Điển hình trường hợp thai phụ Phan Thị K.L (sinh năm 1984, ngụ tại Bình Tân - TPHCM) mắc SXH nặng, thể sốc, tổn thương đa cơ quan, theo dõi nhiễm trùng huyết, thai 18 tuần chết lưu. Sau nhập viện 2 ngày, bệnh nhân đã tử vong.
|
Bệnh nhân SXH đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM. |
Hay bệnh nhân nữ Trần M. D (1973, Bến Cầu - Tây Ninh) tử vong với chẩn đoán xuất huyết não, sốc SXH nặng.
Trong những ca SXH nặng xin về, có bệnh nhi Nguyễn Trần D H (sinh năm 2010, Đồng Tháp) bị sốc SXH nặng, xuất huyết nặng, suy đa tạng. Hay bệnh nhân nam Đường A. N (1999, Quận 1 - TP HCM) sốc xuất huyết, tổn thương gan nặng, viêm cơ tim, theo dõi nhiễm trùng huyết. Bệnh nhân này mắc đái tháo đường, béo phì.
Theo biểu đồ theo dõi tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, số ca mắc SXH tăng dần và bùng phát dữ dội vào tháng 5, tháng 6/2022. Ngay tháng 6/2022, số lượng người lớn tới khám do SXH là 3961 và 1464 trẻ em. Số liệu này gần như gấp 4 lần so với tháng 1/2022.
Riêng sáng 27/6, số bệnh nhân SXH điều trị nội trú tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM là 394, trong đó 27 ca bệnh nặng với 10 ca trẻ em. Trong 17 ca bệnh nặng ở người lớn, 6 ca SXH cần thở máy. Bệnh nhân nặng ở tỉnh chiếm 1/3 số ca phải thở máy. Bệnh viện Nhiệt đới TP HCM gặp khó khăn trong điều trị SXH là tình trạng quá tải. Cụ thể, khoa Nhiễm D có 70 giường, bên cạnh điều trị bệnh nhân Covid-19, hơn 50 giường đều đầy bệnh nhân SXH.
Trong vấn đề quá tải, BSCKII Nguyễn Thành Dũng, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM cho biết thêm, khoa Cấp cứu- Hồi sức tích cực và chống độc người lớn có 22 giường, nhưng ngay trong sáng 26/7, khoa đã tiếp nhận và điều trị 20 ca uốn ván nặng từ các tỉnh chuyển về, và 11 bệnh là sốt xuất huyết nặng. Bệnh uốn ván thường nặng, nằm lâu, kéo dài, chiếm giường hồi sức.
Bệnh viện Chợ Rẫy đã chia lửa với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM bằng cách hỗ trợ tiếp nhận một số bệnh lý nặng từ tuyến tỉnh như uốn ván... Tuy nhiên theo các bác sĩ của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, trong giai đoạn này, các bệnh viện tuyến trước hạn chế chuyển những bệnh nhân có khả năng điều trị tại chỗ.
Hiện nay, bệnh nhân SXH tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới vẫn còn đủ thuốc men điều trị như thuốc vận mạch, dung dịch truyền cao phân tử.
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, SXH xảy ra theo tính chu kỳ, 3 - 4 năm, do đó năm 2022, đỉnh dịch SXH đã tăng lên so với 2019. Dự báo đến cuối năm 2022, dịch SXH sẽ còn tăng hơn nữa. Do vậy, các loại thuốc men, vật tư dành cho điều trị SXH như dịch truyền cao phân tử cần phải được dự trù, kéo dài đến cuối năm 2022.
Đặc biệt, bệnh nhân SXH người lớn đang tăng dần đều hằng năm. Những bệnh nhân người lớn trở nặng, sốc khi mắc SXH thường kèm theo các bệnh lý nền, bệnh lý mạn tính. Vì vậy, PGS.TS.BS Nguyễn Trường Sơn chỉ đạo: “Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM hiện gánh rất nặng trong điều trị SXH người lớn. Do vậy, trong giai đoạn cao điểm của SXH, Sở Y tế TP HCM cũng như các tỉnh phải làm tốt vai trò điều phối, giảm bớt quá tải cho Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM. Bao gồm chuyển bớt bệnh nhi mắc SXH sang các bệnh viện nhi đồng, giảm chuyển bệnh nhân mắc uốn ván tuyến tỉnh lên”.
>>> Mời độc giả xem thêm video Cảnh báo nguy cơ dịch sốt xuất huyết lan rộng: