Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng nổi tiếng với du khách bốn phương bởi những hang động kỳ vĩ, những dòng suối mát, sự đặc sắc của văn hóa bản địa... Đây là khu vực có tính đa dạng sinh học cao, nơi sinh sống của nhiều loại động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm. Dưới tán rừng già, công tác cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật đang được thực hiện, mang lại hiệu quả cao.
|
Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng là khu vực có tính đa dạng sinh học cao. |
Ông Trần Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng cho biết, đơn vị đang tiếp nhận, cứu hộ, chăm sóc nhiều cá thể động vật hoang dã thuộc danh mục động vật rừng nguy cấp, quý hiếm theo quy định tại Nghị định của Chính phủ.
Trong những cá thể động vật hoang dã được cứu hộ, chăm sóc tại trung tâm này, có loài chim Hồng Hoàng với cái mỏ "đồ sộ" gây chú ý cho nhiều người. Theo anh Phạm Kim Vương, Trưởng bộ phận Cứu hộ sinh vật, loài chim này nổi tiếng với cách "tán gái" và sự chung thủy hiếm có trong giới chim hoang dã. Hiện đơn vị đang chăm sóc, phục hồi tập tính cho 5 cá thể chim Hồng Hoàng.
|
Hiện Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đang chăm sóc 5 cá thể chim Hồng Hoàng. |
Hồng Hoàng còn có tên gọi khác Phượng Hoàng đất, tên khoa học là Buceros bicornis. Loài này thường sinh sống trong các khu rừng rậm lớn ở Ấn Độ, miền Nam Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á. Loài này thuộc nhóm IB - đang bị đe dọa tuyệt chủng theo quy định tại Nghị định số 84/2021/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm.
"Qua một số tài liệu và khảo sát thực tế, chim Hồng Hoàng sinh sống chủ yếu ở vùng núi đất bởi nơi đây có nhiều loại thức ăn phù hợp với tập tính của nó. Ở Phong Nha - Kẻ Bàng, loài chim Hồng Hoàng tập trung ở đường Hồ Chí Minh nhánh Tây", anh Vương cho biết.
Người ta dễ phân biệt Hồng Hoàng với các loài chim khác bởi phần mỏ, mũ trên đỉnh đầu nổi bật. Chiếc mũ, mỏ này chiếm đến 11% trọng lượng cơ thể chim. Cùng với đó là màu của bộ lông được pha từ 3 gam màu chủ đạo là trắng, đen tuyền và vàng tươi. Phượng Hoàng đất là thành viên to lớn nhất trong họ Hồng Hoàng. Cá thể trưởng thành có thể dài từ 0,95 - 1,2m với sải cánh rộng tới dài tới 1,52m và cân nặng từ 2,15 - 4kg. Chúng có tuổi thọ đạt khoảng 50 năm trong điều kiện sống tốt.
|
Hồng Hoàng nổi tiếng về việc "tán gái" ở giới chim. |
Nói về câu chuyện "tán gái" của loài chim tưởng đùa mà thật, anh Vương cho biết, theo tập tính, Hồng Hoàng trống đến tuổi trưởng thành sẽ sớm lựa chọn một bạn tình vừa ý, sau đó miệt mài tán tỉnh bằng cách tặng nhiều quà như cành cây, cục đá, xương, xác côn trùng... đến khi "người yêu" xiêu lòng.
"Hành trình tán tỉnh ấy không phải dễ dàng vì các "nàng" Hồng Hoàng không phải dễ tính. Hồng Hoàng mái sẽ chọn cho mình người bạn đời là "anh chàng chim" dành tặng cho mình nhiều món quà yêu thích nhất. Qua tập tính này, nhiều nhà sinh vật học mệnh danh đây là loài chim lãng mạn nhất thế giới", anh Vương chia sẻ.
Những chàng Hồng Hoàng ngoài nổi tiếng về sự "ga lăng" còn được biết đến với sự chung tình và chu toàn trong việc chăm sóc gia đình. Dù sống thành đàn từ 20 - 40 cá thể nhưng Hồng Hoàng sẽ chỉ tạo thành cặp 1 vợ 1 chồng duy nhất. Nếu khi "bạn đời" mất đi, cá thể Hồng Hoàng còn lại sẽ sống cô độc đến lúc chết. Từ lúc chọn bạn đời đến khi chết, chúng sống rất hạnh phúc trong tình yêu và không bao giờ phản bội.
|
Hồng Hoàng còn được biết đến bởi sự chung tình. |
Về việc chăm sóc gia đình, khi đến mùa sinh sản, Hồng Hoàng mái sẽ chọn cây gỗ cao lớn trong khu rừng có một phần thân rỗng để làm tổ. Miệng tổ được trát một lớp bùn, lá, cành cây nhỏ, chỉ chừa lại một lỗ nhỏ để chuyển thức ăn.
Suốt 3 - 4 tháng, chim mẹ sẽ ở trong tổ để chăm sóc từ 1 - 2 trứng đến khi con cứng cáp. Thời gian này, nguồn thức ăn nuôi sống cả gia đình sẽ hoàn toàn do chim bố đảm nhiệm. Kiếm ăn cho bản thân đã khó nhưng loài chim này vẫn miệt mài những chuyến bay đi, bay về để mang thức ăn cho cả gia đình. Khi đã đủ thời gian, Hồng Hoàng mẹ sẽ mổ bỏ đi lớp bùn để đưa chim con ra ngoài đoàn tụ với chim bố và dạy các phương pháp sinh tồn trong tự nhiên.
|
Trong 3 - 4 tháng nuôi con, chim trống sẽ đảm nhận nhiệm vụ tìm thức ăn cho cả gia đình. |
Giám đốc Trung tâm Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng cho biết, hiện nay tình trạng buôn bán mỏ, sừng của chim Hồng Hoàng đang âm thầm diễn ra. Loài Hồng Hoàng bị đe dọa nghiêm trọng nếu không được quan tâm, bảo vệ đúng mức.
|
Kiểm tra sức khỏe cho cá thể Hồng Hoàng trước khi tái thả về tự nhiên. |
Trước đó, tháng 8/2023, Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật thuộc Ban quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng phối hợp với các đơn vị tổ chức tái thả thành công 2 cá thể chim Hồng hoàng về môi trường tự nhiên.
Cặp chim này được Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội chuyển giao. Sau hơn 8 tháng chăm sóc, phục hồi tập tính chúng được tái thả.
Theo Ban quản lý VQG Phong Nha – Kẻ Bàng, hoạt động tái thả 2 cá thể chim Hồng Hoàng là sự kiện có ý nghĩa hết sức đặc. Đây là lần đầu tiên loài chim Hồng Hoàng được tái thả về môi trường tự nhiên ở Việt Nam.