Xếp hạng top 5 hãng smartphone lớn nhất Việt Nam quý 3/2020 của hãng nghiên cứu Canalys không có sự góp mặt của Apple, tuy nhiên, thực tế cho thấy thương hiệu “táo khuyết” vẫn rất được yêu thích ở Việt Nam.
Các chuyên gia nhận định việc Apple vắng mặt trong những thống kê về thị phần ở Việt Nam là bởi các công ty nghiên cứu thị trường thường chỉ tính đến phân khúc chính hãng. Trong khi đó, ở Việt Nam, iPhone được bán qua nhiều kênh khác nhau. Vậy đã bao giờ bạn thắc mắc những chiếc iPhone đang đến tay người dùng Việt Nam theo những cách nào?
Trước khi nhìn vào thị trường Việt Nam, có thể bạn chưa biết, trên thế giới nói chung, Apple đang phân phối iPhone qua ba hình thứ: trực tiếp thông qua chuỗi Apple Store do chính Apple điều hành và quản lí, nhà mạng (người dùng có thể mua máy kèm các gói cước di động) và đại lí bán lẻ.
Trong khi đó, ở Việt Nam, những chiếc iPhone đang được bán qua hai kênh chính thức và không chính thức. Với kênh chính thứ, Apple thực hiện bán iPhone thông qua các đại lí bán lẻ bao gồm ba cấp độ. Ở cấp độ cao nhất là đại lý uỷ quyền cao cấp. Đây là một dạng Apple Store do tư nhân quản lý. Với loại hình này, Apple trực tiếp tham gia lựa chọn địa điểm và đầu tư thiết kế theo đúng chuẩn Apple.
Bên cạnh đó, hình thức đại lý bán lẻ còn bao gồm các mono store (các cửa hàng chỉ bán hàng của Apple) và đại lý uỷ quyền (các mặt hàng được hỗ trợ bảo hành cùng quy trình tư vấn, bán hàng, hậu mãi theo chính sách Apple). Ngoài ra, ở Việt Nam còn có bốn đơn vị nhập khẩu iPhone chính thức là FPT Synnex, Petrosetco, Digiworld và Viettel.
Ở kênh không chính thức, cũng là kênh mua bán iPhone khá sôi động ở Việt Nam, người dùng có thể tìm đến những chiếc iPhone xách tay. Đây là những chiếc iPhone được đưa về nước theo đường tiểu ngạch, không đóng thuế và không được hưởng các chính sách bảo hành của Apple tại Việt Nam.