Tờ Daily Mail (Anh) hôm 23/10 đưa thông tin về việc hàng loạt ngư dân ở Sumatra, Indonesia, đã tìm thấy một kho báu khổng lồ bao gồm tượng Phật trị giá hàng triệu USD ở dọc con sông Musi trên đảo Sumatra trong hơn 5 năm qua. Đây được xem là "tất cả những gì còn sót lại của nền văn minh thịnh vượng vốn đã từng biến mất cách đây 700 năm".
Kho báu tuyệt vời tìm được bao gồm đá quý, nhẫn nghi lễ bằng vàng, tiền xu và chuông đồng của các nhà sư. Họ cũng tìm thấy bức tượng Phật có kích thước như người thật được nạm ngọc từ thế kỷ thứ 8, trị giá hàng triệu bảng Anh.
Đảo Vàng huyền thoại bất ngờ "lộ diện"?
Daily Mail cho hay, Tiến sĩ Sean Kingsley, nhà khảo cổ học hàng hải người Anh mới đây đã tiết lộ nghiên cứu của mình trên tạp chí Wreckwatch số mới nhất về vấn đề này. Nghiên cứu của ông về Vương quốc Vrivijayan là một phần của ấn phẩm dài 180 trang, tập trung vào "Trung Quốc và Con đường Tơ lụa trên biển".
Theo ông, địa danh của một vương quốc Indonesia huyền thoại nổi tiếng với những kho báu bằng vàng được gọi là Đảo Vàng, cuối cùng có thể đã được phát hiện trên đảo Sumatra hiện nay.
Trong 5 năm qua, những ngư dân khám phá sông Musi bị cá sấu xâm hại ở gần Palembang, đã vớt được một kho báu đáng kinh ngạc từ dưới lòng sâu bao gồm đá quý, nhẫn vàng, tiền xu và chuông đồng của các nhà sư. Một trong những phát hiện đáng kể nhất cho đến nay là bức tượng Phật có kích thước như thật được nạm ngọc từ thế kỷ thứ 8, trị giá hàng triệu bảng Anh.
Những tuyệt tác này được cho là một phần của nền văn minh Srivijaya, vương quốc hùng mạnh giàu có và thịnh vượng ở vào giữa thế kỷ 7 và 13, vốn đã biến mất một cách bí ẩn một thế kỷ sau đó.
Tiến sĩ Kingsley nói, "Các nhà thám hiểm vĩ đại đã săn lùng Srivijaya ở những khu vực khá xa đến tận Thái Lan và Ấn Độ, tất cả đều không may mắn".
Ngay cả tại Palembang, địa điểm trong truyền thuyết của vương quốc đã biến mất, các nhà khảo cổ cũng không tìm ra đủ đồ gốm cổ để có thể tự hào nói về sự tồn tại của vương quốc này, dù chỉ là một ngôi làng nhỏ.
"Trong 5 năm qua, những điều phi thường đã xuất hiện. Tiền xu của mọi thời kỳ, vàng và tượng Phật, đá quý, tất cả những thứ mà bạn có thể đọc trong 'Thủy thủ Sinbad' là có thật," ông Kingsley nói thêm.
Những hiện vật tìm được là do những người thợ lặn địa phương trong lúc lặn xuống sông để bắt các loại thủy sản, đã vô tình tìm thấy. Trên sông Musi, đoạn gần thành phố Palembang là nơi các thợ lặn thường bất ngờ tìm được nhiều báu vật cổ xưa, từ những bức tượng Phật quý giá cho đến những món đồ trang sức bằng vàng ròng quý giá.
Việc các thợ lặn tìm thấy những món trang sức bằng vàng ròng quý giá, những tượng Phật bằng đồng, thậm chí bằng vàng, có gắn đá quý, với niên đại từ thế kỷ thứ 8, khiến các nhà khảo cổ tin rằng những hiện vật này đã phản ánh sự giàu có của vương quốc Srivijaya cổ xưa.
Từ Đảo Vàng cho đến đảo Sumatra
Trong thời cổ đại, Sumatra được gọi là Đảo Vàng do nơi đây có trữ lượng vàng và tài nguyên thiên nhiên phong phú, đồng thời là điểm xuất phát đầu tiên của giao thương ở Đông Nam Á.
Thế kỷ thứ 6 và thứ 7 chứng kiến sự gia tăng ổn định của thương mại hàng hải Châu Á, với một thị trường khổng lồ là Trung Quốc được mở ra.
Đặc biệt, nhu cầu ngày càng tăng về các nghi lễ Phật giáo khiến nhu cầu xuất khẩu hàng hóa của Indonesia sang Trung Quốc cũng tăng theo. Tiến sĩ Kingsley cho biết, "Ngoài những phát hiện tuyệt đẹp về vàng và đồ trang sức, lòng sông còn chứa hàng tấn tiền xu Trung Quốc và thậm chí còn nhiều đồ gốm sứ bị chìm sâu hơn".
