Theo tờ Fox News, một mẩu hổ phách hóa thạch có chứa hộp sọ của một loài kỳ lạ giống chim mới được tìm thấy tại miền Bắc Myanmar. Sinh vật nhỏ bé này đã chết trước khi nhựa cây rơi trúng và bao phủ phần đầu.
Nghiên cứu từ các nhà khoa học cho thấy đây chính là hóa thạch của loài khủng long nhỏ nhất thế giới, khả năng sống ở Kỷ phấn trắng, khoảng 100 triệu năm trước.
|
Mẩu hóa thạch được tìm thấy ở miền Bắc Myanmar có chứa hộp sọ của loài khủng long nhỏ nhất thế giới. |
Trong miếng hổ phách, sinh vật khoảng 5cm được bảo quản khá nguyên vẹn, mà theo tạp chí khoa học Nature thì "trông giống như vừa mới chết hôm qua". Tuy không có đầy đủ bộ xương của loài động vật trên nhưng các nhà khoa học ước tính được kích thước của nó thông qua hộp sọ dài khoảng 1,27 cm.
Khi sử dụng phần mềm máy tính phác họa hình dáng dựa trên số liệu và tỷ lệ sẵn có, nhóm nghiên cứu ước tính con khủng long dài khoảng 5cm và nặng khoảng 28g ngoài thực tế. Kích thước này gần tương đương với chim ruồi - loài chim nhỏ nhất thế giới còn sống hiện nay.
|
Mô phỏng hình ảnh loài khủng long tí hon Oculudentavis khaungraae dựa trên mẫu hóa thạch. |
Khác với suy nghĩ của con người rằng khủng long là một loài rất to lớn, mẫu hóa thạch này đã chứng minh trên thế giới có tồn tại khủng long tí hon. Hiện các nhà khoa học đã đặt tên cho chúng là Oculudentavis khaungraae.
Một số dấu vết khác trên mẩu hóa thạch cho thấy khả năng loài khủng long này trước đây có rất nhiều răng, khoảng 100 cái, đồng thời sở hữu đôi mắt giống thằn lằn. Đặc điểm này giúp chúng linh hoạt khi tìm kiếm thức ăn, cũng như điều tiết ánh sáng quan sát hiệu quả.
Lars Schmitz, tác giả chính của nghiên cứu cho biết: "Động vật có xương sống được bảo tồn trong miếng hổ phách là điều khá hiếm gặp. Nó cung cấp cho chúng ta cái nhìn về thế giới khủng long với kích thước nhỏ nhất".