PGS.TS Đinh Duy Kháng: Người nhiều duyên nợ với... virus

Google News

Dù chuyên môn không phải là nghiên cứu vắc xin, nhưng như duyên nợ đưa đẩy, PGS.TS Đinh Duy Kháng - Viện Công nghệ Sinh học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam lại gắn bó với virus, vắc-xin suốt nhiều năm làm khoa học.

Làm vắc-xin phòng H5N1
PGS.TS Đinh Duy Kháng là chuyên gia về vi sinh vật, miễn dịch học và sinh học phân tử. Duyên nợ, cuộc đời nghiên cứu khoa học của ông lại gắn với vắc-xin nhiều hơn. Công trình ý nghĩa, đáng nhớ nhất trong cuộc đời nghiên cứu khoa học của ông là những tháng ngày sản xuất vắc-xin phòng cúm gia cầm H5N1.
PGS.TS Dinh Duy Khang: Nguoi nhieu duyen no voi... virus
 PGS.TS Đinh Duy Kháng.
Ông cho biết, đại dịch cúm gia cầm H5N1 xảy ra vào cuối năm 2003, đầu năm 2004. Trước tình hình đó, mặc dù Viện Công nghệ sinh học (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) không phải là đơn vị chịu trách nhiệm trước Nhà nước về giám sát dịch bệnh, nhưng theo quan điểm của GS.TS Lê Trần Bình - Viện trưởng lúc bấy giờ - “trước tình hình nước sôi lửa bỏng, Viện Công nghệ Sinh học phải vào cuộc”.
Chỉ sau một thời gian ngắn, Viện Công nghệ Sinh học đã đăng ký hàng trăm trình tự gene của virus H5N1 lưu hành ở Việt Nam vào Ngân hàng dữ liệu gene quốc tế. Các trình tự gene đầu tiên về loại virus này được thực hiện tại Việt Nam và đăng ký vào GenBank chính là của nhóm.
Thời điểm năm 2003, Việt Nam chưa có bất kỳ loại vắc-xin phòng cúm gia cầm nào. PGS.TS Đinh Duy Kháng nghĩ đến việc liệu có thể sản xuất vắc-xin này không? Để sản xuất vắc-xin phòng H5N1 cần phải có chủng vắc-xin được tạo ra bởi công nghệ di truyền ngược (Reverse genetics). Để làm chủ được công nghệ mới này cần phải có thời gian đào tạo nhân lực và đầu tư trang thiết bị. Nhưng trong tay không có gì, làm sao có vắc-xin?
PGS.TS Đinh Duy Kháng kể: “Cuối tháng 11/2005, chủng giống vắc-xin cúm đầu tiên về đến Nội Bài. Có chủng giống, tôi hướng dẫn nhân viên gấp rút cấy giống vào trứng gà SPF có phôi rồi hồi hộp chờ đợi kết quả.
Sau khi kiểm tra hiệu giá ngưng kết hồng cầu và vô trùng của dịch niệu thu từ trứng cấy chủng, chúng tôi vô cùng vui sướng khi chủng đã nhân lên rất tốt, hiệu giá cao và đảm bảo vô trùng.
Công việc tiếp theo là xác định tính ổn định về mặt an toàn và kháng nguyên. Phải kiểm tra chủng vắc-xin bằng việc xác định trình tự các gen mã hóa các kháng nguyên quan trọng như HA và NA.
Kết quả kiểm tra cho thấy, chủng vắc-xin hoàn toàn đảm bảo về tính an toàn và tính kháng nguyên so với hồ sơ chủng giống được cung cấp. Điều đặc biệt là chủng vắc-xin được NIBSC cung cấp (NIBRG-14) chính là chủng được phát triển từ chủng cúm H5N1 có nguồn gốc từ Việt Nam chủng A/Vietnam/1194/2004(H5N1). Như vậy hoàn toàn yên tâm về việc chủng sẽ có tính kháng nguyên tương đồng với các chủng H5N1 đang lưu hành ở Việt Nam.
Đề tài độc lập cấp Nhà Nước “Nghiên cứu qui trình sản xuất vắc-xin cúm A/H5N1 dùng cho gia cầm” ra đời trong hoàn cảnh đó. Để đảm bảo chắc chắn cho sản phẩm của đề tài có thể nhanh chóng đưa ra sản xuất và ứng dụng thực tiễn, Viện Công nghệ Sinh học đã kết hợp với nhiều cơ quan trong đó có Công ty TNHH một thành viên NAVETCO để cùng nghiên cứu sản xuất.
