Kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2021 - 2025: Địa phương, bộ ngành nào chậm trễ?

Google News

Nhiều bộ, ngành đang bị Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) nhắc về việc chậm trễ trong bố trí kế hoạch khiến nguồn vốn đắp chiếu, tiềm ẩn nguy cơ lãng phí.

Ke hoach von dau tu cong trung han 2021 - 2025: Dia phuong, bo nganh nao cham tre?
 Vốn đầu tư công chậm được giải ngân gây ra nhiều lãng phí (Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông chậm trễ đưa vào vận hành) Ảnh: Phạm Thanh
Nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh, gần 2,8 triệu tỷ đồng vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 được kỳ vọng sẽ tạo động lực cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, nhiều bộ, ngành đang bị Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) nhắc nhở về việc chậm trễ trong bố trí kế hoạch khiến nguồn vốn đắp chiếu, tiềm ẩn nguy cơ lãng phí.
Hơn lúc nào hết, việc bộ, ngành, các địa phương né trách nhiệm trong việc thúc đẩy xây dựng, giải ngân vốn đầu tư công phải chịu trách nhiệm.
Bị thúc giục vẫn chây ì
Vốn đầu tư công được xem là “vốn mồi” đi trước, xây dựng công trình trọng điểm, từ đó thu hút vốn tư nhân để tạo động lực cho phát triển kinh tế của từng vùng, miền. Theo tính toán, tỷ lệ đầu tư công tăng 1% sẽ thúc đẩy tăng trưởng GDP 0,06%. Giai đoạn 2021 - 2025, tổng vốn đầu tư công được bố trí dự kiến 2,75 triệu tỷ đồng. Trong đó, ngân sách trung ương 1,38 triệu tỷ đồng và ngân sách địa phương 1,37 triệu tỷ đồng.
Về việc xây dựng và phân bổ nguồn vốn, theo Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, giai đoạn 2021 - 2025 vốn đầu tư công sẽ dồn vào ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, dự án quan trọng, công trình trọng yếu. Nhất là hạ tầng giao thông và năng lượng, dự án kinh tế số, chuyển đổi số, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo…, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, bảo đảm phát triển hài hòa giữa các vùng, miền.
“Ngân sách trung ương bố trí đủ vốn đầu tư cho dự án kết nối, có tác động liên vùng, có ý nghĩa đối với phát triển kinh tế xã hội nhanh, bền vững. Các dự án nhằm thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại nông nghiệp và xử lý hạn hán, xâm nhập mặn, an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Cùng với đó, trung ương ưu tiên bố trí vốn cho các vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, góp phần thu hẹp dần khoảng cách về trình độ phát triển kinh tế giữa các vùng”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Theo quy trình, sau khi nguồn vốn được duyệt, bộ ngành, địa phương phải gửi báo cáo về Bộ KH&ĐT trước ngày 20/5 để báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, thông tin từ Bộ KH&ĐT cho biết, dù đã nhiều lần gửi văn bản, công điện thúc giục nhưng hàng loạt, bộ, ngành, địa phương vẫn chậm trễ gửi báo cáo về Bộ KH&ĐT.
Trong tháng 4, 5/2021, Bộ KH&ĐT đã nhiều lần gửi công điện, công văn đến các bộ, ngành, địa phương thúc giục về kế hoạch. Dẫu thế, đến ngày 11/5, vẫn còn 25 bộ, cơ quan trung ương và 15 địa phương chưa gửi báo cáo trên hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư công như: Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nam, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Lao động Thương binh và xã hội…
“Bộ trưởng, thủ trưởng đơn vị sử dụng vốn đầu tư công, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng và Chính phủ trong trường hợp chậm và không được tổng hợp vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh trong công điện ngày 11/5 “thúc” bộ, ngành báo cáo kế hoạch vốn.
