Ngày 25/11/2022, tại Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam, Chương trình Giải thưởng L’Oréal – UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học (For Women in Science) đã tổ chức buổi lễ trao Giải thưởng Nhà Khoa học nữ xuất sắc năm 2022 cho 3 Nhà khoa học nữ Việt Nam.
|
3 Nhà khoa học nữ Việt Nam được L’Oréal – UNESCO vinh danh. |
PGS. TS. Lê Minh Hà: Được vinh danh từ bài thuốc của người Dao đỏ
PGS. TS. Lê Minh Hà Trưởng phòng Hóa dược, Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chia sẻ, ngay từ khi còn nhỏ, chị đã có niềm yêu thích đối với môn Hóa. Niềm đam mê đó vẫn kéo dài suốt quá trình chị học phổ thông, cho tới khi chuẩn bị bước vào đại học. Đó là lý do khiến chị quyết tâm thi vào Khoa Hóa của Đại học Khoa học Tự nhiên
|
PGS. TS. Lê Minh Hà. |
Tốt nghiệp đại học với tấm bằng Giỏi, được chuyển thẳng lên Nghiên cứu sinh, chị đã có cơ hội thực tập sau Tiến sĩ tại các nước Italia, Pháp, Hàn Quốc, Anh, Thái Lan... Ra trường, chị về làm việc tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Niềm say mê và khao khát sáng tạo mỗi ngày càng thêm lớn khi chị nhận được những kết quả nghiên cứu từ những ý tưởng vốn chỉ nằm trong đầu chị trước kia. Điều đó, càng thôi thúc chị vững bước, tiếp tục con đường nghiên cứu của mình.
Đề tài được vinh danh nhà khoa học nữ xuất sắc năm 2022 đến trong một lần chị đi du lịch Sa Pa (Lào Cai). Sau khi tìm hiểu thứ thuốc lá được bày bán phổ biến ở dọc đường, chị mới biết đây là một bài thuốc tắm hỗ trợ trị đau nhức xương khớp tắm rất nổi tiếng của người Dao đỏ.
Tuy nhiên việc sử dụng bài lá tắm rất cầu kỳ và mất nhiều thời gian, các thành phần và công thức của bài lá tắm còn chưa được xác định rõ ràng. Là một nhà nghiên cứu về cây dược liệu cũng như các bài thuốc cổ truyền, chị đã có khao khát đi sâu nghiên cứu sản phẩm này với mong muốn giúp người Dao đỏ có ý thức bảo tồn và gìn giữ những bài thuốc cổ truyền của mình. Đồng thời giúp thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
PGS. TS. Lê Minh Hà cho biết, khó khăn lớn nhất trong quá trình nghiên cứu là gọi tên và định hình tất cả các loại dược liệu. Trong quá trình khảo sát sơ bộ, con số các vị dược liệu cấu thành nên bài là tắm này lên đến 35 đến 40 loại khác nhau.
Với khoản tiền 150 triệu đồng tiền thưởng chị sẽ sử dụng cho việc đi lại, tiếp tục tìm kiếm các mẫu dược liệu ở huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai.
“Quá trình thu thập và khảo sát sử liệu sẽ là nền tảng đầu tiên cho công trình nghiên cứu của tôi. Từ đó, để đi đến thành phẩm cuối cùng yêu cầu cả một chặng đường dài, đòi hỏi cần có sự hỗ trợ kinh phí rất lớn. Học bổng nghiên cứu này chính là bước khởi đầu cần thiết, giúp tôi có thể tiếp tục phát huy đề án của mình”, TS Hà nói.
PGS.TS Phan Thị Phương Nhi: Bảo tồn nguồn gene giống chè quý
PGS.TS. Phan Thị Phương Nhi, Phó Trưởng khoa Nông học, phụ trách Khoa học & Hợp tác Quốc tế, Khoa Nông học, Đại học Nông Lâm Huế sinh ra trong gia đình bố mẹ đều là giảng viên đại học. Ngay từ nhỏ, tình yêu đối với khoa học đã nhen nhóm dần trong cố bé Phan Thị Phương Nhi.
Là người yêu thiên nhiên, Phương Nhi đã lựa chọn lĩnh vực nghiên cứu liên quan nhiều đến khoa học cây trồng, tập trung nghiên cứu về đặc tính di truyền và sự đa dạng trong di truyền.
|
PGS.TS. Phan Thị Phương Nhi. |
Trong quá trình nghiên cứu, PGS.TS Phan Thị Phương Nhi nhận thấy, các giống cây trồng bản địa năng suất thấp song lại có phẩm chất tốt và khả năng chống chịu vượt trội. Đây là nguồn gen vô cùng quý mà chúng ta cần phải bảo tồn. Tuy nhiên, người dân lại chủ yếu chạy theo năng suất mà chưa chú ý tới giống cây này.
