|
Tàu bay của Trung Quốc lần đầu tiên hạ cánh xuống Mặt Trăng. Ảnh: Xinhua/Alamy.
|
Ngày 25/4, tàu vũ trụ M1, được chế tạo bởi công ty ispace có trụ sở tại Tokyo, đã rơi xuống Mặt Trăng. Đây là lần thứ 2 một công ty tư nhân cố đổ bộ lên Mặt Trăng. Trước đó, năm 2019, một công ty Israel cũng từng thử đưa tàu bay lên đây nhưng thất bại.
Từ trước đến nay, chỉ 3 tàu bay được các cơ quan vũ trụ do chính phủ Trung Quốc, Liên Xô và Mỹ tài trợ hạ cánh thành công xuống Mặt Trăng.
"Điều khiến việc hạ cánh trên Mặt Trăng trở nên khó khăn là ở đây giảm lực hấp dẫn, rất ít bầu khí quyển và nhiều bụi so với Trái Đất", ông Stephen Indyk, Giám đốc hệ thống không gian tại Honeybee Robotics ở Greenbelt, Maryland, Mỹ, cho biết.
Thất bại không ít
Theo ông Indyk, chuyện các công ty thương mại gặp phải khó khăn khi nỗ lực hạ cánh trên Mặt Trăng là chuyện "không đáng ngạc nhiên".
Vào những năm 1960, khi Mỹ và Liên Xô chạy đua đưa tàu vũ trụ lên Mặt Trăng, họ đã mất rất nhiều tàu vũ trụ trước khi thành công vào năm 1966.
"Các cơ quan vũ trụ của chính phủ đã phải thử rất nhiều lần mới được một lần thành công. Giờ đây, các công ty tư nhân được kỳ vọng có thể làm nên thành công ngay từ lần đầu khi vừa không có hỗ trợ từ chính phủ cũng như chưa từng có những lần thử nghiệm thất bại. Điều này thực sự rất khó", ông Indyk nhận định.
Vào năm 2013, Trung Quốc đã hạ cánh thành công trên Mặt Trăng trong lần thử đầu tiên với tàu Hằng Nga 3. Không may mắn như Trung Quốc, Ấn Độ gặp thất bại trong lần đầu đưa tàu bay lên đây vào năm 2019. Quốc gia này sẽ thử nghiệm lần tiếp theo vào cuối năm nay.
Thử thách ban đầu
Thất bại có thể xảy ra đối với tất cả tàu bay được phóng lên Mặt Trăng, kể cả những tàu bay không có nhiệm vụ hạ cánh.
Trường hợp này từng xảy ra với tàu Lunar Flashlight của NASA. Có nhiệm vụ ghi lại và vẽ ra bản đồ Mặt Trăng, tàu được phóng lên nhưng gặp trục trặc ngay sau đó khiến nó không đi theo quỹ đạo các nhà khoa học dự định.
Ngay cả khi đã đổ bộ đến được vùng lân cận, tàu bay vẫn phải di chuyển xuống bề mặt Mặt Trăng mà không có vệ tinh định vị toàn cầu hướng dẫn.
Bên cạnh đó, môi trường trên Mặt Trăng cũng không có khí quyển để giúp giảm tốc. Khi chỉ cách hành tinh vài vài km, máy móc trên tàu phải xử lý nhanh chóng và tự động mọi thứ. Trong lúc này, các cảm biến có thể bị nhầm lẫn bởi một lượng lớn bụi bốc lên từ bề mặt Mặt Trăng do các luồng khí thải.
Sự cố gần đây của ispace đã chỉ ra hàng loạt khó khăn của các kế hoạch khai thác các chuyến đi thương mại lên Mặt Trăng. Từ sự việc của ispace, các công ty khác sẽ phải rút kinh nghiệm khi cố gắng trở thành đơn vị tư nhân đổ bộ lên hành tinh này thành công đầu tiên.
Theo kế hoạch, cuối năm nay, NASA sẽ tài trợ một phần cho 3 tàu bay thương mại lên Mặt Trăng. Đây là một phần của chương trình Dịch vụ vận tải thương mại Mặt Trăng (CLPS) của các công ty tư nhân nhằm mục đích chế tạo tàu đổ bộ cũng như đưa người và hàng của NASA lên đây.