Ngày 29/8, Thảo Cầm Viên Sài Gòn tổ chức hội thảo “Chung tay, bảo tồn nhân giống voọc Việt Nam".
Ông Phạm Anh Dũng, Phó Giám đốc Thảo Cầm Viên, cho biết lần đầu tiên Thảo Cầm Viên đã cho sinh sản thành công loài voọc chân xám. Đây là tín hiệu đáng mừng trong công tác bảo tồn của Thảo Cầm Viên nói riêng và Việt Nam nói chung. Góp phần thực hiện tốt kế hoạch hành động khẩn cấp bảo tồn các loài linh trưởng ở Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ ban hành vào ngày 10-5-2017.
Chà vá chân xám là loài đặc hữu của Việt Nam và được xếp trong danh sách 25 loài linh trưởng cực kỳ nguy cấp trên thế giới.
Trong những năm gần đây, Thảo Cầm Viên Sài Gòn đã thực hiện công tác cứu hộ trên phạm vi các tỉnh, thành cả nước. Đặc biệt là những trường hợp phối hợp khẩn cấp để cứu hộ các cá thể voọc.
Theo đó, từ năm 2016 đến 2019, nhóm cứu hộ Thảo Cầm Viên Sài Gòn đã trực tiếp nhận sáu cá thể voọc gồm voọc chân nâu, voọc chân xám và voọc chân đen.
Các cá thể voọc khi được cứu hộ đều trong tình trạng tâm lý không ổn định do bị tách rời đàn, tách rời cha mẹ, xa lạ với con người và nơi ở mới hoặc mang vết thương trên cơ thể.
Các cá thể voọc thuộc loài khó chăm sóc nhất trong các loài động vật. Các con non bú nhiều cữ trong ngày, lượng sữa quá nhiều cũng bệnh, ít cũng bệnh. Chúng dễ mắc chứng đầy hơi, rối loạn tiêu hóa có thể nguy hiểm đến sức khỏe. Đối với voọc lớn, do tâm lý hoảng loạn vì phải xa gia đình, xa môi trường sống quen thuộc nên việc chăm sóc sức khỏe, kiểm tra, chăm sóc vết thương thường gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi nhân viên chăm sóc và nhân viên thú y phải tỉ mỉ, kiên nhẫn.
Chính vì vậy, việc cho sinh sản thành công các loài voọc bạc, voọc chân đen và voọc chân xám được xem là kỳ tích. Bởi đây là hoạt động khó khăn, để cho các cá thể voọc ghép đôi thường phải mất rất nhiều thời gian để chúng tiếp xúc với nhau qua vách ngăn liên kết, phải theo dõi sát sao trong giai đoạn đầu ghép đôi đề phòng trường hợp đánh nhau. Giai đoạn thú mang thai cần phải bổ sung thêm dưỡng chất, giúp tăng sức khỏe và chuẩn bị cành nhánh để thuận tiện di chuyển.
|
Bé voọc tên Sơn bên mẹ nuôi Ngọc Diễm, cán bộ Thảo Cầm Viên. Lúc được cứu hộ tại bán đảo Sơn Trà vì lạc mẹ, khả năng do mẹ bị bắt, bé chỉ mới vài ngày tuổi. |
Nhân dịp này, Thảo Cầm Viên Sài Gòn cũng tổ chức lễ đặt tên cho năm cá thể voọc được đơn vị này cứu hộ gồm: Sơn, Trà (Đà Nẵng), Chumomray (Gia Lai), Phú Yên. Đây là những cái tên được đặt theo địa danh nơi các cá thể voọc được cứu. Riêng bé voọc chân xám mới sinh của cặp cha mẹ Chumomray - Phú Yên được đặt tên là Thảo Cầm Viên.
Thảo Cầm Viên Sài Gòn cũng khai trương khu chuồng mới phục vụ mục tiêu nhân giống cứu hộ động vật.