Vì sao hạm đội Tây Sơn thảm bại trận Thị Nại?

Google News

(Kiến Thức) - Trang bị hơn 2.000 chiến thuyền, trong đó có nhiều tàu chiến khổng lồ, thế nhưng hạm đội Tây Sơn lại thua chóng vánh chỉ trong một đêm trước thủy quân Nguyễn Ánh. Tại sao lại như vậy? 

Trận Thị Nại năm 1801 là một trong những trận thủy chiến dữ dội nhất lịch sử phong kiến nước ta, là trận đánh mang tầm quyết định tới chiến tranh Nguyễn - Tây Sơn (1787-1802).
Mà kết quả của nó đã xoay chuyển hoàn toàn cục diện chiến trường sang chiều hướng có lợi cho Nguyễn Ánh. Và đẩy nhanh hơn quá trình sụp đổ hoàn toàn của triều đại Tây Sơn sau khi người anh hùng Quang Trung Nguyễn Huệ qua đời.
Dẫu vậy, nguyên nhân thảm bại của quân Tây Sơn trong trận thủy chiến này tới nay vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Bởi lẽ, năm 1801, thủy quân Tây Sơn vẫn được đánh giá là vượt trội hoàn toàn nhà Nguyễn.
2.000 đọ 300
Trước hết, sơ qua về nơi diễn ra trận chiến - đầm thị Nại là một đầm nước mặt nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Bình Định, nay thuộc địa phận thành phố Quy Nhơn, huyện Tuy Phước, huyện Phú Cát với diện tích khoảng 5.000ha, chạy dài hơn 10km, bề rộng hơn 4km.
Nước đầm thông với biển qua một cửa hẹp có tên là "Giã", nhưng sau này người ta quen gọi là cửa Thị Nại. Các nhánh sông Kôn, sông Hà Thanh đều chảy vào đầm. Khi nước triều lên thì mặt đầm nước mênh mông, vào những hôm trời gió, sóng dập dờn như mặt biển. Những lúc triều xuống, nước rút cạn để trơ lòng đầm, sình lầy lai láng...
Vi sao ham doi Tay Son tham bai tran Thi Nai?
 Vị trí đầm Thị Nại ngày nay, có thể thấy rõ lối vào trong vịnh và quy mô của đầm rất lớn.
Trước khi xảy ra trận Thị Nại 1801, vào các năm Nhâm Tỷ 1792, Quý Sửu 1793 và Kỷ Mùi 1799, nơi đây đều đã xảy ra hải chiến giữa chúa Nguyễn với quân Tây Sơn nhưng đều ở quy mô nhỏ, phần thắng thuộc về Tây Sơn.
Năm 1801, lúc bấy giờ quân Tây Sơn uy hiếp dữ dội thành Bình Định, tướng chúa Nguyễn chỉ còn biết cố thủ, không thể phá vây, lực lượng cứu viện chỉ có thể tiến vào từ hướng biển mà cửa Thị Nại đã bị quân Tây Sơn chiếm giữ.
Khi tình hình thành Bình Định ngày càng nguy cấp, chúa Nguyễn Phúc Ánh cùng thế tử Hy động viên khoảng 300 chiến thuyền, trong đó có 4 chiến hạm cỡ lớn, còn lại tàu cỡ trung - nhỏ tiến đánh cửa Thị Nại, quyết phá thế vây khốn Bình Định.
Mặc dù nếu so sánh về tương quan lực lượng phòng thủ và tấn công thì thế Tây Sơn vượt trội hoàn toàn. Ngay cả sĩ quan người Pháp bên cạnh chúa Nguyễn cũng phải thừa nhận.
"Trước đây chưa trông thấy địch (Tây Sơn), tôi có ý khinh thường, nhưng bây giờ mới biết là mình lầm. Thật vậy, quân của Tây Sơn đã là một phòng tuyến không sao vượt được…", trích thư sĩ quan Pháp Chaigneau viết gửi về nước.
Theo các nguồn tài liệu, ước tính toàn bộ lực lượng thủy quân Tây Sơn đóng giữ cửa Thị Nại lên tới 2.000 chiến thuyến lớn nhỏ, trong đó nhiều chiến hạm khổng lồ, trang bị hàng chục khẩu lớn.
Vi sao ham doi Tay Son tham bai tran Thi Nai?-Hinh-2
 Bức vẽ người Pháp mô tả chiến hạm Định Quốc.
Trong bức thư đề ngày 11/4/1801, Ba-ri-dy – cố vấn người Pháp của Nguyễn Ánh gửi cho Letondal viết về trận hải chiến cảng Thị Nại xảy ra trước đó 2 tháng có đoạn thống kê khá chi tiết về thủy quân Tây Sơn:
“Quân lực địch do đô đốc thiếu phó (Võ Văn Dũng) chỉ huy gồm:
- 9 tàu loại 66 đại bác, mỗi tàu 700 thủy binh
- 5 tàu loại 50 đại bác, mỗi tàu 600 thủy binh
- 40 tàu loại 16 đại bác, mỗi tàu 200 thủy binh
- 93 thuyền chiến, loại 1 đại bác lớn, 150 thủy binh
- 300 xuồng gắn pháo, loại 50 thủy binh
- 100 tàu buồm kiểu Đàng Trong, loại 70 thủy binh.
Trong một đoạn khác, Ba-ri-dy cho biết quân Tây Sơn còn 4.800 thuyền vận tải nữa đậu trong cảng.
Rõ ràng, dù là 2.000 hay 500 hay 4.800 thì sức mạnh thủy quân Tây Sơn riêng tại Thị Nại vượt xa thủy quân nhà Nguyễn. Đội tàu Tây Sơn dàn hàng dọc cửa biển dựa vào thế núi non bao quanh tạo nên “trường thành” vững chắc chưa từng thấy, bất khả xâm phạm.
Thế mà chuyện khó tin lại có thể xảy ra, chỉ trong một đêm, toàn bộ thủy quân Tây Sơn thảm bại hoàn toàn.
Khi thiên thời đứng về nhà Nguyễn!
Theo các tài liệu lịch sử ghi nhận, đúng vào dịp Rằm tháng Giêng (tức ngày 27/2), hạm đội nhà Nguyễn bao gồm 26 chiến thuyền chèo tay lớn, 65 ghe đại bác khởi hành tiến công quân Tây Sơn ở cửa Thị Nại.
Tới tối 27/2, quân tiên phong nhà Nguyễn chặn bắt được một chiếc thuyền tuần tiễu chở Đô ty Nguyễn Văn Độ cùng đám lính tuần tra lấy được mật khẩu. Chớp thời cơ, Nguyễn Ánh sai tướng lĩnh cải trang thành quân Tây Sơn dùng 18 chiếc thuyền chất đầy hỏa khí, giả trang lẻn vào đốt thủy trại trong đầm.
Chiều 28/2, toàn hạm đội nhổ neo di chuyển về phía Thị Nại, bấy giờ quân Tây Sơn hoàn toàn không hay biết gì. Chiều tối, khi áp sát đảo Hòn Đất, Nguyễn Ánh ra lệnh cho 1.200 tinh binh đổ bộ lên bãi cát phòng thủ ngoài cửa biển. Ngoài biển, 26 thuyền do Lê Văn Duyệt chỉ huy áp sát bãi Nhạn.
Lúc này đoàn thuyền cải trang len được vào tận trong vịnh, tướng lĩnh nhà Nguyễn khai hỏa đại bác vào tháp canh thủy trại. Nghe pháo hiệu, Nguyễn Ánh hạ lệnh tổng tấn công.
Vi sao ham doi Tay Son tham bai tran Thi Nai?-Hinh-3
 Tranh vẽ hỏa công nhà Nguyễn thiêu rụi hạm đội Tây Sơn ở Thị Nại.
Trên mặt nước, Lê Văn Duyệt chỉ huy 26 tàu bắn liên hồn lên bãi cát. Trên bộ, 1.200 quân cảm tử ém từ trước tấn công quân Tây Sơn, đánh úp diệt gọn hàng phòng thủ bên ngoài thủy trại.
Quân Tây Sơn dù bị bất ngờ nhưng phản ứng khá mau lẹ, chiến thuyền từ trong cửa vịnh bắt đầu túa ra hướng về quân Lê Văn Duyệt. Những chiến hạm Định Quốc trang bị pháo lớn nhanh chóng giúp quân Tây Sơn chiếm được ưu thế trước nhà Nguyễn.
Tuy nhiên, dù bị thương vong lớn, quân binh nhà Nguyễn hăng hái vô cùng, tướng lĩnh kiên cường hô hào binh sĩ tiến công kịch liệt.
Gió to, thủy triều lên mạnh giúp đoàn thuyền 26 chiếc của Lê Văn Duyệt lao nhanh vun vút, đến 12h đêm lọt vào cửa biển và đốt phá thuyền "Đại hiệu" của Tây Sơn. Lửa bén vào các chiến hạm Định Quốc được gió tiếp sức cháy phần phật, chẳng mấy chốc lan ra khiến quân Tây Sơn không cách nào dập tắt kịp.
"... Giặc giữ bảo cự chiến, từ giờ Dần đến giờ Ngọ, tiếng súng vang trời, đạn bay như mưa. Di Nguy bị bắn chết. Duyệt cứ mặc kệ, càng thúc đánh hăng. Vua thấy sĩ tốt nhiều người tử thương, cho tiểu sai đến dụ cho tam lui. Duyệt thề chết, vẫy quân xông lên, giờ thân vào được cửa biển, dùng đuốc hỏa chiến thừa chiều gió phóng đánh thuyền đại hiệu của giặc. Quân Tây Sơn cả vỡ, chết rất nhiều", Đại Nam Thực Lục của triều Nguyễn viết.
"Thuyền đắm ùm ùm. Khắp nơi lửa cháy, các chiến hạm Tây Sơn, cái thì nổ, cái thì chìm. Người chết như rạ. Tiếng la hét kêu khóc vang cả một góc trời", sử sách ghi lại trận Thị Nại 1801.
Đến tảng sáng ngày hôm sau, dù quân Tây Sơn vẫn còn một bộ phận chống đỡ, nhưng nhìn chung kết cục đã rõ, nhà Nguyễn đại thắng.
Mặc dù không có sự tổng kết rõ ràng về lý do khiến quân Tây Sơn đại bại, nhưng qua các dòng lịch sử, có thể thấy rõ dáng dấp “trận đại chiến Xích Bích” – đó là sử dụng hỏa công để thiêu rụi toàn bộ chiến thuyền Tây Sơn đậu chen chúc trong vịnh.
Bên cạnh đó, yếu tố “thiên thời” cũng góp phần không nhỏ trong chiến thắng này. Gió gặp lửa thì chỉ mạnh hơn, thủy triều lên cũng giúp tàu bè đi nhanh hơn.
Vi sao ham doi Tay Son tham bai tran Thi Nai?-Hinh-4
 Khẩu đại bác Tây Sơn được trục vớt từ đầm Thị Nại.
Đại bác lúc bấy giờ không thể hạ nòng như pháo hiện đại, tốc độ bắn, độ chính xác là rất hạn chế, nên nếu thuyền địch đi nhanh thì khó bắn trúng. Mà đến khi áp sát rồi thì vô dụng, hai bên xông vào giáp lá cà.
Tàu toàn làm bằng gỗ, một mồi lửa là đủ hỏa thiêu toàn bộ. Gió thổi khiến lửa cháy to và lan nhanh hơn. Có lẽ đó là những lý do chính khiến cho hạm đội Tây Sơn đại bại hoàn toàn.
Ước tính, trong trận này nhà Nguyễn tổn thất 4.000 quân cùng Thủy sư Đô đốc Võ Duy Nghi tử trận. Còn Tây Sơn mất 20.000 quân, 1.800 tàu chiến, 600 đại bác đủ kích cỡ. Đô đốc Võ Văn Dũng cùng 4.000 quân còn lại tháo chạy lên bờ hợp cùng quân Trần Quang Diệu đang vây thành Quy Nhơn.
Từ sau trận Thị Nại, quân đội Tây Sơn hoàn toàn mất thể chủ động, chỉ có thối lui tới diệt vong một năm sau đó.

Video quy mô khủng khiếp đầm Thị Nại được quay bằng Flycam. Nguồn: Youtube/Duy Ngọc


Hoàng Lê

>> xem thêm

Bình luận(0)