"Những cái xoong, chảo là hiện thân cho thấy cuộc sống ở Srivijaya. Hàng hóa được nhập khẩu từ Ấn Độ, Ba Tư và hàng loạt đồ gốm sứ tốt nhất của thời đại từ các lò nung lớn của Trung Quốc."
Theo ông Kingsley, trong khi những chiếc gương đồng và hàng trăm chiếc nhẫn vàng, nhiều chiếc được chạm khắc các chữ cái, hình và biểu tượng bí ẩn; cũng như hoa tai và chuỗi hạt bằng vàng làm sống lại thời huy hoàng của một tầng lớp quý tộc thương nhân trong giao dịch hàng ngày.
Vương quốc Srivijaya được tiến sĩ Kingsley mô tả như một "thế giới nước", với những người sống trên sông.
"Đế chế Srivijaya quả thực chủ yếu tồn tại trên sông nước, ngôi nhà của người dân sống dưới đế chế này chủ yếu là những con thuyền di chuyển trên sông. Khi nền văn minh này kết thúc, mọi dấu tích cũng biến mất một cách bí ẩn", ông nói.
Vào thời kỳ đỉnh cao, Srivijaya kiểm soát các huyết mạch của Con đường Tơ lụa trên biển, một thị trường khổng lồ, nơi giao thương buôn bán hàng hóa địa phương với Trung Quốc và Ả Rập.
Ông nói: "Trong khi thế giới phía tây Địa Trung Hải đang bước vào thời kỳ đen tối vào thế kỷ thứ 8, một trong những vương quốc vĩ đại nhất thế giới đã xuất hiện trên bản đồ Đông Nam Á".
Ông nhận định, trong hơn 300 năm, những người cai trị Srivijaya đã thông thạo các tuyến đường thương mại giữa Trung Đông và đế quốc Trung Quốc. Tuy nhiên, quy mô dân số của vương quốc vẫn chưa rõ ràng.
Tiến sĩ Kingsley nói với Daily Mail, "Tôi không thấy bất kỳ số liệu thống kê nào về dân số Srivijaya. Họ đã không thực hiện một cuộc điều tra dân số, đây là điều đáng buồn".
Những du khách thời đại nói rằng vương quốc này "rất đông đúc". Các nhà biên niên sử viết rằng Srivijaya có rất nhiều đảo, không ai biết giới hạn của nó kết thúc ở đâu.
"Thực tế là chỉ riêng thủ đô đã có 20.000 binh lính, 1.000 nhà sư và 800 người cho vay tiền, điều này cho thấy dân số khá đông", ông nói.
Vào thế kỷ thứ 10, dân số của đông Java là 3-4 triệu người. Và Java nhỏ hơn Sumatra.
Vì sao vương quốc Srivijaya biến mất?
Câu hỏi vì sao vương quốc Srivijaya phồn thịnh một thời sụp đổ đến nay vẫn còn là bí ẩn. Theo ông Kingsley, rất có thể sông Musi đột ngột đổi dòng đã nhấn chìm kinh thành Srivijaya và các vùng lân cận. Ông tin rằng, khi nền văn minh kết thúc, vào thế kỷ 14, "những ngôi nhà, cung điện và đền thờ bằng gỗ của họ đều bị chìm cùng với tất cả hàng hóa của họ".
Giáo sư Kingsley cũng so sánh sự biến mất của đế chế Srivijaya giống như những gì đã xảy ra với thành phố cổ Pompeii (Italia), nghĩa là có những sự thay đổi đột biến và dữ dội đã xảy ra. Ông tự hỏi liệu nó có chịu chung số phận như Pompeii - hậu quả của một thảm họa núi lửa - "hay dòng sông chảy xiết, ngổn ngang nuốt chửng cả thành phố?"
Khó khăn mà các nhà khảo cổ đang gặp phải hiện nay là họ bị thiếu nguồn lực để tiến hành hoạt động khảo cổ một cách quy mô, trong khi đó, những báu vật được ngư dân tìm thấy thường nhanh chóng bị bán cho những người tìm mua đồ cổ.
Ngoài các cuộc lặn đêm của các đội đánh cá địa phương, vẫn chưa có cuộc khai quật chính thức nào, điều này khiến nhiều câu hỏi chưa được giải đáp, Guardian đưa tin.
Khi những manh mối đầu tiên vừa xuất hiện, giúp làm hé lộ về sự tồn tại của một đế chế vẫn được nhắc tới trong truyền thuyết, các nhà khảo cổ đã lại lo lắng số cổ vật được tìm thấy đã bị đem bán và tản mát khắp nơi khi câu chuyện còn chưa kịp kể ra với thế giới một cách trọn vẹn,
Hiện các đồ tạo tác được tìm thấy đang được bán cho các đại lý đồ cổ trước khi chúng có thể được các chuyên gia kiểm định tính chính xác.