Chiến hạm là phương tiện cơ động và chiến đấu không thể thiếu ở các quốc gia có nhiều sông ngòi, kênh rạch, đầm hồ và vùng biển lớn như nước ta.
Suốt các triều đại lịch sử kể từ khi lập nước, thủy quân và chiến hạm luôn được các vị Vua Đinh, Lý, Trần, Lê... coi trọng phát triển. Mỗi triều đại, chiến hạm luôn có nét riêng phù hợp với yêu cầu dựng nước và giữ nước.
Tuy vậy, chiến hạm triều Tây Sơn được giới sử học đánh giá là tạo bước phát triển nhảy vọt về kỹ thuật quân sự. Thậm chí, dành được vô số sự thừa nhận, khen ngợi từ giới quân sự phương Tây thời điểm đó.
Sửng sốt kinh ngạc chiến hạm “Đại hiệu”
Theo cuốn Lịch sử Kỹ thuật Quân sự (giản yếu) của Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, ngay sau khi quét sạch quân Thanh khỏi bờ cõi, Hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ bắt tay ngay vào việc phát triển thủy quân với dự định không chỉ đối phó quân Thanh mà còn để “đập tan quân Nguyễn Ánh dễ như đập một cành củi khô, một thanh gỗ mục”.
Đặc biệt, khi tàn quân Nguyễn Ánh bắt đầu xin sự trợ giúp từ người Pháp, Bồ Đào Nha thì Nguyễn Huệ thúc đẩy nhanh xây dựng các chiến hạm đủ sức đối phó với công nghệ phương Tây.
Lúc bấy giờ, ở châu Âu, chiến hạm nhiều tầng pháo ra đời, trở thành vũ khí ghê gớm trên biển. Chẳng hạn một chiếc chiến hạm hạng nhất của Pháp có 120 khẩu pháo các loại, tương đương hỏa lực 1/3 tổng số thuyền chiến Đàng Trong ở Phú Xuân.
Lợi thể căn bản của loại tàu này so với tàu chiến phương Đông là nó như một dàn pháo di động trên biển, đảm bảo hỏa lực liên lục không đứt đoạn. Chính vì vậy, với các triều đại phong kiến phương Đông, loại tàu này như một “con ngáo ộp” rất đáng sợ.
Dẫu vậy, vua Quang Trung Nguyễn Huệ kịch liệt công kích thái độ run sợ trước “ngáo ộp” phương Tây. Ông tin rằng nó “không có gì đáng lạ” bởi lẽ quân Tây Sơn rồi sẽ có.
Vì trình độ thợ của nước ta không hề kém, trong xưởng thuyền của Nguyễn Ánh, chỉ sau một lần dỡ tàu Tây ra lắp lại là đã sản xuất hàng loạt chiến hạm tương tự, thậm chí đẹp hơn.
Mà những người thợ đó đều là người Đàng Trong và những xưởng thuyền đào tạo họ đều nằm trong vùng đất Tây Sơn quản lý.
|
Mô hình chiến hạm Định Quốc thời Tây Sơn trưng bày tại bảo tàng ở Bình Định. Nguồn ảnh: Wikipedia |
Tuy nhiên, Nguyễn Huệ không chủ trương rập khuôn máy móc, mà tạo ra những chiến hạm nét riêng. Sách “Hoàng Lê nhất thống chí” có đề cập tới việc vua Quang Trung muốn đóng tàu biển thật lớn, chở được “voi chiến” để dọa nhà Thanh.
Chaigneau, Barizy – các sĩ quan người Pháp hỗ trợ Nguyễn Ánh từng trực tiếp giáp mặt thủy quân Tây Sơn đã phải thừa nhận sự tồn tại ngoài sức tưởng tượng các chiến hạm Tây Sơn trang bị tới 50-60 khẩu đại bác hạng nặng. Chính sử nhà Nguyễn gọi đóa là thuyền “Đại hiệu”.
Trong hồi ký, Chaigneau kể về những chiến hạm đó trong trận Thị Nại 1801 với vẻ kinh ngạc nhất, ông ta từng chỉ huy chiếc tàu kiểu châu Âu lớn nhất trong thủy quân Nguyễn Ánh khi đó nhưng chỉ có 32 khẩu pháo.
Còn Barizy kể lại rằng, thủy quân Tây Sơn khi đó do Nguyễn Quang Toản chỉ huy có ba loại tàu trang bị nhiều pháo: loại lớn nhất có 66 pháo bắn đạn cỡ 24 livres (tức loại đạn có trọng lượng khoảng 12kg) và 700 lính; loại thứ 2 có 50 pháo cỡ 24 livres và 200 lính.
Số pháo, lính trên các chiến hạm Tây Sơn tương đương với các hạng chiến hạm lớn nhất ở châu Âu đương thời. Các tàu chiến này vượt xa loại tàu mà Pháp, Bồ Đào Nha cung cấp cho Nguyễn Ánh (trang bị chỉ đến 42 khẩu pháo).
Ngoài các chiến thuyền “Đại hiệu”, trong thủy quân Tây Sơn còn có các loại thuyền chiến truyền thống với 1-3 khẩu đại bác hạng nặng ở đằng mũi.
Barizy kể lại, trong hạm đội Tây Sơn ở cảng Thị Nại năm 1801 có 93 đại chiến thuyền, mỗi chiếc trang bị một khẩu pháo hạng nặng bắn đạn cỡ 18kg và 150 lính thủy. Như vậy, với các chiến thuyền số lượng pháo ít sẽ bù đắp bằng pháo uy lực mạnh hơn chiến hạm nhiều pháo.
|
Súng đại bác trang bị trên chiến thuyền Tây Sơn. Nguồn ảnh: Wikipedia. |
Bồ Đào Nha, nhà Thanh khiếp sợ, nhưng đáng tiếc…
Có thể nói những cố gắng liên tục của các lãnh tụ phong trào Tây Sơn đã đưa thủy quân Tây Sơn và kỹ thuật quân sự Việt Nam đạt bước nhảy vọt quan trọng cả về số lượng và chất lượng.
Chỉ tiếc rằng, sự ra đi quá sớm của Nguyễn Huệ, sự kế thừa không thành công của Nguyễn Quang Toản đã khiến đại nghiệp nhà Tây Sơn không thành dù sở hữu sức mạnh quân sự được thế giới thừa nhận.
Cuốn Quân thủy Việt Nam trong lịch sử chống ngoại xâm có dẫn giải bức thư của sĩ quan người Pháp La Mothe đề ngày 28/5/1790 rằng: “Chúng tôi được tin chúa Nguyễn được người Bồ Đào Nha ở Áo Môn trợ giúp. Nhưng tôi không giấu rằng, nếu viện trợ đó ít quá, chắc là như vậy, thì rất có thể vua Nam Hà sẽ không chống nổi khí giới, kinh nghiệm và mưu lược cũng như lòng dũng cảm của Tiếm Vương (Nguyễn Huệ)”.
Theo Ngụy Nguyên – nhà bình luận quân sự đời Thanh, quân thủy Tây Sơn cũng là địch thủ đáng gờm của quân Thanh.
Sách Gia Khánh đông – nam Tĩnh hải ký (đời Thanh) có đoạn viết: “Vả chăng thuyền rợ (tức thuyền chiến Tây Sơn) cao to, nhiều súng, có gặp cũng chưa chắc thắng được”.
Nhiều nhà nghiên cứu khẳng định, hải quân Tây Sơn dưới thời Nguyễn Huệ là lực lượng hải quân hùng mạnh vào loại bậc nhất Đông Nam Á đương thời, là biểu hiện của một bước nhảy vọt thực sự trong lịch sử kỹ thuật quân sự nước ta.
Mời độc giả xem video tranh luận chân dung vua Quang Trung Nguyễn Huệ:
Tranh luận chân dung vua Quang Trung Nguyễn Huệ. Nguồn: VTC1