Ông được biết đến nhiều nhất với biệt danh “Cha đẻ của điều khiển từ xa TV”.
|
Robert Adler (1913-2007). Ảnh: Wikipedia |
Robert Adler sinh ra tại Vienna, Áo vào ngày 4/12/1913. Ông là một nhà vật lý tài năng nhưng cũng yêu thiên nhiên, sách và âm nhạc cổ điển. Ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ vật lý tại Đại học Vienna vào năm 1937, khi chỉ mới 24 tuổi. Ngay sau đó, ông di cư sang Mỹ và làm việc tại phòng nghiên cứu của Tập đoàn Điện tử Zenith ở phía Tây Chicago.
Trong Thế chiến II, Adler chuyên nghiên cứu các thiết bị liên lạc quân sự, bao gồm máy tạo dao động tần số cao và bộ lọc cơ điện tử dành cho đài vô tuyến trên máy bay.
Adler luôn là người tìm ra những ứng dụng rộng hơn cho các công nghệ sẵn có. Lấy ví dụ vào những năm 1960, ông đã tận dụng các nghiên cứu thời chiến của mình để phát triển bộ lọc tần số cho TV màu dựa trên sóng âm bề mặt (SAW). Ngày nay, công nghệ sóng âm đóng vai trò quan trọng trong cả màn hình TV và màn hình máy tính cảm ứng.
Sau chiến tranh, Adler tập trung nghiên cứu công nghệ truyền hình. Một trong những sáng chế đầu tiên của ông là ống chân không chùm tia có cổng điều khiển, giúp loại bỏ nhiễu âm thanh trong máy thu truyền hình một cách hiệu quả và giảm chi phí vận hành. Ông và các cộng sự cũng phát triển một mạch đồng bộ đặc biệt, giúp cải thiện tín hiệu thu được ở vùng rìa khu vực phát sóng của đài truyền hình. Tuy nhiên, thành công lớn nhất của ông là thiết bị điều khiển từ xa không dây.
Khát vọng điều khiển máy móc từ xa đã có từ rất lâu. Ngay từ cuối những năm 1800, nhà phát minh thiên tài Nikola Tesla đã được cấp bằng sáng chế cho một biến thể của công nghệ điều khiển từ xa, thứ mà ông tuyên bố có thể điều khiển một con tàu từ bờ biển.
Vào đầu thập niên 1950, Eugene F. McDonald Jr – nhà sáng lập Tập đoàn Điện tử Zenith – tin rằng điều mà khán giả xem truyền hình mong muốn nhất là họ có thể bỏ qua những quảng cáo sản phẩm gây khó chịu bằng cách thay đổi kênh, tắt âm thanh hoặc cả hai.
Robert Adler đã sáng chế ra chiếc điều khiển từ xa TV với tên gọi Space Command hoạt động dựa trên sóng siêu âm vào năm 1956 và được bán cùng chín triệu chiếc TV trước khi công nghệ điều khiển từ xa bằng tia hồng ngoại ra đời vào đầu thập niên 1980.
Bắt nguồn từ nhận định của McDonald Jr, Tập đoàn Điện tử Zenith đã sản xuất chiếc điều khiển TV đầu tiên với tên gọi “Lazy Bones”. Nó có thể thực hiện các chức năng bật/tắt TV và chuyển kênh mà người xem không cần phải đứng dậy. Tuy nhiên, nó khá cồng kềnh do kết nối với TV bằng dây dẫn, gây nguy hiểm cho người dùng cao tuổi vì họ có nguy cơ vấp ngã.
Năm 1955, Tập đoàn Zenith tiếp tục giới thiệu sản phẩm “Flashmatic”, một thiết bị điều khiển không dây – về bản chất là một chiếc đèn pin chiếu vào những cảm biến ánh sáng [hoặc quang trở] đặt ở các góc của tủ TV. Ngoài ánh sáng từ chiếc điều khiển từ xa, các cảm biến này cũng phản ứng với cả ánh sáng Mặt trời.
Mặc dù thiết bị Flashmatic khắc phục được vấn đề trước đó của Lazy Bones khi đã loại bỏ hoàn toàn dây dẫn, nhưng nó lại làm phát sinh một vấn đề khác: ánh sáng Mặt trời có thể khiến TV hoạt động bất thường.
McDonald Jr đã triệu tập các nhà nghiên cứu tham dự một cuộc họp khẩn cấp ở Tập đoàn Zenith nhằm khắc phục vấn đề này. Giải pháp sử dụng sóng vô tuyến bị bỏ qua, bởi vì chúng có thể truyền xuyên qua tường và làm thay đổi các kênh truyền hình của hàng xóm.