TS Phương Nhi chia sẻ, thường mọi người mới chỉ biết đến các loại chè có nguồn gốc từ miền Bắc. Với việc áp dụng phương pháp chỉ thị phân tử trong việc đánh giá đa dạng nguồn gen, chị đã tạo lập nguồn kiến thức về đặc điểm các giống chè đang được trồng tại khu vực miền Trung. Đây sẽ là công trình đầu tiên đánh giá sự di truyền của các giống chè ở miền Trung.
Đặc biệt, nghiên cứu còn nhận diện chè Truồi, là loại chè quý, từng là thức uống phổ biến trong cung đình Huế.
Đề án được đánh giá có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá đa dạng di truyền, định danh cấp độ các loài để có thể đảm bảo chất lượng của các loại chè, từ đó giúp bảo tồn các nguồn vật liệu quý và đặc hữu, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa phi vật thể của cô đô Huế.
“Kết hợp với chính quyền địa phương tôi còn có mong muốn đưa chè Truồi trở thành sản phẩm CO.OP”, chị Nhi chia sẻ.
Trong quá trình nghiên cứu, chị phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thử thách của cuộc sống mới khi ở Nhật. Để đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của một nghiên cứu sinh, chị đã phải làm việc rất chăm chỉ trong suốt 3 năm. Tuy nhiên, quãng thời gian đó đã khiến chị được rèn luyện về nghiên cứu và học hỏi được rất nhiều.
Hiện tại, công trình này đang ở bước đầu của công việc nghiên cứu. Với phần thưởng từ giải thưởng Nhà khoa học nữ xuất sắc năm 2022, việc tiến hành nghiên cứu diễn ra thuận lợi hơn và đạt được kết quả như mục tiêu đề ra.
TS. Hà Thị Thanh Hương: Phát hiện sớm bệnh Alzheimer qua dấu ấn sinh học
TS. Hà Thị Thanh Hương, Trưởng bộ môn Kỹ thuật Mô và Y học Tái tạo, Khoa Kỹ thuật Y sinh, Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh được vinh danh với đề án nghiên cứu về kỹ thuật phát hiện sớm bệnh Alzheimer qua việc sử dụng dấu ấn sinh học có trong huyết tương là protein p-tau 217.
|
TS Hà Thị Thanh Hương (trái), người Việt Nam đầu tiên được nhận giải thưởng Early Career Award.
|
Đề án này tập trung vào việc sử dụng những dấu ấn sinh học có trong huyết tương được dùng cho chẩn đoán Alzheimer là protein tau được phosphoryl hoá (p-tau). P-tau là một thành phần quan trọng kích hoạt sự hình thành của đám rối tơ thần kinh nội bào, vốn là một cơ chế bệnh sinh quan trọng của bệnh Alzheimer.
Hiện tại ở Việt Nam, chưa có nghiên cứu nào hướng tới việc phát triển một xét nghiệm kết hợp hóa chất miễn dịch và hạt nano để chẩn đoán sớm AD sử dụng mẫu huyết tương. Vì thế, nghiên cứu của TS Hương có ý nghĩa quan trọng khi hướng đến việc áp dụng một xét nghiệm siêu nhạy đã được xác minh là hoạt động hiệu quả với p-tau 181, một dấu ấn sinh học AD có nồng độ thấp trong máu.
Phương pháp này rất tiềm năng trong việc mang lại độ chính xác cao với giới hạn phát hiện và định lượng tối thiểu, đảm bảo phát hiện được sự thay đổi nồng độ p-Tau trong mẫu máu dù là nhỏ nhất để phân biệt bệnh nhân AD với nhóm chứng.
Nhóm nghiên cứu của TS Hương đã kết nối Bệnh viện Đại học Y Dược, Bệnh viện 30-4, cũng như các nhóm chẩn đoán phân tử từ Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Bách khoa HCM để hợp tác trong tương lai cùng triển khai hướng nghiên cứu, đưa vào ứng dụng thực tiễn.
Trước đó, năm 2020, TS Hà Thị Thanh Hương đã được tổ Chức Nghiên Cứu Não Quốc Tế (International Brain Research Organization) trao tặng giải thưởng Early Career Award. Đây cũng là lần đầu tiên 1 nhà nghiên cứu tại Việt Nam được trao tặng giải thưởng này.
Từ năm 2009, chương trình L’Oréal – UNESCO đã vinh danh 35 nhà khoa học nữ xuất sắc Việt Nam vì những nghiên cứu được đánh giá là có ý nghĩa khoa học quan trọng, góp phần cải thiện và thay đổi cuộc sống của cộng đồng và giúp họ tiếp tục theo đuổi niềm đam mê với nghiên cứu khoa học. Việt Nam cũng là quốc gia hiếm hoi được vinh danh 3 lần cho giải thưởng Nhà khoa học trẻ tài năng quốc tế trong năm 2015, 2018 và 2022 tại Paris bởi những thành tựu nổi bật trong nghiên cứu khoa học của các nhà khoa học nữ trẻ Việt Nam.
Mời quý độc giả xem video: "GS.TS Phạm Hùng Việt, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội chia sẻ về vai trò của đầu tư trọng điểm đối với nghiên cứu khoa học". Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.