Rắn hổ mang chúa có tên khoa học là Ophiophagus hannah, là loài rắn độc có kích cỡ khổng lồ và đặc tính “ngóc đầu dậy” khi cảm thấy nguy hiểm. Đặc điểm sinh học nổi bật đó khiến rắn hổ mang được xem là loài rắn độc phổ biến, dễ nhận diện nhất trên thế giới.
Loài rắn hổ mang có nguồn gốc ở Ấn Độ, tuy nhiên chúng có thể được tìm thấy ở nhiều quốc gia khác nhau như Bhutan, Burma, Thái Lan, Lào, Việt Nam… Rắn hổ mang sinh sống trong rừng cao nguyên đặc dụng, rừng cây và đồng cỏ gần sông suối, kênh rạch.
Rắn hổ mang chúa là loài rắn độc dài nhất thế giới với chiều dài trung bình của một con trưởng thành là khoảng 3 đến 4m.
Theo số liệu được ghi nhận, cá thể rắn hổ mang chúa đạt chiều dài tối đa trong tự nhiên là 7m, được phát hiện tại dãy núi Ghats Tây ở Ấn Độ. Rắn hổ mang chúa đực có kích thước lớn hơn so với con cái.
Rắn hổ mang chúa là loài vật ăn thịt đồng loại. Chúng đi săn những loài rắn khác như rắn săn chuột, trăn nhỏ và nhiều loài rắn độc khác. Ngoài ra, rắn hổ mang chúa cũng săn các loài có xương sống nhỏ khác, chẳng hạn thằn lằn, chim và gặm nhấm.
Tuổi thọ trung bình của rắn hổ mang chúa hoang dã là khoảng 20 năm.
Nọc độc của rắn hổ mang chúa chủ yếu thuộc nhóm neurotoxin gồm các độc tố thần kinh, cytotoxin và một vài hợp chất khác. Những chất này có thể gây tổn hại mô thần kinh và làm vô hiệu các tế bào. Rắn hổ mang chúa có khả năng tiêm một lượng lớn nọc độc với liều khoảng 200 đến 500mg vào nạn nhân trong một vết cắn. Nọc độc của rắn hổ mang chúa sẽ khiến con mồi giảm thị lực nhanh chóng, gây tê liệt, sau đó là suy hô hấp và tim ngừng đập và tử vong.
Một số trường hợp, lượng nọc độc rắn hổ mang chúa tiết ra trong một vết cắn có thể lên tới 7ml, đủ để giết chết một con voi châu Phi trong vài giờ và làm cho 20 người đàn ông trưởng thành thiệt mạng.
Nếu con người bị rắn hổ mang chúa cắn, nọc độc của nó sẽ tấn công thẳng tới hệ thần kinh trung ương, gây mờ mắt, đau nhức, buồn ngủ, chóng mặt, tê liệt thần kinh, hôn mê và thiệt mạng nhanh chóng.
Một vết cắn của rắn hổ mang chúa có thể giết chết người trưởng thành chỉ sau 30 phút.
Sự thật viên ngọc đen trên đầu hổ mang chúa
Từ xưa, có không ít phương thuốc dân gian được lan truyền để chữa trị những vết cắn của rắn độc. Một trong số đó là dùng chính viên đá rắn (snake-stone) hay còn gọi là ngọc rắn (snake's pearl), tiếng Ấn Độ gọi là Nagamani, để chữa bệnh. Phương thuốc này được lưu truyền trong văn hóa của người châu Phi, Nam Mỹ, Ấn Độ và cả châu Á.
Viên đá rắn là một 'viên ngọc' nhỏ, có kích thước bằng hạt đậu nằm trên đỉnh đầu của con rắn hổ mang. Để lấy nó ra, người ta có thể dùng một lưỡi dao ấn nhẹ phía trên đỉnh đầu của con rắn.
Nếu bị rắn cắn, người ta sẽ lấy 'ngọc rắn' đặt lên vết cắn và buộc cố định lại. Sau đó để một vài ngày, “viên ngọc” này sẽ hút hết nọc độc.
Thực tế 'viên ngọc' trên đầu của rắn hổ mang chỉ là... một phần xương của con rắn. Đôi khi, nó có thể xuất hiện ở cả phần đuôi của con rắn.
Tuy nhiên, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thì 'viên ngọc' này không hề có bất cứ hiệu quả y khoa nào đến vết rắn cắn. WHO cũng đưa ra khuyến cáo rằng, mọi người không nên sử dụng các phương pháp truyền thống nhưng thiếu tính khoa học như dùng 'ngọc rắn', hút nọc độc bằng miệng… để chữa trị khi bị rắn cắn.