Như mọi người đều biết, các Hoàng đế nhà Thanh rất thích hưởng thụ cuộc sống, mỗi ngày đều thưởng thức cao lương mỹ vị. Chẳng hạn như Hoàng đế Khang Hi và Hoàng đế Càn Long đều không dưới 6 lần du tuần đến vùng Giang Nam. Hoàng đế Khang Hi ít nhiều là vì quan tâm đến bách tính nhưng với Hoàng đế Càn Long, những chuyến đi này gần như là để tận hưởng cuộc sống.
Tuy nhiên, nhà Thanh vẫn còn một vị Hoàng đế khác biệt hơn, đó là Hoàng đế Đạo Quang. Không giống như cuộc sống nhung lụa của ông cha, Hoàng đế Đạo Quang đã hình thành thói quen tiết kiệm ngay từ khi rất bé.
Sau khi đăng cơ, Hoàng đế Đạo Quang vẫn tiếp tục thói quen tiết kiệm đó, không chỉ áp dụng cho bản thân mà còn với những người khác trong cung. Ông ghét ăn uống lãng phí mặc dù Hoàng đế nhà Thanh mỗi bữa ăn thường có 10 đến 20 món ăn khác nhau. Khi vừa lên ngôi Hoàng đế, ông đã thay đổi thành 4 món ăn mỗi bữa, các phi tần hậu cung không được phép ăn thịt trừ khi là vào ngày lễ.
Thậm chí, Hoàng đế còn có thói quen đi ngủ sớm để không phải thắp đèn vào ban đêm, tất cả đều vì mục đích tiết kiệm. Thói quen sinh hoạt của ông khiến phi tần hậu cung rất mệt mỏi, bởi vì không nói đến khoản tiền mua phấn son, ngay cả một bữa ăn no cũng là điều rất xa xỉ với họ.
Vào ngày sinh thần của Hoàng hậu, Hoàng đế Đạo Quang đã vì Hoàng hậu mà tổ chức một buổi yến tiệc. Đại thần và phi tần từ lâu đã rất muốn ăn uống no say nhưng không dám mở lời, chính vì vậy mà họ rất chờ mong yến tiệc sinh thần của Hoàng hậu. Nào ngờ, trái với suy nghĩ, trước mặt họ chỉ là một bát mì. Dù vậy, Hoàng đế Đạo Quang còn đắn đo suy nghĩ khá lâu mới cho phép ngự thiện phòng giết 2 con lợn để làm nên món mì đó.
Cũng là vì mục đích tiết kiệm, Hoàng đế Đạo Quang đã yêu cầu toàn bộ hậu phi phải học may vá để giảm chi phí chỉnh sửa trang phục rách trong cung. Thậm chí Hoàng đế còn thường xuyên mặc chiếc long bào chắp vá lên thượng điện.
Kỳ quặc hơn nữa, Hoàng đế Đạo Quang đã hạ lệnh cho các phi tần phải nuôi gà ở hậu cung.
Các mẩu chuyện về sự tiết kiệm của Hoàng đế Đạo Quang được truyền lại rất nhiều. Chẳng hạn như một lần nọ, ông muốn ăn một bát canh đặc biệt, kết quả là nội vụ phủ đã lập tức trình lên một bản kê: Cần xây dựng một gian bếp chuyên biệt, thuê đầu bếp có tay nghề cao, chi phí cho các viên quan quản lý đầu bếp, chi phí sửa chữa hàng năm, tổng cộng hơn 70.000 lạng bạc.
Vừa nghe xong bảng kê, Hoàng đế liền quyết định không nấu nữa mà cho người đi mua. Không may là nơi bán loại canh này đã nghỉ kinh doanh khá lâu, nếu Hoàng đế muốn ăn thì phải xây dựng bếp nấu. Cuối cùng, Hoàng đế đã không ăn bất kỳ loại canh nào cho đến chết.
Mặc dù Hoàng đế Đạo Quang sống tằn tiện mọi lúc mọi nơi nhưng ông thật sự không có sự quyết đoán và năng lực để làm Hoàng đế, chính vì vậy số tiền ông tiết kiệm không đủ để bù vào khoản thiếu hụt trong cuộc chiến nha phiến, không thể "cứu" triều Thanh khỏi con đường sụp đổ.