Các máy bay chiến đấu mang vũ khí hạt nhân của Không quân Hoa Kỳ đã sẵn sàng xuất kích vào ngày 23/5/1967, do phía Mỹ tưởng rằng Liên Xô đã chặn sóng một loạt hệ thống radar giám sát của Mỹ.
Tuy nhiên, cơ quan dự báo thời tiết của quân đội Mỹ đã can thiệp kịp thời khi thông báo với các quan chức hàng đầu của quân đội là nguyên nhân do một đợt Mặt Trời phun trào năng lượng rất mạnh, gây ra luồng điện từ có ảnh hưởng nặng nề tới Trái Đất, phá sóng của radar.
"Nếu họ không kịp thông báo sớm, cơn bão năng lượng Mặt Trời và tác động của nó có khả năng gây ra hậu quả nghiêm trọng [là một cuộc chiến tranh]", ông Delores Knipp, một nhà vật lý không gian tại trường Đại học Colorado Boulder (Mỹ), tác giả chính của nghiên cứu, cho biết. "Đây là một bài học kinh nghiệm cho thấy công tác nghiên cứu thời tiết quan trọng như thế nào"- ông nói.
Cơn bão Mặt Trời bắt đầu xuất hiện vào ngày 18/5/1967, khi các nhà nghiên cứu nhận thấy một đám lớn các vết đen trên Mặt Trời với từ trường mạnh xuất hiện.
|
Hình ảnh Mặt Trời ngày 23/5/1967 với những vết đen trên bề mặt. (Nguồn: Space) |
Vết đen trên Mặt Trời là những khu vực có nhiệt độ tương đối thấp hơn trên bề mặt của thiên thể này (do đó nhìn chúng tối hơn, nếu quan sát từ Trái Đất). Chúng có vai trò trung gian, gây ra các vụ nổ bức xạ năng lượng cao cực mạnh được gọi là “pháo sáng trên Mặt Trời”. Các vụ nổ này tương tự các vụ phun trào khí nóng plasma từ bên trong Mặt Trời ra ngoài, được gọi là “phun trào nhật hoa”.
Những luồng năng lượng mạnh này va đập vào Trái Đất, có thể phá vỡ các tín hiệu truyền thanh và truyền hình vệ tinh. Thậm chí, bão Mặt Trời cường độ mạnh có thể đánh sập hệ thống lưới điện nhiều khu vực.
Ngày 23/5/1967, Mặt Trời bắn ra một ngọn lửa rất mạnh có thể được nhìn thấy bằng mắt thường, và bắt đầu phát ra luồng điện từ mạnh ở một mức độ chưa từng thấy trước đây, các thành viên nhóm nghiên cứu cho biết.
Cùng ngày, các hệ thống cảnh báo sớm phòng thủ tên lửa đạn đạo của Không quân Mỹ đặt tại Alaska, Greenland và Vương quốc Anh đều bị tê liệt.
Các quan chức Không quân ban đầu cho rằng, Liên Xô là thủ phạm gây nhiễu radar. Đây được coi là một hành động khiêu khích gây chiến tranh. Vì vậy các chỉ huy đã nhanh chóng hạ lệnh cho các máy bay mang vũ khí hạt nhân chuẩn bị xuất kích. Theo các tác giả nghiên cứu, thời điểm đó Mỹ đã có nhiều máy bay mang vũ khí hạt nhân, sẵn sàng trực chiến liên tục trong suốt những năm 60 của thế kỷ trước.
Rất may, điều đó đã không xảy ra.