Chỉ mất khoảng 30 phút lái xe từ thành phố Vladivostok của Nga, du khách sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng một trong những vịnh biển ấn tượng nhất thế giới, được bao quanh bởi nhiều vách đá: vịnh Ussuri. Điều đáng nói là bãi biển thủy tinh (Glass Beach) nằm trong vịnh này là một trong những địa điểm du lịch vô cùng hấp dẫn ở Nga. Hàng triệu mảnh vỡ thuỷ tinh lấp lánh trải dọc theo bờ biển, lấp lánh dưới nắng tạo ra một khung cảnh như cổ tích.
|
Glass Beach hiện đã trở thành một địa điểm thu hút rất đông khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới. |
|
“Khi thiên nhiên sửa chữa lỗi lầm của con người”
Có không ít cách lý giải về nguồn gốc của bãi biển thủy tinh, song phần lớn ý kiến cho rằng bãi biển hình thành từ một bãi phế liệu của một nhà máy chai lọ ở địa phương trong thời kỳ Liên Xô (cũ).
Tương tự như bãi biển thủy tinh ở vịnh Ussuri, bên ngoài khu vực Fort Bragg, bang California, Mỹ cũng có một bãi biển thủy tinh khác, được những người thu gom thuỷ tinh biển mệnh danh là “Thánh địa Mecca”. Vào đầu thế kỷ 19, đây thực chất là khu vực tập kết rác thải của các vùng lân cận.
Cho tới những năm 1960, bãi rác này bị đóng cửa, người ta quy hoạch và cho phân loại rác thải, chỉ còn lại vỏ chai thuỷ tinh là không thể thu gom. Các mảnh thuỷ tinh này sau đó được sóng biển và cát mài giũa, đẽo gọt, trải qua hàng trăm năm trở thành những viên cuội đẹp long lanh. Đến những năm đầu thế kỷ 21, bãi biển thủy tinh được Cơ quan quản lý công viên bang California mua lại, được quy hoạch thành một quần thể cùng với công viên nước MacKerricher.
Bãi biển kỳ diệu trước nguy cơ biến mất
Để tới bãi biển thiên đường Glass Beach trong vịnh Ussuri, du khách phải trả một khoản phí tham quan nho nhỏ. Cùng với sự xói mòn dần của thời gian, những mảnh thuỷ tinh vỡ không còn nguy hiểm và biến thành những viên đá cuội tròn nhẵn. Thông thường, các gia đình tới đây cùng với con nhỏ, họ ngồi trên bãi biển ngắm cảnh đẹp kỳ diệu của vịnh Ussuri, bơi lội trong làn nước trong vắt, thậm chí thoả thích nằm tắm nắng.
Song bất chấp việc chính quyền địa phương đưa bãi biển thủy tinh vào danh sách khu vực cần bảo vệ đặc biệt, chính con người cùng với sự nóng lên của trái đất do biến đổi khí hậu đang khiến cho bãi biển tuyệt diệu này dần biến mất.
Giáo sư Petr Brovko - một chuyên gia nghiên cứu về bãi biển Glass Beach cho biết: “Bãi biển thu hút rất đông du khách vào mùa hè và họ thường nhặt những mảnh thủy tinh vỡ để làm đồ lưu niệm”. Ông Brovko cho rằng điều này có tác động xấu tới bãi biển, làm suy giảm lớn lượng đá cuội sắc màu ở đây.
Không chỉ vậy, Glass Beach cũng có nguy cơ sẽ biến mất vĩnh viễn trong tương lai không xa, do sự ăn mòn tự nhiên khiến các mảnh thuỷ tinh sắc màu dần biến mất. Giáo sư Brovko và các nhóm nghiên cứu bày tỏ lo ngại rằng bãi biển thủy tinh sẽ dần trở về nguyên trạng một bãi biển bình thường, với cát và đá cuội không màu. Hiện tại, theo nghiên cứu, kích thước của những mảnh cuội sắc màu đã nhỏ hơn nhiều so với cách đây khoảng 20 năm.