Bị bao vây không còn đường thoát thân, Nguyễn Hữu Cầu cho buộc giẻ tẩm nhựa thông vào đuôi trâu và châm lửa đốt. Đàn trâu lửa điên cuồng lao thẳng vào hàng ngũ quân Trịnh, húc và dẫm đạp dữ dội làm rối loạn đối phương. Lợi dụng thời cơ, Nguyễn Hữu Cầu tung quân chủ lực ra đánh khiến quân Trịnh tan vỡ.
Trong chiến công đại phá quân Thanh năm 1789, vua Quang Trung đã buộc đại bác lên lưng voi, xông thẳng vào đoàn ngựa chiến của Hứa Thế Hanh khiến kỵ binh nhà Thanh hoảng sợ, quay lại giẫm đạp lên chính quân mình.
Đó là những cách đánh độc đáo, ly kỳ của người Việt trong lịch sử từng khiến kẻ thù kinh hồn bạt vía.
"Khuyển quân" giết giặc
Chó săn giết giặc là đội quân độc đáo của tướng Nguyễn Xí trong khởi nghĩa Lam Sơn. Có biệt tài huấn luyện chó, Nguyễn Xí đã rèn luyện được đội "khuyển quân" lên đến cả trăm con. Chúng nhất nhất nghe theo hiệu lệnh của chủ.
Sách Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn chép rằng: "Vua sai Nguyễn Xí nuôi đàn chó săn gồm hơn 100 con. Sớm chiều chia cơm cho chó ăn, ông đều dùng chuông làm hiệu. Bầy chó theo sự điều khiển của ông, tiến thoái răm rắp".
Trong khởi nghĩa Lam Sơn, đàn chó của Nguyễn Xí trở thành "đội quân đặc biệt". Do được huấn luyện kỹ, điều khiển bằng tiếng nhạc nên từ ăn, ngủ, tấn công, chúng đều theo hiệu lệnh.
Những lúc bị vây hãm, hết lương thực, đàn chó được lệnh đi săn thú, bắt chim về làm thức ăn cho nghĩa quân. Khi xung trận, Nguyễn Xí điều khiển bầy chó lăn xả vào cắn xé làm quân giặc rất hoảng sợ. Tướng giặc là Mã Kỳ, mỗi khi nghe đến "đội quân khuyển", là kinh hãi.
Trong 10 năm kháng chiến gian khổ, Nguyễn Xí cùng đàn chó của mình tham gia nhiều trận đánh quan trọng như cuộc vây hãm thành Đông Quan, hạ thành Xương Giang, tiêu diệt và bắt sống gần 100.000 quân Minh sang tăng viện năm Đinh Mùi (1427)…
Bồ câu đưa thư
"Đội quân bồ câu" do danh tướng Nguyễn Chích và vợ Nguyễn Thị Bành huấn luyện, được dùng trong khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo. Nhờ đội quân này, nhiều thông tin quân sự đã được chuyển tiếp kịp thời tới các tướng lĩnh.
Ngoài ra, nhiều lần nghĩa quân Lam Sơn bị vây khốn, đội quân bồ câu kịp thời báo tin cho các thủ lĩnh ứng cứu lẫn nhau.
Đến nay, người dân ở vùng đất xứ Thanh Nghệ vẫn lưu truyền bài thơ ca ngợi "đội quân chim bồ câu" của tướng Nguyễn Chích: "Bồ câu bồ các / Nó hát cúc cù / Cu đi Quan Du / Cu về Bù Rộc / Thư này hỏa tốc / Phải đợi cu về / Ăn gạo vua Lê / Đậu vai ông Chích / Cu là cu thích / Lại hát cúc cù".
Trâu lửa phá vòng vây kẻ thù
Trận đánh trâu lửa lớn nhất được sử sách ghi chép là khi Nguyễn Hữu Cầu phá vòng vây của quân chúa Trịnh ở Đồ Sơn (Hải Phòng).
Bấy giờ, quân Trịnh tin chắc sẽ bắt được ông, bắc loa dụ hàng. Bị bao vây ráo riết, Nguyễn Hữu Cầu huy động toàn bộ số trâu của nông dân trong vùng, cho buộc những mũi lao nhọn vào sừng và hai bên sườn từng con trâu, đuôi trâu được buộc giẻ tẩm nhựa thông và châm lửa đốt đồng loạt.
