TS Hà Thị Loan cho biết, trong quá trình sinh trưởng và phát triển, cây trồng thường bị côn trùng tấn công gây thiệt hại về năng suất và chất lượng nông sản. Thuốc hóa học cũng chỉ tạm thời dập dịch và rất dễ kháng thuốc. Nhóm nghiên cứu đã dựa vào cơ chế đối kháng sinh học, tìm ra những loài vi sinh gây bệnh cho côn trùng, để nghiên cứu và sản xuất thành những loại chế phẩm áp dụng trong phòng ngừa sâu bệnh hại cây trồng ngay từ đầu, tạo ra ưu thế kiểm soát tốt hơn.
|
TS Hà Thị Loan (bên phải) cùng đồng nghiệp trong phòng thí nghiệm
|
Nhóm đã nghiên cứu sử dụng nấm Metarhizium anisopliae hay còn gọi là nấm xanh, có khả năng tiết nhiều enzyme ngoại bào như protease, lipase, chitinase… và nhiều loại độc tố. Đồng thời, thu thập được bộ chủng nấm M.anisopliae, đã hoàn thành quy trình sản xuất chế phẩm Biometar chứa nấm M.anisopliae có thể chuyển giao ứng dụng phòng trừ rầy, rệp, sâu non bộ cánh vẩy, sùng khoai lang,…. Đây là những sản phẩm thuộc bộ chế phẩm kiểm soát côn trùng gây hại cây trồng.
|
Một trong những sản phẩm sinh học an toàn cây trồng và sức khoẻ người tiêu dùng |
Cùng với đó, các chế phẩm Bima (chứa chủng Trichoderma spp…) sử dụng ủ phân, Bionema (chứa chủng Purpureocillium spp…) phòng trừ tuyến trùng, sản phẩm xử lý mùi hôi chuồng trại (chứa các chủng Bacillus sp., Streptomyces sp. vv) cũng ra đời.
Ngoài những sản phẩm thương mại, Trung tâm còn tập trung nghiên cứu ứng dụng nhiều bộ sản phẩm phục vụ sản xuất nông nghiệp có thể chuyển giao, như bộ chế phẩm vi sinh dùng sản xuất phân bón. Đã xây dựng được quy trình sản xuất nhiều chủng vi sinh có khả năng phân giải lân, cố định đạm, phân giải các hợp chất hữu cơ thành những chất hữu dụng cho cây trồng. Từ những tổ hợp chủng vi sinh này đã tạo ra những dòng sản phẩm khác nhau như chế phẩm BIO Đạm Lân cố định đạm và phân giải lân khó tan thành lân dễ tan, các set phân hủy cá, phân bò, phân chuồng…
Chia sẻ với báo chí, TS Hà Thị Loan cho biết: “Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nông sản Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn. Trong đó, rào cản lớn nhất là các tiêu chuẩn về chất lượng, mức độ tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong nông sản khi xuất khẩu vào các thị trường lớn. Nông sản sẽ không thể xuất khẩu hoặc tiêu thụ nếu như phát hiện dư lượng do những thói quen như sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học để kiểm soát dịch hại, tăng liều hoặc trộn nhiều hoạt chất thuốc để phun, không đảm bảo thời gian cách cách ly... Thuốc hóa học chỉ có tác dụng kiểm soát dịch hại tạm thời, nhưng những hậu quả của chúng về môi trường, về dư lượng thuốc trên sản phẩm thật sự rất đáng quan tâm và cần được thay thế bằng các sản phẩm vi sinh đa an toàn”.
>>> Mời độc giả xem thêm video Cà Mau nghiên cứu bảo tồn và phát triển cá thòi lòi: