Trong suốt chiều dài lịch sử Trung Hoa, vì sự ổn định của hoàng tộc, Hoàng đế sẽ cố gắng thu phục các đại thần có quyền lực nhất bằng cách thành thân với con cháu của họ. Những nữ nhân có thể trở thành Hoàng hậu phải có gia thế cực kỳ nổi bật. Tuy nhiên vẫn có những trường hợp ngoại lệ, chẳng hạn như Hiếu Thục Huệ Hoàng hậu Hỉ Tháp Lạp thị của Hoàng đế Gia Khánh.
Trước đó, Hỉ Tháp Lạp thị chỉ là một gia tộc không mấy hiển hách, từng thuộc tầng lớp Bao y. Tuy nhiên, về sau gia tộc Hỉ Tháp Lạp thị đã có được một số thành tích được Hoàng đế Càn Long đánh giá cao và hạ chỉ cho thoát khỏi thân phận Bao y, trở thành Thượng Tam kỳ.
Lúc đó, Hoàng đế Càn Long thấy Hỉ Tháp Lạp thị thiện lương thục đức, tài sắc vẹn toàn nên đã hứa hôn cho Hoàng thập ngũ tử Vĩnh Diễm. Nàng trở thành Đích phúc tấn cao quý, lúc đó Hỉ Tháp Lạp thị vừa tròn 15 tuổi.
|
Ảnh minh họa. |
Sau khi thành thân vào năm 1774, Hỉ Tháp Lạp thị làm tròn bổn phận của 1 Đích phúc tấn, hai vợ chồng rất hiếm xảy ra xung đột. Có thể nói cuộc hôn nhân giữa Hoàng thập ngũ tử Vĩnh Diễm và Hỉ Tháp Lạp thị không phải là cuộc hôn nhân chính trị mà thật sự là một tấm chân tình, Vĩnh Diễm luôn dành thời gian bên cạnh nàng. Họ có với nhau 3 người con nhưng con gái đầu đã chết yểu.
Năm 1796, Hoàng đế Càn Long nhường ngôi cho Vĩnh Diễm, lên làm Thái thượng hoàng. Khi Vĩnh Diễm lên ngôi (tức Hoàng đế Gia Khánh), Hỉ Tháp Lạp thị được sách lập Hoàng hậu.
Tuy nhiên, nàng không tại vị quá lâu. Năm 1797, Hỉ Tháp Lạp thị qua đời, hưởng dương 36 tuổi. Vào thời điểm này, sức khỏe của Hỉ Tháp Lạp thị đã không ổn, nhưng nàng không muốn Hoàng đế quá lo lắng, tự mình quán xuyến mọi việc ở hậu cung mới khiến bệnh tình chuyển biến xấu đi.
Năm 1821, Hoàng đế Gia Khánh băng hà, thái tử Miên Ninh (con trai của Hỉ Tháp Lạp thị) nối ngôi, tức Thanh Tuyên Tông Hoàng đế Đạo Quang. Sau khi lên ngôi, Hoàng đế Đạo Quang đã tiến hành làm lễ truy thụy hiệu cho sinh mẫu là Hiếu Thục Đoan Hòa Nhân Trang Từ Ý Quang Thiên Hữu Thánh Duệ hoàng hậu.