"Bột ma thuật" giúp làm mát Trái đất

Google News

Thế giới tồn tại một giải pháp thúc đẩy triệt tiêu CO2 là Tăng cường phong hóa đá bằng cách nghiền vụn đá bazan thành bột và rải trên mặt đất.

Thế giới tồn tại một giải pháp thúc đẩy triệt tiêu CO2 là Tăng cường phong hóa đá (Enhanced rock weathering - ERW), bằng cách nghiền vụn đá bazan thành bột và rải trên mặt đất. Tuy ERW hoạt động chậm, nhưng đảm bảo “bắt giữ” CO2 vĩnh viễn và góp phần cải tạo đất, giúp cây trồng phát triển tốt hơn.

Bột đá bắt CO2

Phong hóa là quá trình tan tự nhiên của đá và các khoáng chất dưới tác động của nước, băng, axit, muối, thực vật, động vật… được chia làm 3 dạng: Phong hóa cơ học (bị tác nhân vật lý làm vỡ nát), phong hóa hóa học (bị thay đổi hợp chất do phản ứng hóa học) và phong hóa sinh học (bị sinh vật sống tác động, bào mòn). 

Từ lâu, giới khoa học đã phát hiện, phong hóa hóa học có khả năng loại bỏ CO2 thông qua quá trình cacbonat hóa. Quá trình này xảy ra sau phong hóa cơ học và dưới tác động của nước mưa, theo phản ứng H2O + CO2 -> H2CO3.

Axit cacbonic (H2CO3) mới được tạo thành tiếp tục ăn mòn các khoáng chất, tạo ra muối cacbonat “nhốt” CO2. Muối cacbonat được tạo ra lại bị axit cacbonic hòa tan, biến thành dạng dung dịch và ngấm xuống đất, nhập vào nước ngầm, cuối cùng chảy vào đại dương và chìm xuống đáy biển.

Trước kỷ nguyên công nghiệp, phong hóa là quá trình tự nhiên ổn định khí hậu. Nó xảy ra cực kỳ chậm, nếu Trái đất đột ngột bị tác động nào đó phá hủy trạng thái cân bằng thì phải mất cả hàng ngàn năm, nó mới thiết lập lại được trật tự. Tuy nhiên, con người có thể can thiệp vào phong hóa, thúc đẩy nó diễn tiến nhanh hơn bằng ERW.

“Đây là bột ma thuật của tôi”, Jim Mann, ông chủ của công ty cải thiện thời tiết bằng đá – UNDO vừa giơ vốc bột đá bazan lên vừa nói. “Tăng cường phong hóa đá là phương pháp nửa tự nhiên nửa nhân tạo. Nó tận dụng quá trình phong hóa tự nhiên và được thúc đẩy bằng phương pháp nhân tạo để xảy ra nhanh hơn”, anh Jim cho biết.

Jim Mann, ông chủ của công ty cải thiện khí hậu bằng đá - UNDO. Ảnh: Jonah Fisher, Bbc.com

Chậm mà chắc

Phần nhân tạo trong ERW là dùng máy móc đẩy nhanh quá trình phong hóa cơ học, tức là nghiền vụn đá thành bột trước. Loại đá được yêu thích nhất là đá bazan, vì chúng có đặc tính “bắt giữ” CO2 mạnh.

Bột đá bazan “bắt” CO2 nhanh nhất dưới điều kiện gặp mưa. Tất nhiên, để nó “bắt” được nhiều CO2, Jim phải rải nó ra trên diện rộng. May cho anh, bột đá bazan được chứng minh là cải thiện năng suất cây trồng và chất lượng chăn thả. Nông dân xem loại bột đá này như một dạng phân bón khoáng chất, nếu được phát miễn phí thì sẽ vui vẻ tham gia vào dự án làm mát hành tinh bằng ERW. 

“Chúng tôi đã thử nghiệm bón bột đá bazan cho cỏ và phát hiện nó giúp cỏ lên tốt hơn. Cỏ mà tốt thì gia súc ăn cỏ cũng béo mượt”, anh Jim vui vẻ nói.

So với các giải pháp cắt giảm CO2 hiệu quả tức thời như lọc khí, trồng cây… ERW chậm hơn và cũng nặng nhọc hơn. Theo tính toán từ UNDO, phải mất 4 tấn đá bazan mới bắt giữ được một tấn CO2. Trong khi đó, chỉ một người cũng tạo ra khoảng 7 tấn CO2/năm. Bình quân, mỗi người cần đến 30 tấn bột đá để trung hòa không khí.

Đổi lại, ERW chắc chắn hơn nhờ gần như không có rủi ro. Nó không quá tốn kém như xây dựng và vận hành nhà máy lọc khí, cũng không có nguy cơ bị chết như cây cối. So đi tính lại, ERW là giải pháp không nên bỏ qua.

Gần đây, UNDO nhận được khoản đầu tư mới trị giá 12 triệu bảng Anh và anh Jim đang nỗ lực mở rộng quy mô hoạt động, thành công ký bán 25 nghìn tấn bột đá bazan cho Microsoft để rải trên các cánh đồng của Anh.

“Chúng tôi sẽ quan sát, đo lường và báo cáo kết quả cặn kẽ”, Steve Smith, chuyên gia về loại bỏ CO2 tuyên bố. Ngoài mục tiêu làm mát Trái đất, ông Steve còn nhận thấy ERW giải quyết cả an ninh lương thực. “Nó giống như một mũi tên trúng 2 con nhạn”, ông tự hào.

Bột đá bazan còn là khoáng chất giúp cây trồng lên xanh hơn. Ảnh: Fruithillfarm.com 

Năm nay, UNDO dự kiến rải 185 tấn bột đá bazan và hy vọng đến năm 2025 sẽ loại bỏ được một triệu tấn CO2. Mặc dù “chậm mà chắc”, ERW vẫn có nhược điểm là cần máy móc để nghiền và vận chuyển đá, mà hoạt động của máy móc thì tốn xăng, dầu, phát thải CO2.

Chưa hết, lượng khí thải mà UNDO kỳ vọng loại bỏ được cũng chỉ như “giọt nước giữa đại dương” khi so sánh với lượng khí thải toàn cầu. Chỉ trong năm 2022, nhân loại đã thải vào bầu khí quyển khoảng 37 tỷ tấn CO2.

Ngoài ra, ERW còn khiến nhiều người buông lỏng ưu tiên cấp bách nhất là nỗ lực cắt giảm khí thải. Bởi vì, họ có thể lấy nó làm lý do để trì hoãn và biện minh.

Theo Vũ Thị Huế/Giáo dục và Thời đại

>> xem thêm

Bình luận(0)