ta lần lượt là 45 và 59 tính theo số lượng công bố và chỉ số H-index.
Đó là số liệu về các công bố khoa học nói chung, còn đối với các nghiên cứu đỉnh cao, chúng ta có thể tham khảo bảng xếp hạng Nature Index do Tổ chức Nature Portfolio trực thuộc Tập đoàn xuất bản Springer Nature đưa ra. Xếp hạng này dựa trên thành tích công bố trên một nhóm nhỏ gồm 82 tạp chí danh tiếng nhất thuộc 4 lĩnh vực: Hóa học, khoa học trái đất và môi trường, khoa học vật lý, khoa học sự sống.
Theo số liệu mới công bố, trong năm 2021, Việt Nam đạt vị trí 46 toàn cầu và thuộc nhóm 10 nước dẫn đầu khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Theo tôi, đây là kết quả đáng khích lệ của nền khoa học Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh năm 2021 bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19. Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều điều khiến tôi trăn trở.
Xét về đơn vị nghiên cứu, chúng ta chưa có trường đại học hay viện nghiên cứu nào lọt vào top 500 đơn vị nghiên cứu hàng đầu thế giới trong tổng số 10.000 đơn vị theo thống kê của Nature Index.
Vì thế, có thể nói thứ hạng 46 chỉ là phần nổi của tảng băng, còn thực lực nghiên cứu chất lượng cao của các trường, viện ở nước ta hiện nay giống như phần chìm của tảng băng.
Đại học Quốc gia Hà Nội nơi tôi đang công tác đứng thứ 5 tại Việt Nam theo Nature Index, nhưng chưa thuộc top 500 của Châu Á – Thái Bình Dương. Nền kinh tế của Việt Nam nằm trong top 30 thế giới xét theo GDP, vì vậy vị trí của Việt Nam trong lĩnh vực khoa học hoàn toàn có thể được cải thiện và chúng ta có khả năng để sẵn sàng thực hiện điều này.
Tỷ lệ đầu tư cho khoa học vẫn ở mức thấp
Ông đánh giá thế nào về môi trường làm khoa học ở nước ta hiện nay?
Cùng với sự phát triển của khoa học thế giới, tôi cho rằng môi trường làm khoa học ở nước ta cũng đang có những chuyển biến tích cực. So với 20 năm trước, việc tiếp cận nguồn dữ liệu khoa học còn cực kì khó khăn thì cho đến nay, các nhà khoa học có thể tìm kiếm những công bố mới nhất hay những xu hướng nghiên cứu cập nhật nhất một cách dễ dàng.
Môi trường làm khoa học ngày càng năng động và cởi mở giúp các nhà khoa học trên toàn thế giới có thể kết nối lại và tìm kiếm hợp tác đa lĩnh vực. Chính vì vậy, chúng ta đang đi đúng lộ trình để rút ngắn khoảng cách về sự phát triển khoa học và công nghệ với các nước phát triển trên thế giới. Điều đó thể hiện qua sự góp mặt của các nhà khoa học, trường đại học hay viện nghiên cứu trên các bảng xếp hạng thế giới, dù vẫn còn ở vị trí khiêm tốn.
Tuy nhiên, tỉ lệ đầu tư cho nghiên cứu khoa học của chúng ta vẫn ở mức thấp, đặc biệt là đầu tư thiết bị sử dụng trong nghiên cứu.Thu nhập của nhà khoa học không cao, thiếu các nguồn hỗ trợ kinh phí dành cho nghiên cứu khoa học. Tôi cho rằng, đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới khoa học Việt Nam chưa phát triển như mong đợi.
Nhưng cũng có không ít công trình khoa học của ta bị cho rằng “đắp chiếu”, lãng phí đầu tư. Ông suy nghĩ gì về điều này?
