Nhiều nhà hoạt động và quan chức ở các vùng phía bắc nước Nga cảnh báo nguy cơ xuất hiện một "cơn sốt vàng" kiểu mới. Những người thử vận may từ khắp nơi đang đổ về khu vực để đào tìm ngà voi ma mút, theo Guardian.
Băng vĩnh cửu tan chảy khiến việc tìm kiếm xác voi ma mút dễ dàng hơn trước. Ngà của loài động vật đã tuyệt chủng hàng nghìn năm trước được bán với giá rất cao tại thị trường Trung Quốc. Chúng được chế tác thành trang sức, dao và nhiều món hàng trang trí khác.
Vùng Yakutia chiếm gần 80% lượng ngà voi ma mút được bán từ phía bắc nước Nga đến Trung Quốc. Thị trường này được quản lý còn lỏng lẻo này trị giá gần 40 triệu USD/năm.
|
Gần 100 tấn ngà voi ma mút đã được khai thác tại Yakutia vào năm 2018. Ảnh: RFE. |
"Hoạt động khai thác xác voi ma mút cần được siết chặt quản lý", Vladimir Prokopyev, một quan chức tại Yakutia, cảnh báo những tác hại của hoạt động này đối với địa phương.
Thương lái Trung Quốc đã xuất hiện để thu mua trực tiếp từ người dân địa phương. Nhiều quan chức cảnh báo việc khai thác thiếu kiểm soát, hoặc một lệnh cấm toàn diện đối với mua bán ngà voi ma mút, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế và sự phát triển bền vững của dân địa phương.
Những người thử vận may thường đổ đến vào mùa hè. Họ chỉ dùng những thiết bị đào và máy bơm nước đơn giản để tìm ngà voi. Kiểu khai thác này có thể gây nhiều tác hại đến môi trường. Nhiều công ty còn thuê thợ lặn mò tìm dưới đáy sông ở các vùng hẻo lánh.
Vùng Yukatia đã đề xuất một đạo luật quản lý hoạt động khai thác và mua bán ngà voi ma mút. Trong lúc chờ chính quyền liên bang xem xét đạo luật, sản lượng ngà voi ma mút được khai thác mỗi năm đã tăng đến 100 tấn.
Ngà voi ma mút đang được quảng bá tại Trung Quốc như một món hàng thay thế cho ngà voi bị săn trộm tại châu Phi. Ông Prokopyev ước tính trữ lượng ngà voi ma mút tại Yakutia có thể lên đến 500.000 tấn. Theo truyền thông Nga, mới có 70 tấn được phát hiện vào năm 2017 và 100 tấn được khai thác vào năm 2018.
Phía bắc nước Nga từng là nơi sinh sống của hàng chục nghìn con voi ma mút. Loài động vật cổ xưa này tuyệt chủng khoảng 10.000 năm trước vì nhiều yếu tố như săn bắt và biến đổi khí hậu.