Hugo Đinh, kỹ sư người Việt, nhà đồng sáng lập NaoX Technologies (Pháp) cùng cộng sự đã phát triển thành công công nghệ lõi, bổ sung điện não đồ giúp chẩn đoán và theo dõi bệnh nhân động kinh từ xa, không cần đến bệnh viện.
|
Kĩ sư Hugo Đinh (thứ ba từ trái qua) cùng cộng sự ở NaoX Technologies. |
Kể lại nguồn gốc của ý tưởng phát triển thiết bị, Hugo Đinh cho biết, đó là khi chứng kiến những năm tháng cuối đời của bà nội mình mắc căn bệnh Alzheimer. Bà quên hết người thân, quên cả những phản xạ tự nhiên như nuốt nước bọt, thức ăn. Điều này khiến anh đau buồn và trăn trở nhiều.
May mắn thay, vào năm 2014, anh gặp được GS Michel Le Van Quyen, giám đốc Viện nghiên cứu về dịch bệnh quốc gia Pháp (Inserm), một chuyên gia về điện não đồ nổi tiếng thế giới với các thuật toán dự đoán cơn động kinh. Anh đem những trăn trở và nguyện vọng của bản thân kể cho GS Michel nghe, bày tỏ hy vọng có công nghệ cảm ứng mới về não có thể thu thập một khối lượng khổng lồ thông tin về người bệnh động kinh, nhất là thông tin đời thường. Trong đó, AI sẽ là thứ có thể nắm bắt được các thay đổi, dù là nhỏ nhất, để đưa ra chẩn đoán.
Năm 2015, Hugo đến viện nghiên cứu và chính thức trở thành cộng sự của GS Michel. Ban đầu hai thầy trò gặp rất nhiều khó khăn trong việc thu nhỏ thiết bị điện não đồ rồi "gắp" thiết bị vào các vật dụng như kính, mũ, bờm. Mày mò suốt hai năm, khi mua cặp tai nghe Apple Airpods thế hệ đầu tiên, Hugo nhận ra sản phẩm này rất thích hợp để biến thành thiết bị điện não đồ di động.
Thực tế, đo điện não đồ trong tai người được phát hiện từ những năm 1970. Rất nhiều phòng thí nghiệm nổi tiếng ở Anh, Đan Mạch từng thử sức nhưng chưa có nghiên cứu nào chỉ ra công nghệ đủ tốt, rẻ và dễ sản xuất. "Điều khó nằm ở chỗ làm cách nào thu nhỏ được hệ thống cảm ứng đủ nhỏ gọn đến mức ghép được vào tai nghe", anh nói.
Sau đó, vào tháng 7/2018, Hugo Đinh cùng GS Michel Le Van Quyen chính thức sáng lập NaoX Technologies. Nao-X chính là "não" trong tiếng Việt. Hai thầy trò đặt tên như vậy vì muốn ghi nhớ nguồn gốc, quê hương của mình. Đến nay, NaoX là công ty đầu tiên ở Pháp phát triển được công nghệ này, hiện có 5 bằng sáng chế ở châu Âu và 10 bằng sáng chế đang được kiểm duyệt.
Giải thích về công nghệ, Hugo Đinh cho biết, khi cơn động kinh xuất hiện, một cú sốc điện lớn lan toả trên màng não và có thể được đo bằng điện não đồ. Ở bệnh viện, bác sĩ sẽ dùng điện não đồ với ít nhất 8 điểm đo tìm xem tâm điểm của "tai nạn" ở đâu để tìm cách chữa. Tuy nhiên cơn động kinh của bệnh nhân có thể xảy ra rất thường xuyên, bất cứ lúc nào và tần suất mỗi người khác nhau nên rất khó được chẩn đoán.
Thoạt nhìn, chiếc tai nghe trông có vẻ bình thường nhưng thực tế chúng được tích hợp cảm biến điện não đồ (EEG). Ngoài đầu mút silicon đóng vai trò chất dẫn, thiết bị có "hộp đen" rất nhỏ chứa hệ thống thu thập dữ liệu điện não đồ; phần mềm xử lý tín hiệu và nhận dạng nhịp sinh học.
|
Tai nghe EEG của NaoX Technologies được sử dụng như thiết bị tai nghe thông thường. |
Giải pháp NaoX Technologies đưa ra là ứng dụng sẽ cảm biến nhận dạng nhịp sinh học theo thời gian thực và gửi thông tin đến bác sĩ điều trị. Trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ giúp các bác sĩ phân tích dữ liệu này để chẩn đoán và lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp nhất.
Công nghệ đột phá ở chỗ đo sóng não với độ chuẩn xác cao, chất lượng đủ tốt giúp chẩn đoán chính xác các cơn động kinh. Đặc biệt công nghệ này ít điểm đo hơn nhưng có thể sử dụng mà không cần đến bệnh viện. "Mục đích nhằm giúp theo dõi bệnh nhân từ xa, giảm tải lên hệ thống bệnh viện, đồng thời giúp bác sĩ có nhiều thông tin về hiện trạng bệnh nhân", Hugo cho biết.
Sắp tới, NaoX sẽ có cuộc thử nghiệm lâm sàng đầu tiên vào cuối năm 2022 để so sánh với phương pháp điện não đồ truyền thống. Nếu kết quả thuyết phục, thiết bị sẽ đủ điều kiện cấp phép đưa ra thị trường, dự kiến vào cuối năm 2023 tại châu Âu và Mỹ.
Về Hugo Đinh, anh sang Pháp năm 15 tuổi và thi đỗ vào trường Bách khoa Paris (Polytechnique). Anh làm đủ việc từ thợ hàn, người đưa thư, lái taxi đưa đón các cộng sự đến phòng thí nghiệm rồi đi xin tiền trợ cấp... tất cả chỉ để phát triển thành công dự án. Người kĩ sư trẻ chỉ có nguyện vọng duy nhất là đem được nghiên cứu ứng dụng thực tiễn với hy vọng có thể cứu sống được người bệnh.