Bị nóng, đàn trâu lửa điên cuồng lao thẳng vào hàng ngũ quân Trịnh, húc và dẫm đạp dữ dội làm rối loạn đối phương. Lợi dụng thời cơ, Nguyễn Hữu Cầu tung quân chủ lực ra đánh khiến quân Trịnh tan vỡ.
Mèo lửa lập công
Sau nhiều năm giao tranh quyết liệt, đến năm 1763, quân Trịnh cũng đẩy được đội quân của Lê Duy Mật cố thủ ở vùng Trấn Ninh (Nghệ An). Chúa Trịnh Doanh quyết định mang quân vào "sống mái" với Duy Mật.
Để vượt qua hệ thống phòng thủ hiểm yếu của Lê Duy Mật, một tiểu tướng của quân Trịnh tên Phạm Sinh có sáng kiến dùng mèo làm kế hỏa công. Quân Trịnh đi thu bắt ở các làng bản quanh vùng được hàng trăm con mèo, dùng dầu thông, dầu trẩu tẩm đốt lửa, lại đánh trống.
Quân sĩ hò reo làm mèo sợ hãi chạy về phía đồn lũy của đối phương, khiến cho cây cối bốc cháy, rào chắn, đồn lũy bằng tre bị thiêu rụi. Bị tấn công bất ngờ, trước chiến thuật không thể lường trước, quân Lê Duy Mật hoàn toàn tan rã.
Sau chiến thắng trở về, xét công ban thưởng, Phạm Sinh được phong làm Phấn dũng tướng quân, tước Quận công, vì vậy dân gian gọi ông với biệt danh là "Quận Mèo".
Tượng binh đi cùng sử Việt
Ở Việt Nam, voi chiến được sử dụng từ rất sớm. Hai Bà Trưng cưỡi voi ra trận, Bà Triệu cũng cưỡi voi đốc chiến. Tuy nhiên, người tạo ra được đội quân voi đông đảo nhất chính là nữ tướng Bùi Thị Xuân của nhà Tây Sơn.
Theo sử sách, đội tượng binh của bà lên tới cả trăm con. Dưới sự chỉ huy của Bùi nữ tướng, đội tượng binh được huấn luyện bài bản và quy củ, nhất nhất tuân theo mệnh lệnh chỉ huy của bà. Đội quân này từng vào Nam ra Bắc, khiến quân Xiêm hay Thanh kinh hồn khiếp vía.
Sách Nhà Tây Sơn cho biết cuộc tiến công vào đồn Ngọc Hồi của quân Tây Sơn vào sáng mùng 5 Tết Kỷ Dậu 1789 được bắt đầu bằng 100 voi chiến. Là người có đầu óc cải tiến táo bạo, lần đầu tiên, Nguyễn Huệ bố trí đại bác trên lưng voi, chẳng khác gì xe tăng hiện đại.
Vừa trông thấy đàn voi, ngựa quân Thanh đã "sợ hãi, hí lên, lồng lộn quay về, chà đạp lẫn nhau. Chưa đánh, đội kỵ binh thiện chiến của địch đã rối loạn đội hình". Quân Tây Sơn thừa thắng thúc voi đuổi theo. Quân địch càng hoảng sợ, tất cả rút lui, cố thủ.
Rắn độc khiến quân thù khiếp đảm
Dương Thiên hộ vốn là hào phú ở Lục tỉnh Nam Kỳ, có công chiêu mộ được 1.000 quân đồn điền nên được triều Nguyễn phong cho chức Thiên hộ.
Vốn là người có tài văn võ, ông có sức mạnh phi thường: Một tay có thể nhổ cây tre mỡ. Khi thực dân pháp xâm chiếm ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ, ông chiêu mộ nghĩa quân lập căn cứ kháng chiến ở Đồng Tháp Mười.
Theo sách "Nam Kỳ lục tỉnh", ông từng huấn luyện được một đội quân rắn độc đông đảo, ban đêm được thả ra để cắn chết nhiều tên lính Pháp xâm lược.
Quân Pháp nhiều lần đánh thắng được nghĩa quân của Võ Duy Dương nhưng khi chúng bao vây căn cứ Đồi Cát của nghĩa quân thì ban đêm thường xuyên bị rắn độc cắt chết.
Hoảng sợ, binh lính Pháp phải rút luôn về Cao Lãnh. Quân ta trở lại đóng tại Doi Đồn như cũ.