|
Bản đồ cho thấy dãy Himalaya của Nepal tọa lạc gần biên giới giữa Ấn Độ và phần còn lại của châu Á, nơi 2 mảng kiến tạo đang dịch chuyển về phía nhau. Ảnh: Daily Mail |
Theo các chuyên gia, Ấn Độ là lục địa dịch chuyển nhanh nhất trong lịch sử. Cách đây hơn 140 triệu năm, Ấn Độ là một phần của siêu lục địa khổng lồ có tên gọi là Gondwana, bao phủ rộng khắp bán cầu nam của Trái đất.
Tuy nhiên, cách đây khoảng 120 triệu năm, phần đất hiện là Ấn Độ phân tách khỏi siêu lục địa Gondwana và bắt đầu di trú từ từ về phía bắc, với tốc độ chỉ 5cm/năm, trước khi một sự cố bí ẩn cách đây khoảng 80 năm khiến lục địa này đột ngột tăng tốc về hướng bắc với tốc độ xấp xỉ 15cm/năm. Tốc độ này gần nhanh gấp đôi tốc độ của mảng kiến tạo hiện đại nhanh nhất.
Sự dịch chuyển của Ấn Độ cuối cùng chấm dứt khi va chạm với lục địa Á - Âu cách đây khoảng 50 triệu năm, dẫn tới sự hình thành dãy núi Himalaya.
Suốt nhiều năm qua, các nhà khoa học phải chật vật tìm cách lý giải cách Ấn Độ có thể trôi nổi theo hướng bắc nhanh đến như vậy. Hiện, các chuyên gia địa chất thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đã có được câu trả lời: Ấn Độ bị kéo về hướng bắc bởi sự kết hợp của 2 vùng hút chìm - những vùng ở lớp Manti của Trái đất, nơi gờ của một mảng kiến tạo trượt phía dưới một mảng kiến tạo khác.
Khi một mảng kiến tạo chìm xuống, nó kéo theo bất kỳ lục địa nào dính liền. Nhóm nghiên cứu nhận định, 2 mảng hút chìm như vậy sẽ nhân đôi lực kéo, làm tăng gấp 2 lần tốc độ dịch chuyển của Ấn Độ.
Các chuyên gia đã phát hiện dấu tích của 2 vùng hút chìm như trên bằng cách lấy mẫu và xác định tuổi của đá từ khu vực Himalaya. Sau đó, họ phát triển một mô hình hệ thống hút chìm kép và xác định được rằng, tốc độ dịch chuyển xa xưa của Ấn Độ có thể phụ thuộc vào 2 yếu tố bên trong hệ thống: độ rộng của các mảng hút chìm và khoảng cách giữa chúng.
Nếu các mảng kiến tạo tương đối hẹp và cách xa nhau, chúng nhiều khả năng khiến Ấn Độ trôi nổi với tốc độ nhanh hơn.
Nhóm nghiên cứu đã đưa các kết quả đo đạc thu được từ dãy Himalaya vào mô hình mới của họ và khám phá ra rằng, một hệ thống hút chìm kép thực tế có thể đẩy Ấn Độ dịch chuyển với tốc độ cao về phía lục địa Á - Âu cách đây khoảng 80 triệu năm.