Giải pháp Adler đưa ra là để cho điều khiển từ xa “giao tiếp” với TV bằng âm thanh, thay vì ánh sáng – cụ thể là bằng sóng siêu âm có tần số cao hơn mức mà tai người có thể nghe thấy. Bộ điều khiển từ xa của Adler có cấu tạo rất đơn giản. Nó thậm chí không cần dùng đến pin. Các nút bấm kích hoạt một chiếc búa nhỏ đập vào một trong bốn thanh nhôm nhẹ nằm ở bên trong thiết bị, giống như phím đàn piano chạm vào dây đàn. Bộ thu tín hiệu trong TV diễn giải những âm thanh tần số cao này là tín hiệu tăng kênh, giảm kênh, bật/tắt âm thanh hoặc bật/tắt nguồn.
Trong một cuộc phỏng vấn trên trang web Archive of American Television vào năm 2004, Adler kể lại rằng ông đã tìm ra giải pháp cho thiết bị điều khiển từ xa sau khi đến thăm một nhà máy thép và nghe thấy âm thanh chói tai khi các thanh kim loại va chạm với một vật cứng. Vì vậy, ông đã quay trở lại phòng thí nghiệm với ý tưởng sử dụng sóng siêu âm, vượt ra ngoài phạm vi nghe của tai con người, để gửi tín hiệu đến bộ thu trong tivi.
Ban đầu, hệ thống khiển từ xa TV bằng âm thanh của Adler với tên gọi Space Command đã làm tăng giá thiết bị lên khoảng 30%, gây ra một chút áp lực tài chính đối với người tiêu dùng. Nhưng với sự tiện lợi và hữu dụng, công nghệ này nhanh chóng trở nên phổ biến.
Trong những năm 1960, Adler đã cải tiến hệ thống của mình để tạo ra các tín hiệu sóng siêu âm bằng mạch điện tử. Trong hai mươi năm tiếp theo, điều khiển từ xa dùng sóng siêu âm dần trở thành một thiết bị phụ trợ tiêu chuẩn cho TV. Tập đoàn Zenith và các hãng khác đã bán được tổng cộng hơn chín triệu TV sử dụng hệ thống điều khiển từ xa bằng sóng siêu âm trước khi công nghệ điều khiển bằng tia hồng ngoại ra đời vào đầu thập niên 1980.
Ngày nay, điều khiển từ xa được sử dụng rộng rãi trong ngành sản xuất đồ điện tử gia dụng và giải trí. Phần lớn các thiết bị điện tử như TV, đầu đĩa, máy điều hòa, quạt...đều có điều khiển từ xa đi kèm.
Với những đóng góp to lớn của mình, Adler được tôn vinh là “Cha đẻ của điều khiển từ xa TV”, một thiết bị tưởng chừng đơn giản nhưng đã giúp thay đổi và nâng cao trải nghiệm của chúng ta khi thưởng thức các chương trình trên màn ảnh nhỏ.
“Tuy nhiên nếu được hỏi, Adler sẽ không chọn điều khiển từ xa làm sáng chế yêu thích nhất của mình”, bà Ingrid, vợ của Adler, chia sẻ trên tờ Latimes vào năm 2007. “Trên thực tế, ông ấy thậm chí còn không dành nhiều thời gian để xem TV. Ông ấy thích đọc sách hơn”.
“Chồng tôi cũng hay nằm mơ trong đêm rồi đột nhiên thức dậy và nói: ‘Tôi vừa giải quyết được một vấn đề’. Ông ấy luôn suy nghĩ về khoa học”, bà Ingrid cho biết.
Năm 1963, Adler trở thành Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Nghiên cứu của Tập đoàn Điện tử Zenith. Ông là cố vấn kỹ thuật cho công ty cho đến năm 1997.
Adler qua đời tại Viện dưỡng lão Boise, Idaho vì bệnh suy tim vào ngày 15/2/2007, hưởng thọ 93 tuổi. Trong suốt sự nghiệp, ông đã sở hữu tổng cộng 180 bằng sáng chế và được trao vô số giải thưởng danh giá, bao gồm Huy chương Edison của Viện Kỹ sư Điện và Điện tử (IEEE) vào năm 1980. Ông cũng là thành viên của Học viện Kỹ thuật Quốc gia và Hiệp hội vì Sự tiến bộ Khoa học của Mỹ (AAAS).