Lâu nay, người ta vẫn gọi hòn đảo Sumatra, thuộc quần đảo Sunda, nằm ở miền Tây đất nước Indonesia là "đảo vàng" vì trữ lượng vàng khổng lồ. Trong suốt 5 năm qua, những ngư dân sống gần khu vực sông Musi, nơi sinh sống của nhiều cá sấu, gần thành phố Palembang, đã vớt được số lượng vàng bạc, châu báu đáng kinh ngạc, bao gồm cả đá quý, nhẫn nghi lễ bằng vàng, tiền xu và chuông đồng của các nhà sư.
Một trong những phát hiện đáng kinh ngạc nhất cho đến nay là một bức tượng Phật có kích thước to lớn được nạm ngọc từ thế kỷ thứ 8. Ước tính bức tượng này có giá trị hàng triệu bảng Anh (tức hơn 30 tỷ đồng).
Các đồ tạo tác có niên đại từ nền văn minh Srivijaya - một vương quốc hùng mạnh được cho là tồn tại từ thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ thứ 13 rồi biến mất một cách bí ẩn vào thế kỷ 14 mà không để lại dấu vết gì.
Tiến sĩ Sean Kingsley, một nhà khảo cổ học hàng hải người Anh, nói với tờ MailOnline: "Các nhà thám hiểm trước đây đã từng săn lùng tung tích của vương triều Srivijaya, họ tìm đến tận Thái Lan và Ấn Độ nhưng không thu được bất kỳ kết quả nào".
"Ngay cả tại thành phố Palembang, nơi được cho là kinh đô của vương triều Srivijaya xưa kia, các nhà khảo cổ học cũng không tìm ra số đồ gốm, dù là số lượng ít đủ dùng cho một ngôi làng nhỏ. Srivijaya, vương quốc hùng mạnh đã biến mất một cách kỳ lạ khỏi Trái đất, để lại bí ẩn to lớn cho hậu thế", Tiến sĩ Kingsley nói.
Ông cho biết thêm: "Trong 5 năm qua, những điều phi thường đã xuất hiện. Những đồng tiền xu, vàng và tượng Phật, đá quý, tất cả những thứ tưởng chừng như là hư cấu mà người ta được biết đến trong bộ truyện "Nghìn lẻ một đêm" với nhân vật thủy thủ Sinbad, hóa ra lại hoàn toàn có thật".
Trong thời cổ đại, Sumatra được gọi là Đảo Vàng do nơi đây có trữ lượng vàng và tài nguyên thiên nhiên phong phú, đồng thời là điểm giao thương ở Đông Nam Á. Thế kỷ thứ 6 và thứ 7 chứng kiến sự gia tăng ổn định của thương mại hàng hải châu Á, khi thị trường Trung Quốc mở cửa.
“Ngoài những món trang sức tuyệt đẹp, lòng sông Musi còn chứa hàng tấn tiền xu Trung Quốc và đồ gốm sứ. Điều này cho thấy quan hệ giao thương giữa đảo Sumatra với Trung Quốc đã phát triển từ rất lâu. Tượng phật và một số chiếc chuông đồng mò được dưới đáy sông Musi cho thấy thời cổ đại, Phật giáo từng được truyền bá vào Indonesia trong quá trình giao thương với Trung Quốc”, ông Kingsley nói.
Đặc biệt, nhu cầu ngày càng tăng đối với các nghi lễ Phật giáo đã dẫn đến sự gia tăng xuất khẩu hàng hóa của Indonesia sang Trung Quốc.
Sự sụp đổ của vương triều Srivijaya phồn thịnh một thời đến nay vẫn còn là bí ẩn. Tiến sĩ Kingsley tin rằng khi vương triều Srivijaya kết thúc, vào thế kỷ 14, những ngôi nhà, cung điện và đền thờ bằng gỗ của họ đều bị chìm cùng với tất cả hàng hóa của họ. Vào thời kỳ đỉnh cao, Srivijaya kiểm soát các huyết mạch của Con đường Tơ lụa trên biển, một thị trường khổng lồ, nơi buôn bán hàng hóa địa phương, Trung Quốc và Ả Rập.
Ông nói: "Trong khi thế giới phía Tây Địa Trung Hải đang bước vào thời kỳ đen tối vào thế kỷ thứ 8, một trong những vương quốc vĩ đại nhất thế giới đã xuất hiện trên bản đồ Đông Nam Á. Trong hơn 300 năm, những người cai trị Srivijaya đã thông thạo các tuyến đường thương mại giữa Trung Đông và Trung Quốc. Srivijaya đã trở thành ngã tư quốc tế cho những sản phẩm tốt nhất của thời đại".
Quy mô dân số của vương triều này đến nay cũng vẫn là bí ẩn. Tiến sĩ Kingsley nói với MailOnline: "Tôi không thấy bất kỳ số liệu thống kê mạnh mẽ nào về dân số Srivijaya. Đáng buồn là họ đã không thực hiện một cuộc điều tra dân số. Các nhà biên niên sử viết rằng Srivijaya sở hữu rất nhiều đảo, không ai biết giới hạn của nó kết thúc ở đâu. Thực tế là chỉ riêng ở kinh đô của vương triều này đã có 20.000 binh lính, 1.000 nhà sư và 800 người cho vay tiền. Đủ để tưởng tượng dân số đã đông như thế nào".