Hồi cuối tháng 10/2023, trong đám cưới của Thanh Hằng có xuất hiện một loại nấm quý hiếm, vẻ ngoài vô cùng đẹp mắt. Nhiều người tò mò về loại nấm này, không hiểu vì sao nó lại quý giá và đắt tiền. Loại nấm được nhắc đến có nhiều tên gọi khác nhau như nấm nữ hoàng, nấm măng hoa, nấm cô dâu, nữ hoàng nấm… Tuy nhiên, cái tên phổ biến nhất ở Việt Nam vẫn là nấm tâm trúc.
Tên khoa học của nấm tâm trúc là Dictyophora indusiata. Chúng chỉ mọc quanh rễ cây tre, trúc, nứa. Nấm tâm trúc ký sinh và dùng phần rễ, thân và lá tre chết đã bị phân tán để làm dinh dưỡng. Tuổi đời của nấm tâm trúc rất ngắn, chỉ trong khoảng 10 tiếng.
Sở dĩ nấm tâm trúc mang những cái tên mỹ miều như vậy là vì vẻ ngoài của nó. Phần thân nấm màu trắng sữa, mũ có màu đen hoặc nâu. Nhưng đặc biệt, dưới mũ nấm có một “tấm rèm” màu trắng. Thoạt nhìn nó giống màn che mặt của mỹ nhân xưa, cũng tựa như một chiếc váy màu trắng. Thế nên người ta vẫn ví von loại nấm này dường như bước ra từ cổ tích.
Nấm tâm trúc tươi tốt nhất là sau khi trời mưa, vào khoảng 7 - 9 giờ sáng. Nếu quá 10 tiếng kể từ khi phát triển không được hái, nấm sẽ bị bốc mùi, hoặc bị côn trùng ăn hết. Mùi hương từ loài nấm này vô cùng hấp dẫn, càng khiến sâu và côn trùng yêu thích.
Không chỉ quý hiếm ở Việt Nam, tại Trung Quốc nấm tâm trúc cũng nằm trong nhóm 8 loại thực vật quý. Nấm tâm trúc giàu protein, ít chất béo, giàu axit amin, muối vô cơ nên nó có tác dụng dưỡng nhan, dưỡng khí, dưỡng não, an thần, bồi bổ.
Vừa đẹp mắt, vừa bổ, nấm tâm trúc lại có vị thơm ngon. Người Trung Quốc đã tạo nên món “trúc tôn phù dung” nổi tiếng từ loại nấm này. Nó chuyên xuất hiện trong những bữa tiệc sang trọng. Giá một cân nấm tâm trúc ở Trung Quốc có thể đạt đến hàng triệu đồng. Nhưng cung không đủ cầu, người dân nước này luôn ráo riết tìm mua nấm tâm trúc bằng được để tẩm bổ.
Riêng tại Việt Nam, nấm tâm trúc có nhiều trong tự nhiên, song nó không quá phổ biến. Đó là lý do khi xuất hiện trong đám cưới Thanh Hằng, nấm tâm trúc nhanh chóng gây tò mò với mọi người.