Chất lỏng quý giá này chính là nọc độc bọ cạp.
Theo các chuyên gia, bọ cạp tử thần (Leiurus quinquestriatus) là một trong những loài bọ cạp nguy hiểm nhất trên Trái Đất. Vũ khí khiến loài bọ cạp này trở nên nguy hiểm chính là nọc độc của chúng, đồng thời là chất lỏng đắt nhất trên thế giới.
Nọc của bọ cạp tử thần có giá lên tới 10,3 triệu USD mỗi lít. Tuy nhiên, ngay cả khi có tiền thì chúng ta cũng khó có thể mua được cả lít bởi nọc của loài bọ cạp này chỉ được bán theo lượng cực nhỏ.
Chẳng hạn, với 130 USD, người mua chỉ có thể có một giọt nhỏ hơn hạt đường. Nguyên nhân vì sao?
|
Bọ cạp tử thần sở hữu nọc độc vô cùng quý giá. Ảnh: Pinterest |
Lý do thực ra rất đơn giản là vì nọc của bọ cạp này rất khó lấy. Trên thực tế, bọ cạp gần như luôn được vắt nọc độc bằng tay, từng con một. Mặt khác, mỗi con bọ cạp chỉ có nhiều nhất là 2 miligram nọc mỗi lần. Do đó, nếu sở hữu một con bọ cạp, chúng ta sẽ phải vắt nọc 2,64 triệu lần để có thể thu được 3,7 lít. Mỗi con bọ cạp tử thần cũng phải mất từ 2 - 3 tuần để bổ sung nọc độc.
Một điều đáng lưu ý là trong quá trình vắt nọc độc, chúng ta cũng có thể bị bọ cạp đốt. Dù vết đốt không đủ mạnh để giết chết người trưởng thành khỏe mạnh nhưng nó lại có thể gây tử vong cho người già và trẻ em nếu không được chữa trị kịp thời. Vết cắn của bọ cạp tử thần được cho là đau gấp khoảng 100 lần so với vết ong đốt. Theo ông Steve Trim, nhà sáng lập công ty Venomtech, vì cơn đau phụ thuộc vào cảm tính nên rất khó để định lượng chính xác.
Tuy nhiên, bên trong nọc độc của bọ cạp tử thần lại có rất nhiều thành phần hữu ích giúp tạo ra các loại thuốc đột phá. Cụ thể, chlorotoxin trong nọc độc bọ cạp có kích thước hoàn hảo để giúp liên kết với một số loại tế bào ung thư ở não và cột sống. Điều này rất hữu ích trong việc xác định kích thước và vị trí khối u.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu còn sử dụng bọ cạp để loại trừ căn bệnh sốt rét ở muỗi. Chất Kaliotoxin trong nọc độc bọ cạp còn được tiêm cho chuột để điều trị bệnh xương. Các nhà khoa học hy vọng rằng chất này cũng có hiệu quả ở người.
Trong qua trình tìm hiểu, các chuyên gia lại phát hiện ra nhiều cách sử dụng nọc bọ cạp hơn. Điều này cũng có nghĩa là nhu cầu về nọc độc bọ cạp sẽ tiếp tục gia tăng. Nọc độc bọ cạp rất có giá trị với ngành Y tế và các phòng thí nghiệm nghiên cứu. Chính vì vậy, các nhà khoa học đang tìm kiếm cách khai thác nọc bọ cạp nhanh hơn.
Bọ cạp tử thần – sinh vật đáng sợ trên sa mạc
Bọ cạp tử thần được ví như "thần chết" sa mạc tại Bắc Phi và Trung Đông. Chúng có màu vàng nhạt và dài khoảng 10 cm. Loài bọ cạp này thường tạo hang khoảng 20 cm ở bên dưới lớp đá để trú ngụ. Nhờ cơ thể nhỏ bé và rất phẳng nên chúng có thể dễ dàng ẩn nấp trong các vết nứt nhỏ ở dưới đá hoặc vỏ cây.
Bọ cạp tử thần là loài sống về đêm, bởi vì chúng sống ở vùng khí hậu rất khô. Việc sống về đêm giúp chúng sống sót bằng cách kiểm soát nhiệt độ và cân bằng nước.
Tuy có kích thước nhỏ bé nhưng loài vật này lại sở hữu vũ khí chết người khi có độc tố thần kinh và tim mạch đáng sợ. Có khoảng hơn 1.000 loài bọ cạp khác nhau trên thế giới. Nhưng chỉ có 25 loài trong số này là có nọc độc cao. Tuy nhiên, bọ cạp tử thần lại là loài có nọc độc mạnh nhất.
Bọ cạp là loài động vật nguy hiểm nhưng chúng cũng rất nhạy cảm. Loài vật này thậm chí còn có thể chêt vì căng thẳng. Nọc độc của chúng được sử dụng trong mọi lĩnh vực của ngành mỹ phẩm, sản xuất vũ khí hóa học và ngành dược phẩm. Nọc độc của bọ cạp chính là vật liệu thô trong những loại thuốc điều trị ung thư và giảm đau.
Bọ cạp là loài động vật hoạt động về đêm và nhạy cảm với tiếng ồn. Do đó, chúng ta không thể xây dựng cơ sở nhân giống ở khu công nghiệp vì bọ cạp có thể sẽ chết vì tiếng ồn.
Trong môi trường nuôi nhốt, sau khi đạt 1 – 2 năm tuổi, bọ cạp bước vào giai đoạn vắt nọc. Tuy nhiên, ngoài khan hiếm và phải lấy nọc bằng tay, sở dĩ nọc độc bọ cạp đắt giá vì việc lưu trữ và vận chuyển chất lỏng này cũng là một vấn đề. Nguyên nhân là nọc độc bọ cạp có thể hỏng rất nhanh. Vì vậy, ngay sau khi vắt nọc độc bằng tay, các chuyên gia phải tiến hành bảo quản và vận chuyển một cách hết sức cẩn thận để đảm bảo chất lỏng này còn "tươi".