Sau 2 giai đoạn nghiên cứu, quy trình sản xuất vắc-xin cúm gia cầm đã được sử dụng để sản xuất thử nghiệm tại Công ty TNHH một thành viên NAVETCO. Sản phẩm vắc-xin đã được chính thức đưa ra thị trường với thương hiệu NAVET-VIFLUVAC.
Đến vắc-xin cho người
PGS.TS Đinh Duy Kháng kể: “Ngoài vắc-xin cho gia cầm, GS Lê Trần Bình còn có tham vọng sử dụng chủng NIBRG-14 để sản xuất vắc-xin phòng cúm H5N1 dùng cho người. GS đề nghị tôi nối máy cho anh nói chuyện với GS Lê Văn Hiệp, Viện trưởng Viện Vắc-xin Nha Trang khi đó.
GS Lê Văn Hiệp rất phấn khởi khi được GS Lê Trần Bình cho biết Viện Công nghệ Sinh học đang có chủng được tạo ra bằng công nghệ di truyền ngược và sẵn sàng kết hợp với Viện Vắc-xin Nha Trang để nghiên cứu sản xuất vắc-xin cúm H5N1 dùng cho người. GS Hiệp đề nghị giáo sư Bình cho người của Viện chúng tôi mang chủng NIBRG-14 vào Nha Trang để cùng phối hợp nghiên cứu sản xuất vắc-xin cúm H5N1 dùng cho người.
Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ điều kiện cho nghiên cứu sản xuất, GS Hiệp điện cho GS Bình đề nghị cử tôi mang chủng giống vào Nha Trang để cùng các đồng nghiệp trong Viện Vắc-xin nghiên cứu sản xuất vắc-xin phòng cúm H5N1.
Nhận nhiệm vụ viện trưởng giao, tôi đã vào Viện vắc-xin để kết hợp với các đồng nghiệp của phòng QC, Viện Vắc-xin như Nguyễn Thị Minh Hiền, Nguyễn Lan Phương, Trần Ngọc Nhơn, Đặng Hồng Vân... cùng nghiên cứu sản xuất vắc-xin cúm.
Sản xuất vắc-xin cúm dùng cho người khó khăn hơn nhiều so với vắc-xin dùng cho gia cầm vì phải loại bỏ hoàn toàn các protein từ dịch trứng bằng li tâm siêu tốc để cô đặc virus và tinh chế trong gradient sucrose, sau đó mới bất hoạt và bổ sung chất bổ trợ vắc-xin.
Các công đoạn phải làm liên tục không được ngơi nghỉ nên có khi chúng tôi phải làm việc thâu đêm suốt sáng. Nhưng bù lại, chúng tôi cũng đã thành công trong việc tạo ra được những lô vắc-xin cúm H5N1 đầu tiên dùng cho người.
Vắc-xin đã được gửi sang các cơ sở kiểm định quốc tế của WHO và được đánh giá đảm bảo tính an toàn và công hiệu. Nhờ đó, Viện Vắc-xin Nha Trang là cơ sở đầu tiên ở Việt Nam được WHO tin tưởng và tài trợ cho một dây chuyền khép kín sản xuất vắc-xin cúm bằng công nghệ cấy trên trứng gà có phôi đặt tại cơ sở sản xuất của Viện tại Suối Dầu”.
Đây là một cơ sở chuyên về sản xuất vắc-xin cúm đồng bộ từ khâu nuôi gà sạch cung cấp trứng cho đến tất cả các khâu của dây chuyền sản xuất vắc-xin như tiêm trứng, thu dịch niệu, cô đặc, tinh chế, bất hoạt, trộn chất bổ trợ và đóng gói thành phẩm.
Cơ sở được tách biệt ra khỏi thành phố và nằm cách Nha Trang khoảng 20 km. Số kinh phí được WHO tài trợ để xây dựng dây chuyền sản xuất là 11 triệu USD.
PGS.TS Đinh Duy Kháng, sinh năm 1952 là tác giả, đồng tác giả của 166 công bố khoa học trong nước, 9 bài báo quốc tế, đứng tên nhiều đầu sách. Ông được vinh danh “Trí thức Việt Nam sáng tạo và Cống hiến” của UNESCO Việt Nam năm 2016; Giải thưởng Trần Đại Nghĩa năm 2019 về công trình “Nghiên cứu xây dựng qui trình công nghệ sản xuất vắc-xin cúm gia cầm subtype A/H5N1 ở Việt Nam”…

Theo Hồng Chi/Giáo dục & Thời đại

>> xem thêm

Bình luận(0)