Bên cạnh việc chậm trễ trong báo cáo vốn đầu tư công trung hạn, việc giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 vẫn còn chậm. Trong 4 tháng đầu năm 2021, vốn đầu tư công giải ngân đạt 86.000 tỷ đồng, bằng 18,56% kế hoạch, giảm so với cùng kỳ 2020.
Theo số liệu công bố công khai trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư công, mới có 29 bộ, ngành gửi báo cáo, còn tới 97 bộ, ngành, địa phương chưa gửi báo cáo. Trong đó, nhiều đơn vị chưa giải ngân như: Ban quản lý Khu công nghệ cao Hoà Lạc, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam. Một số bộ, ngành chỉ giải ngân được 1-2% vốn như Đài Truyền hình Việt Nam; Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam…
Cần truy trách nhiệm, xử lý người đứng đầu
Theo lãnh đạo Bộ KH&ĐT, năm 2020, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công đạt nhanh nhất trong gần một thập kỷ, bước sang năm 2021, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công có dấu hiệu chậm lại.
“Trong đầu tư công, trách nhiệm của người đứng đầu từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã, ban quản lý dự án được quy định rõ. Người đứng đầu mà né trách nhiệm, không ký hồ sơ thì bước tiếp theo không thể thực hiện. Cấp dưới đốc thúc, sôi sục nhưng người đứng đầu không ký thì dự án không thể thực hiện”, lãnh đạo Bộ KH&ĐT cho biết.
Chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương, đánh giá, có tình trạng chờ đợi bộ máy mới nên các bộ, ngành, địa phương chần chừ trong việc bố trí vốn đầu tư công.
Đầu năm 2021, nhiều bộ ngành, địa phương có bộ trưởng mới, bộ máy mới nên phải trình lại kế hoạch bố trí vốn. Trong bối cảnh đầu tư tư nhân bị ảnh hưởng, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài gặp khó khăn, bộ ngành cần nỗ lực hết sức để bảo đảm đầu tư công đúng tiến độ.
“Khi bộ máy lãnh đạo ổn định, bộ máy và lãnh đạo mới cần đẩy nhanh công việc như đầu tư công. Đồng thời, lãnh đạo mới phải xông xáo, tránh tình trạng sợ trách nhiệm, chần chừ trong quyết định dự án như hiện nay”, ông Doanh nói.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) đánh giá, việc giải ngân vốn đầu tư công chậm có nhiều vấn đề.
Thực tế các cơ quan chức năng đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, cải cách bộ máy, quy trách nhiệm cũng là những yếu tố khiến một số chủ đầu tư không dám làm, vì sợ bị thanh kiểm tra, giám sát, quy trách nhiệm.
“Các giải pháp góp phần đưa đầu tư công vào nề nếp, phòng chống tham nhũng, lãng phí, đầu tư công tràn lan, kém hiệu quả khiến giải ngân vốn bị chậm, vì lãnh đạo không dám làm.
Vì vậy, vừa đơn giản hoá thủ tục hành chính, nhưng phải đi kèm cơ chế kiểm tra, giám sát, trách nhiệm người đứng đầu mới có thể thúc đầu tư công nhanh hơn” - ông Thịnh kiến nghị.
Ông Nguyễn Anh Dương, Ban Nghiên cứu tổng hợp của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) đánh giá, nếu người đứng đầu sợ trách nhiệm thì giải ngân vốn đầu tư công sẽ chậm trễ, kế hoạch giải ngân vốn chỉ nằm trên giấy. Ông Dương cho rằng, hiện nay, ai cũng nói là bối cảnh mới nhưng vẫn cách làm cũ, tư duy cũ thì rất khó phát triển đất nước.
“Trong bối cảnh mới, nếu chủ đầu tư sợ trách nhiệm thì việc giải ngân vốn đầu tư công, giải ngân vốn vay ODA sẽ tồn đọng. Khi bộ, ngành và địa phương vẫn lo ngại sẽ khó mà làm được”, ông Dương kiến nghị.

“Khi bộ máy lãnh đạo ổn định, bộ máy và lãnh đạo mới cần đẩy nhanh công việc đầu tư công. Đồng thời, lãnh đạo mới phải xông xáo, tránh tình trạng sợ trách nhiệm, chần chừ trong quyết định dự án như hiện nay” - Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh.

Theo Ngọc Linh/Tienphong

>> xem thêm

Bình luận(0)