Đó là nghiên cứu thành công của GS.TS Nguyễn Minh Đức, Trung tâm KH&CN Dược Sài Gòn (SAPHARCEN) cùng các cộng sự khi thực hiện “Nghiên cứu sự tích lũy hoạt chất saponin theo tuổi cây và ứng dụng vào sản xuất một số sản phẩm chất lượng cao từ Sâm Việt Nam trồng tại Lâm Đồng”.
GS.TS Nguyễn Minh Đức cho biết, nguồn nguyên liệu sâm Việt Nam (SVN) được di thực, gieo trồng bằng công nghệ mới trên đất bằng với mái che nhân tạo tại Lâm Đồng. Cùng với đó, 4 quy trình sản xuất các sản phẩm từ SVN khá đơn giản, chi phí thấp, phù hợp với điều kiện trang thiết bị sản xuất của các doanh nghiệp trong nước, nên dễ dàng triển khai sản xuất trên quy mô lớn.
|
Bột cao sâm Việt Nam thành công từ nghiên cứu khoa học |
Cụ thể, từ 702 gam bột dược liệu, nhóm thực hiện nhiệm vụ đã bào chế được khoảng 584 gam Cao lỏng SVN với độ ẩm 29,85% (đạt TCCS Cao lỏng SVN) bằng hệ thống chiết xuất đun hồi lưu.
Cao lỏng có thể chất đặc sánh, màu nâu đen, mùi thơm đặc trưng, vị rất đắng, đồng nhất, không có váng mốc, không có cặn bã và vật lạ.
Bằng nguồn cao lỏng SVN thu được, nhóm nghiên cứu đã kết hợp với một số nguyên liệu khác để bào chế bột chiết chứa 20% cao lỏng SVN (độ ẩm 2,14%). Hiệu suất bào chế đạt 86,67%. Bột chiết có thể chất khô tơi, màu vàng nhạt, mùi thơm đặc trưng, vị đắng nhẹ. Sau khi hòa với nước, dung dịch có màu vàng nhạt, mùi thơm nhẹ, vị đắng nhẹ, đặc trưng của SVN. Tổng hàm lượng 5 saponin trong sản phẩm là 2,4% và hàm lượng M-R2 là 1,2%.
Để bào chế sâm Việt Nam tẩm mật ong, nhóm dùng rễ củ sâm Việt Nam tươi. SVN tẩm mật ong được làm chín trong quá trình chế biến tạo cảm giác mềm, mùi vị dễ dùng, không để lại bã trong miệng, sử dụng tốt cho người bị tiểu đường nhưng vẫn giữ được mùi thơm của sâm và mật ong.
Chế phẩm SVN tẩm mật ong tạo ra có khả năng bảo quản được lâu, thuận tiện cho việc thương mại hóa và sử dụng chế phẩm. Tổng hàm lượng 5 saponin trong sản phẩm là 5,2% và M-R2 là 2,8%.
|
Sản phẩm Sâm Việt Nam tẩm mật ong từ cây SVN trồng tại Lâm Đồng |
Trà hòa tan sâm Việt Nam có thể chất khô tơi, màu vàng nhạt, mùi thơm đặc trưng, vị đắng nhẹ. Tổng hàm lượng 5 saponin trong sản phẩm là 2,9% và M-R2 là 1,5%.
Cũng theo GS.TS Nguyễn Minh Đức, SVN di thực trồng ở Lâm Đồng có tỷ lệ sống, ra hoa, đậu quả cao (trên 85%). Kết quả kiểm nghiệm SVN 6 tuổi trồng tại Lâm Đồng của Viện Kiểm nghiệm Thuốc TPHCM cho thấy, tổng hàm lượng 5 saponin (G-Rb1, G-Rd, G-Rg1, M-R2 và V-R2) là 13,2% và hàm lượng M-R2 là 6,3%. Đặc biệt, sự tích lũy saponin có xu hướng tăng theo năm tuổi; hàm lượng các saponin chính trong SVN trồng ở Lâm Đồng dùng làm nguyên liệu bào chế thành các sản phẩm cao hơn nhiều so với yêu cầu hàm lượng của dược liệu theo Dược điển Việt Nam - V (2017).
Nhiều công trình nghiên cứu về tác dụng dược lý đã chứng minh SVN có nhiều công dụng tốt cho sức khoẻ.
>>> Mời độc giả xem thêm video Lâm Đồng: Cây siêu quả Magic-S lần đầu công bố tại Việt Nam: