Bác sĩ giành học bổng Harvard: "Hình ảnh bệnh nhân nghèo luôn trong tâm trí"

Google News

Bác sĩ Nguyễn Hải Nam (sinh năm 1988) quyết định tiếp tục theo đuổi chương trình lâm sàng tại Trường Y Harvard trước khi trở về.

Bac si gianh hoc bong Harvard:

Suy nghĩ muốn theo đuổi nghề Y của TS.BS. Nguyễn Hải Nam bắt đầu kể từ năm lớp 8, khi mẹ anh chẳng may qua đời vì căn bệnh ung thư. Ở thời điểm đó, bố động viên Hải Nam nên cố gắng phấn đấu học hành, sau này đi theo con đường làm bác sĩ chữa bệnh cứu người, không để những trường hợp đáng tiếc như của mẹ xảy ra. Câu nói ấy như khắc sâu vào trong tâm trí Hải Nam và trở thành mục tiêu để anh phấn đấu.

Năm 2006, Hải Nam thi đỗ vào ngành Y đa khoa của Trường ĐH Y Dược TP.HCM. Mới nhập học, cậu sinh viên năm nhất đã nghe các anh chị khóa trên rỉ tai nhau về việc phải cố gắng học để thi Bác sĩ Nội trú. Mặc dù đó có thể không phải là con đường ngắn nhất, nhưng sẽ là con đường tối ưu nhất để bước chân vào ngành.

Nhưng ngay học kỳ đầu tiên ở trường y, cậu sinh viên năm nhất đã “sốc” vì trượt môn. Dù có chút hụt hẫng nhưng điều đó chợt giúp Hải Nam nhận ra rằng, bản thân cần phấn đấu hơn nữa và phải định hình lại rõ ràng con đường học tập.

“Ở thời điểm đó, trong tôi chỉ có một mục tiêu duy nhất, nếu muốn thi Bác sĩ Nội trú, cần phải cố gắng học từ năm đầu tiên “Y1” thay vì chỉ nỗ lực trong 1 – 2 năm cuối. Do đó, tôi cũng tự vạch ra con đường đi dài hạn cho bản thân và bắt đầu chuẩn bị từ rất sớm”.

Nhờ quyết tâm ấy, Hải Nam đã thi đỗ chương trình Bác sĩ Nội trú chuyên ngành Ngoại khoa của Trường Đại học Y Dược TP.HCM, sau đó lựa chọn con đường điều trị ung thư bằng phẫu thuật.

Bac si gianh hoc bong Harvard:

Sau khi tốt nghiệp Bác sĩ Nội trú loại Giỏi, Hải Nam được giữ lại làm giảng viên của Trường Đại học Y Dược TP.HCM và tham gia khám, điều trị và phẫu thuật tại khoa Ngoại - Gan - Mật - Tuỵ của Bệnh viện Chợ Rẫy.

Dù có một công việc khá ‘ổn’, song vì vẫn trăn trở với kiến thức và khả năng của mình, Hải Nam quyết định tìm học bổng tiến sĩ và theo học tại ĐH Kyoto – một trong những đại học công lập có truyền thống lâu đời và tốt nhất của Nhật Bản. Đây cũng là cơ sở đại học hiếm hoi ở châu Á có 19 giải Nobel, trong đó có giải Nobel Y học năm 2018 của GS Tasuku Honjo về Program Death Ligand 1 (PDL1). Tình cờ là thời điểm đó, hướng nghiên cứu của Hải Nam cho luận án tiến sĩ Y khoa trong lĩnh vực ghép gan cũng đang sử dụng kết quả nghiên cứu của GS Tasuku Honjo.

Ấn tượng của cậu bác sĩ trẻ đến từ Việt Nam còn là tinh thần chuyên nghiệp và cường độ làm việc rất cao của người Nhật.

“Khi phát hiện ra lỗi sai, họ sẽ trình bày vấn đề để cùng nhau giải quyết thay vì giấu nhẹm. Tuy nhiên, ở Nhật sẽ không có chuyện “cầm tay chỉ việc”. Khi gặp vấn đề khúc mắc, Giáo sư chỉ phân tích đúng sai, còn lại sinh viên phải tự tìm cách khắc phục. Sau thời gian 1 năm học tập tại đây, tôi cũng hiểu ra rằng, khi gặp những vấn đề khó khăn, mình phải tự biết cách giải quyết thay vì nghĩ tới chuyện nhờ vả một ai khác”.

Một trong những thuận lợi khác, theo TS. BS. Nguyễn Hải Nam là sự liên kết chặt chẽ và đa dạng trong công tác nghiên cứu tại trường đại học ở Nhật bản. Đây là điều mà xu hướng ở ta chưa thật sự được mạnh mẽ.

“Ở Nhật thường có sự hợp tác liên kết nghiên cứu giữa các khoa, thậm chí có thể không cùng trong một chuyên ngành. Ví dụ như khoa của tôi là Phẫu thuật Gan Mật Tụy, nhưng cũng có thể liên kết với các giảng viên của khoa công nghệ thông tin chuyên về lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) để kết hợp hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân”.

Ngoài ra, hàng tuần, trường cũng sẽ có các buổi hội thảo mời chuyên gia đến từ các trường đại học khác nhau để trò chuyện, chia sẻ chuyên môn. Thậm chí, các trường cũng có thể liên kết với nhau để cùng nghiên cứu một vấn đề. TS.BS. Nam cho rằng điều này sẽ giúp các nhóm nghiên cứu có thể đi xa hơn thay vì nghiên cứu độc lập.

Bac si gianh hoc bong Harvard:

Những ngày tháng học tập ở Nhật Bản, Nam cũng tham gia mổ và điều trị tại bệnh viện. Đây cũng là một trong những thuận lợi để Nam công bố hơn 30 bài báo quốc tế. Trong đó, hơn một nửa được công bố trên tạp chí Q1.

Mới đây, Hải Nam đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Y khoa tại ĐH Kyoto (trước thời hạn quy định 3 tháng). Những ngày đầu năm mới 2022, TS.BS. Nguyễn Hải Nam nhận tin vui trúng tuyển vào Trường Y Harvard, theo đuổi chương trình nghiên cứu lâm sàng toàn cầu, góp phần tăng cường kiến thức và kinh nghiệm để có thể điều trị tốt hơn cho các bệnh nhân về sau.

Nói về quyết định này, Hải Nam cho rằng mình tìm kiếm cơ hội tới học tập tại một quốc gia khác để bản thân có thêm những góc nhìn đa chiều và toàn cảnh của các nền y học trên thế giới. Trước đó, đa số nghiên cứu của Hải Nam là nghiên cứu cơ bản, vì vậy việc theo đuổi chương trình nghiên cứu lâm sàng sẽ giúp ích nhiều khi trở về Việt Nam làm việc trong tương lai.

Một trong những nghiên cứu tâm đắc của anh là về sự tái sinh của gan.

“Gan là cơ quan đặc biệt duy nhất trong cơ thể có thể tái sinh sau khi phẫu thuật cắt gan. Chính vì thế, khả năng tái sinh của gan giúp ích rất nhiều cho các bệnh nhân ung thư gan trong điều trị. Khi cắt bỏ phần gan chứa khối u thì phần gan lành còn lại vẫn phải đảm bảo chức năng của cơ thể. Nếu cắt quá nhiều gan, bệnh nhân sẽ không có đủ gan để đảm bảo chức năng của cơ thể, từ đó rơi vào suy gan và có thể tử vong.

Do đó, một trong các đề tài của tôi là nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến sự tái sinh của gan sau phẫu thuật, làm thế nào để đảm bảo phần gan còn lại có thể nuôi sống cơ thể. Bên cạnh đó, ung thư gan rất dễ tái phát và cần phải phẫu thuật cắt gan nhiều lần. Nếu không tính toán hợp lý, việc phẫu thuật trong những lần tiếp theo sẽ không còn chỉ định do phần gan còn lại không còn đủ để duy trì chức năng cho cơ thể bệnh nhân, từ đó làm mất đi một phương án điều trị hữu hiệu và triệt để cho các bệnh nhân ung thư gan tái phát”.

Bac si gianh hoc bong Harvard:

Ung thư gan cũng là hướng đi anh mong muốn tiếp tục theo đuổi tại Trường Y Harvard, trong đó tập trung vào nghiên cứu mối quan hệ giữa ung thư gan và sự suy mòn cơ (sarcopnenia).

Nhiều năm học tập và nghiên cứu trong ngành Y, TS. BS. Nguyễn Hải Nam cho rằng yếu tố tiên quyết khi theo đuổi ngành này hay bất kỳ lĩnh vực nào khác là đam mê và sự kiên trì.

“Ung thư gan là mảng tôi khá đam mê kể từ khi còn học ở Việt Nam. Tuy nhiên, trên hành trình nghiên cứu ấy cũng có rất nhiều thất bại, có những ca phẫu thuật không thành công, có những bài báo phải chỉnh sửa rất nhiều lần trước khi có thể được chấp thuận xuất bản. Do đó, nếu không đam mê và kiên trì theo đuổi thì sẽ không thể đi tiếp trên con đường này”, Hải Nam nói.

Khi được hỏi về dự định trong tương lai, Hải Nam trả lời, hình ảnh những bệnh nhân nghèo từng gặp khi còn đang công tác tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) luôn trong tâm trí, thúc giục anh cố gắng nỗ lực hơn nữa trước khi trở về nhà.

“Họ thậm chí còn không đủ ăn, phải sống và chữa bệnh nhờ sự tài trợ của các nhà hảo tâm. Sau khi sang Nhật, tôi rất chạnh lòng trước những mảnh đời cơ cực của người bệnh quê hương mình. Bản thân mình được học hành, được may mắn tiếp cận những thứ tốt như vậy thì nên cống hiến để trả nợ cho đời, cho người dân Việt Nam. Do đó, tôi mong muốn sau khi kết thúc chương trình học tập tại Mỹ sẽ quay trở về, đóng góp một phần khả năng của mình để cứu chữa cho những bệnh nhân nghèo”.

Theo Thúy Nga/Vietnamnet

>> xem thêm

Bình luận(0)