Cháy rừng miền Trung, mưa lớn ngập lụt ở Phú Quốc là bất thường

Google News

Các chuyên gia nhận định, cháy rừng miền Trung và mưa lớn ở Nam Bộ trong thời gian qua là biểu hiện của biến đổi khí hậu, trong đó có một phần tác động bởi con người.
 

Trận mưa lớn kéo dài 10 ngày tại Phú Quốc vào đầu tháng 8 gây ngập lụt nghiêm trọng, ảnh hưởng nặng nề tới đời sống của người dân. Đây được coi là trận lụt lịch sử trong vòng 100 năm trở lại đây tại đảo ngọc.
Đợt mưa lớn bất thường
Trong khi chính quyền đang tìm nguyên nhân thì các chuyên gia khí tượng và môi trường cho rằng biến đổi khí hậu là nguyên nhân chính, trong đó không thể bỏ qua các tác động của con người.
TS Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết nguyên nhân gây ra mưa lớn tại Phú Quốc nói riêng và khu vực Tây Nguyên, Nam Bộ nói chung là do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam xuất phát từ cao áp cân chí tuyến bán cầu Nam hoạt động mạnh.
Khi vượt qua vùng biển xích đạo, khối khí này trở nên nóng ấm hơn và thường gây mưa lớn, kéo dài cho các vùng đón gió ở Nam Bộ, Tây Nguyên.
Chay rung mien Trung, mua lon ngap lut o Phu Quoc la bat thuong
 Mưa lớn tại Phú Quốc trong 10 ngày gây ngập lụt nghiêm trọng, ảnh hưởng nặng nề tới người dân ở đây. Ảnh: Thuận Thắng.
Tại Nam bán cầu trong những ngày qua cũng có liên tiếp những đợt gió mùa tràn qua nước Australia. Đây là một trong những nguyên nhân khiến nước Australia có tuyết rơi dày đặc, bang Victoria phải đưa ra cảnh báo đặc biệt nguy hiểm do gió mạnh và tuyết dày.
"Gió mùa hoạt động mạnh ở Australia thổi vượt qua xích đạo làm gió mùa Tây Nam ở khu vực Việt Nam, Biển Đông liên tục mạnh gây mưa lớn trên diện rộng ở Tây Nguyên và Nam Bộ, trong đó có huyện đảo Phú Quốc", ông Lâm cho biết.
Chuyên gia thời tiết cũng nhận định, gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh hơn hẳn so với các năm trước cùng thời kỳ. Cùng lúc này, một dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua khu vực Nam Trung Bộ và một vùng hội tụ gió cũng xuất hiện ngay trên khu vực Tây Nguyên và phía nam Lào. Tương tác giữa gió mùa Tây Nam và các dải hội tụ này đã gây ra mưa rất lớn cho khu vực Tây Nguyên, Nam Bộ trong những ngày đầu tháng 8.
"Với tổng lượng mưa lớn lên đến gần 1000 mm tại Phú Quốc và nhiều khu vực khác có thể nói đây là một đợt mưa khá bất thường", Phó giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nói.
Biểu hiện của biến đổi khí hậu
Chưa bàn đến những nguyên nhân gây ra ngập lụt tại Phú Quốc nhưng nhiều chuyên gia nhận định mưa lớn liên tục kéo dài trong 10 ngày tại đây được cho là một trong những biểu hiện của biến đổi khí hậu.
Tại Hội thảo Ứng dụng khoa học kỹ thuật trong công tác phòng chống thiên tai, Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng các hiện tượng thiên tai, dị thường thời tiết ngày càng có tác động tiêu cực gây thiệt hại nghiêm trọng tới đời sống, sản xuất của người dân.
Theo Bộ trưởng Cường, người dân miền Trung rất hiếm khi phải chứng kiến 3 triệu ha rừng bị cháy trong cùng một thời điểm, cũng chưa bao giờ có việc mưa ở Tây Nguyên và Nam Bộ mà có nơi lên đến 1900 mm, kéo dài liên tục suốt 10 ngày. Những hiện tượng này cho thấy tác động của dị thường thời tiết và tác động cực đoan của biến đổi khí hậu ngày càng nguy hiểm, khó lường.
Chay rung mien Trung, mua lon ngap lut o Phu Quoc la bat thuong-Hinh-2
 Trong tháng 6-7, cháy rừng liên tiếp ở miền Trung gây thiệt hại hàng chục ha rừng tại khu vực. Trung Bộ cũng đang phải trải qua đợt nắng nóng diện rộng. Ảnh: Phạm Trường.
Trong khi đó, mật độ dân cư tại các vùng đô thị và các vùng phát triển kinh tế biển, du lịch ngày càng đông, nền kinh tế đã có sự dịch chuyển từ thuần nông sang các ngành khác. Nền kinh tế phát triển nóng cũng là một trong những yếu tố khiến kịch bản biến đổi khí hậu diễn ra nhanh hơn rất nhiều so với dự báo.
"Cùng với quy luật dị thường của thiên nhiên có sẵn, con người cũng là một trong những tác nhân gây ra biến đổi khí hậu", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận định.
Trong khi đó, PGS.TS Trần Thanh Tùng, Phó Chủ nhiệm khoa Kỹ thuật biển trường Đại học Thủy lợi, cho rằng một trong những nguyên nhân khiến thời tiết diễn biến ngày càng tiêu cực, gây ra hậu quả nặng nề là do ý thức người dân và các cấp quản lý địa phương.
Trong câu chuyện ngập lụt ở Phú Quốc và khu vực Tây Nguyên, PGS.TS Trần Thanh Tùng cho rằng cần thẳng thắn nhìn nhận những thiếu sót trong việc buông lỏng quản lý trong quy hoạch nhà cửa và xây dựng các công trình thủy điện trên sông. Những điều này đã gây ra hệ lụy không nhỏ cho khu vực khi phải hứng chịu những hiện tượng cực đoan của thời tiết.
Còn trong trường hợp cháy rừng ở miền Trung, ông cho rằng bên cạnh yếu tố thời tiết, người dân cũng cần điều chỉnh việc sử dụng nguồn nước và quy hoạch cây trồng cho phù hợp.
Cụ thể, ở những nơi tình hình hạn hán khốc liệt như Ninh Thuận, người dân được khuyên không nên trồng lúa do yếu tố địa hình và khí hậu. Tuy nhiên, việc này chưa thể thực hiện bởi chính quyền địa phương chưa có giải pháp tốt hơn cho phát triển kinh tế nông nghiệp ở địa phương.
Ngoài ra, bên cạnh việc nâng cao ý thức người dân trong việc định canh, định cư, nhà nước cùng các địa phương cần nghiên cứu ra những hệ thống cảnh báo hiện đại hơn, tự động hơn, giảm bớt sự phụ thuộc vào con người để giảm thiểu tối đa rủi ro do thiên tai và dị thường thời tiết gây ra.
Theo Mỹ Hà/Zing

>> xem thêm

Bình luận(0)