Theo tôi, trước hết, cần phân biệt giữa khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng. Trong khi những sản phẩm khoa học ứng dụng có thể được áp dụng ngay trong thực tiễn thì khoa học cơ bản đóng vai trò quan trọng trong việc tìm ra những tri thức khoa học mới làm nền tảng cho các nghiên cứu cơ bản hay nghiên cứu ứng dụng khác. Vì vậy, không phải mọi nghiên cứu đều đi tới ứng dụng thực tế.
Để tránh tình trạng “đắp chiếu”, chúng ta cần đầu tư trọng điểm cho các nghiên cứu mang tính đột phá, có chính sách thu hút nhân tài, sự tham gia của doanh nghiệp trong việc đưa các sản phẩm đến gần hơn với thực tiễn.
Cùng với đó, các tổ chức nghiên cứu và các nhà khoa học cũng nên dành tâm huyết nhiều hơn cho các đề tài nghiên cứu ứng dụng, tạo ra các sản phẩm có thể đăng ký sở hữu trí tuệ và tiến tới hoàn thiện sản phẩm đáp ứng nhu cầu xã hội và các doanh nghiệp. Đây là yêu cầu cao và cũng là thách thức đối với các cá nhân và tập thể khoa học thời gian tới.
Cần đầu tư trọng điểm mới có xếp hạng cao
Là Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm (PTNTĐ) Công nghệ phân tích phục vụ kiểm định môi trường và An toàn thực phẩm, Trưởng nhóm nghiên cứu mạnh, hiện tại, ông thấy, đâu là khó khăn lớn nhất?
Cùng với 6 PTNTĐ khác trong ĐHQGHN, PTNTĐ KLATEFOS của chúng tôi được thành lập với ba mục tiêu chính: Phát triển các quy trình phân tích ứng dụng cho các chất mới, khó xác định trong đối tượng môi trường, thực phẩm và dược phẩm; Phát triểncác công cụ phân tích mới – các sản phẩm khoa học công nghệ hữu hình đi kèm với đăng ký sở hữu trí tuệ; Xuất bản các công bố khoa học quốc tế uy tín.
|
GS.TS Phạm Hùng Việt giới thiệu về phòng thí nghiệm trọng điểm. |
Chúng tôi đã nhận được sự quan tâm, đầu tư từ ĐHQGHN về trang thiết bị, chính sách thu hút nhân tài. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh những năm gần đây, nguồn ngân sách dành cho nghiên cứu khoa học trong nước không nhiều.
Chúng tôi cũng đã đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nhưng trong tình hình kinh tế và chính trị phức tạp toàn cầu, các hợp tác quốc tế cũng bị ảnh hưởng phần nào.Vì vậy, một trong những khó khăn lớn hiện nay đối với chúng tôi đó là tìm kiếm nguồn ngân sách dành cho nghiên cứu.
Ông mong đợi những giải pháp như thế nào để khoa học Việt Nam phát triển?
Gần đây, Nhà nước đã có những cơ chế mới, hỗ trợ cho các nhà khoa học có được những đề tài ra được các sản phẩm, bài báo khoa học. Đồng thời, có nhiều chính sách xem xét, ủng hộ cho những đề tài mang tính ứng dụng. Cả hai điều đó đều tốt. Tuy nhiên, đó về chính sách, còn về mặt thực tiễn triển khai cũng có khó khăn nhất định.
Theo tôi, cần có sự đầu tư nhiều hơn nữa cho các cơ sở nghiên cứu khoa học, kết hợp với đẩy mạnh hợp tác quốc tế. Cần có đầu tư trọng điểm, chất lượng cao thì mới có xếp hạng cao. Thực tế, tất cả các phòng thí nghiệm, trường đại học thế giới có ranking cao đều có kinh phí lớn. Không có chuyện nghèo lại có xếp hạng cao.
Bởi để mời được những người giỏi, có uy tín về làm việc, phải đãi ngộ xứng đáng. Những người này sẽ tổ chức được những đội ngũ nghiên cứu, cùng với trang thiết bị tốt, có thể có định hướng nghiên cứu phù hợp và góp phần tạo ra được sản phẩm.
Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ NAFOSTED trong suốt 10 năm, từ 2009 tới 2019 đã có cơ chế hoạt động rất tốt, được cộng đồng khoa học đánh giá cao, góp phần gia tăng số lượng công trình, bài báo khoa học học có chất lượng, khích lệ các nhà khoa học. Gần đây, Quỹ cũng dần quan tâm tới các đề tài ứng dụng và cả việc ưu tiên cho các đề tài góp phần phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh.
Vậy, về mặt quản lý nhà nước, nên chăng có thể kết hợp hài hòa giữa quỹ NAFOSTED với quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia? Như vậy sẽ góp phần đưa nghiên cứu cơ bản gắn bó với nghiên cứu ứng dụng.
Ngoài ra, hiện chúng ta cũng đang có hướng đi tốt, đó là tổ chức được những nhóm nghiên cứu mạnh, những phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu trọng điểm, và ĐH Quốc gia Hà Nội đang là một trong những đơn vị đi đầu. Nếu được nhân rộng trong cả nước sẽ rất tốt.
Xã hội hóa hoạt động khoa học và công nghệ được coi là một trong những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao tiềm lực KH&CN. Ông đánh giá thế nào về giải pháp này?
Theo tôi, xã hội hoá là mục tiêu phát triển của nghiên cứu khoa học, nhằm thúc đẩy sự liên hệ giữa xã hội và nghiên cứu khoa học. Xã hội hoá thể hiện ở việc bao gồm các khía cạnh xã hội và đạo đức trong các nghiên cứu khoa học, sự tham gia của các nguồn lực xã hội trong các cơ quan tư vấn, cơ quan tài trợ khoa học và cơ quan chuyển giao công nghệ.
Xét theo quan điểm này, việc xã hội hoá hoạt động nghiên cứu khoa học của Việt Nam hiện nay đã bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Cụ thể, đang có sự tham gia mạnh mẽ của các doanh nghiệp trong việc thành lập các cơ sở giáo dục định hướng nghiên cứu chất lượng cao như Đại học Phenikaa, các quỹ đầu tư tư nhân cho hoạt động nghiên cứu và giải thưởng khoa học như Quỹ VinIF, cùng với sự tham gia dưới hình thức đối ứng kinh phí của các doanh nghiệp trong các đề tài nghiên cứu sản xuất thử nghiệm.
ĐHQGHN cũng đang đẩy mạnh các hoạt động xã hội hoá trong nghiên cứu khoa học nhằm gia tăng các nguồn lực, cả tài chính và nhân lực, nhằm thực hiện các nghiên cứu trọng điểm. Tất nhiên, bên cạnh các kết quả này, việc xã hội hoá vẫn rất cần được quan tâm và thúc đẩy trong thời gian tới để tạo điều kiện phát triển cho khoa học công nghệ.
Trân trọng cảm ơn ông!
GS.TS Phạm Hùng Việt, ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) chia sẻ, ông rất bất ngờ khi các đồng nghiệp gửi tin nhắn chúc mừng về việc được website Research.com xếp hạng. Ông cũng không nghĩ thông tin này lại được cộng đồng trong nước quan tâm đến vậy. Trong thời gian tới, ông cùng PTNTĐ tiếp tục triển khai các hướng nghiên cứu tạo sản phẩm mang tính đột phá (patent, bài báo), sản phẩm hỗ trợ điều trị một số bệnh, các thiết bị đo phục vụ nghiên cứu về môi trường, thực phẩm và dược phẩm. PTNTĐ tích cực tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của PTNTĐ, của Trường và khoa học nước nhà.
Mời quý độc giả xem video: "GS.TS Phạm Hùng Việt, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) nói về vai trò của đầu tư trọng điểm với nghiên cứu khoa học". Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.