Hội Thiên văn Hà Nội (HAS) vừa thông tin, gần đây một số kênh thông tin cho rằng mưa sao băng Geminids đạt đỉnh vào đêm 13 rạng sáng 14/1 tới đây. Tuy nhiên điều này có vẻ không chính xác. Thời điểm mưa sao băng Geminids đạt cực đại là vào nửa đêm ngày 14 rạng sáng ngày 15/12 và thời điểm tốt nhất là quan sát từ sau nửa đêm ngày 14/12. Thông tin này được nhiều trang thông tin hàng đầu về thiên văn thế giới xác nhận.
|
Mưa sao băng Geminids là sự kiện thiên văn đáng được mong chờ nhất năm. |
Mưa sao băng Geminids cực đại với một bầu trời tối suốt đêm do không bị ảnh hưởng từ ánh sáng của Mặt Trăng. Ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam cho biết, khác với hầu hết các trận mưa sao băng khác có nguồn gốc từ các sao chổi, Geminids là mưa sao băng xuất phát từ những mảnh vụn của một tiểu hành tinh có tên là 3200 Phaethon. Đây là một tiểu hành tinh nhỏ có đường kính khoảng 5 km và chuyển động quanh Mặt Trời trên quỹ đạo có chu kỳ 1,4 năm.
Những mảnh vụn của tiểu hành tinh này để lại trên đường đi của nó khi tới gần Mặt Trời là rất nhiều thiên thạch nhỏ. Hàng năm, khi Trái Đất của chúng ta đi qua khu vực quỹ đạo bị cắt ngang bởi dòng thiên thạch này, các thiên thạch đi vào khi quyển Trái Đất với vận tốc hơn 100.000 km/h và cháy sáng trên tầng cao khí quyển, tạo thành những vệt sao băng mà chúng ta có thể quan sát được từ mặt đất
Geminids không chỉ được chú ý bởi lượng sao băng nhiều mà còn bởi thường có nhiều sao băng rất sáng. Để quan sát mưa sao băng, bạn không cần bất cứ dụng cụ hỗ trợ nào, quan sát bằng mắt thường chính là tốt nhất. Nên chọn vị trí quan sát có góc nhìn rộng, ít ánh sáng nhân tạo (tuyệt đối không quan sát ở nơi có ánh đèn chiếu trực tiếp vào mắt). Ban đầu, bạn sẽ cần khoảng 10 phút để mắt quen với bóng tối - vì vậy hãy kiên nhẫn, có thể ban đầu bạn không thấy ngôi sao nào cả, nhưng vài phút sau chúng sẽ dần xuất hiện.
Bạn hãy lưu ý các thông tin sau để quan sát Mưa sao băng tốt nhất nhé: Tìm một nơi bầu trời thật tối và quang đãng với tầm mắt rộng có thể nằm để nhìn lên toàn bộ bầu trời; Quan sát mưa sao băng không cần kính thiên văn, chỉ cần dùng mắt thường để bao quát toàn bộ bầu trời và hơi tập trung về tâm điểm chòm sao Gemini (Song Tử). Bạn có thể xác định bằng cách dùng các phần mềm thiên văn như Stellarium, Skyportal,...
Có rất nhiều đối tượng để quan sát trong buổi tối như: Mộc tinh, Thổ tinh, Lục Giác Mùa Đông, thiên hà Andromeda M31,... nếu bạn có kính thiên văn Nếu bầu trời có mây hoặc bị ô nhiễm ánh sáng thì bạn nên bỏ ý định quan sát mưa sao băng do rất khó với điều kiện quan sát không tốt.
Một tuần sau cực điểm của Geminids, một mưa sao băng khác sẽ đạt cực điểm là mưa sao băng Ursids. Tuy nhiên, đây là trận mưa sao băng nhỏ và thường khó quan sát.