Đội tượng binh có sức mạnh khủng khiếp nhất sử Việt

Google News

Trong lịch sử quân sự nước Việt, đã có rất nhiều loài động vật được sử dụng trong chiến đấu để tăng thêm sức mạnh tấn công cho quân đội.

Voi chiến trong buổi đầu chống giặc ngoại xâm

Trong buổi đầu của lịch sử của nước ta, voi chiến chưa thực sự được sử dụng như một đội quân trong đội hình chiến đấu của quân đội nhà nước. Thời kì này, các nhà cầm quân mới khai thác lợi thế về hình tướng, cũng như sức mạnh biểu trưng của loài voi để giúp xây dựng thanh danh và tinh thần chiến đấu của quân đội.

Vào thời kì chống quân Nam Hán, hình ảnh hai vị nữ tướng Trưng Trắc – Trưng Nhị xung trân trên mình voi đã gắn chặt với tinh thần dũng mãnh của phụ nữ Việt. Sự to lớn và sức mạnh của voi góp một phần rất lớn tạo ra phong thái dũng mãnh và khí thế mạnh mẽ cho người cầm quân. Khí thế này có ảnh hưởng quyết định đến toàn bộ binh sĩ trước giờ xung trận.

Doi tuong binh co suc manh khung khiep nhat su Viet

Hình ảnh hai vị nữ tướng Trưng Trắc – Trưng Nhị xung trân trên mình voi đã gắn chặt với tinh thần dũng mãnh của phụ nữ Việt.

Nữ tướng Trưng Trắc đã nhìn thấy được sự trọng yếu của sức ảnh hưởng này. Bà đã từ chối mặc tang phục (trong thời kì phải để tang chồng là Thi Sách), cùng với em gái xuất hiện trước binh sĩ vào ngày xuất quân với một tướng mạo tươi tỉnh trong giáp phục lộng lẫy. Kết hợp với sự uy nghiêm và oai hùng của voi chiến, hình ảnh của Hai Bà Trưng đã truyền cho binh sĩ và nhân dân tinh thần chiến đấu tuyệt vời.

Một vị nữ tướng khác của Việt Nam cũng chọn voi để phò giúp bà trong cuộc chinh chiến gươm đao là Bà Triệu, vị nữ tướng đã dẫn dắt nhân dân chống lại Quân Ngô xâm lược. Hình ảnh của bà trong lòng nhân dân không tách rời khỏi hình ảnh voi chiến oai hùng. Trong ghi chép của lịch sử, Bà Triệu đã thuần hóa được voi trắng một ngà hoang dã và huấn luyện nó trở thành một chiến binh. Từ đó, voi trắng đã luôn ở bên cạnh bà, trở thành người bạn chiến đấu trung thành. Voi trắng trong dân gian vốn luôn được nhắc đến là biểu tượng của sự may mắn, bình an. Thêm vào đó, ở thời điểm bà Triệu thuần hóa được chú voi một ngà đặc biệt, nhân dân còn lưu truyền câu chuyện về bài ca dao phát ra từ lòng núi, nói về một nữ tướng sẽ làm nên cơ đồ trên lưng voi:

“Có bà Triệu tướng,

Vâng lệnh trời ta.

Trị voi một ngà,

Dựng cờ mở nước.

Lệnh truyền sau trước,

Theo gót bà Vương.”

Những yếu tố ly kỳ liên quan đến việc Bà Triệu có thể thuần phục được Voi lạ đã giúp thu phục được thêm rất nhiều người tin tưởng vào tài năng và bản lĩnh chiến đấu của một người phụ nữ để rồi tự nguyện ra nhập quân đội của Bà. Điều này đã khắc họa rõ nét giá trị biểu tượng thu phục lòng người của voi trắng nói riêng và voi chiến nói chung trong giai đoạn đầu của lịch sử dân tộc.

Doi tuong binh co suc manh khung khiep nhat su Viet-Hinh-2

 

Trong văn hóa dân gian còn lưu truyền lại rất nhiều câu ca, hình ảnh về Bà Triệu trên lưng voi với một niềm tự hào rất lớn.

“Trông bành voi, Ngô cũng lắc đầu, sợ uy Lệ Hải Bà Vương, những muốn bon chân về Bắc quốc

Ngồi yên ngựa khách đi hoài cổ, tưởng sự Lạc Hồng nữ tướng, có chăng thẹn mặt đấng nam nhi”

Không chỉ có vậy, nhân dân ta còn tái hiện chân dung của Bà Triệu oai nghiêm trên lưng voi trắng trong dòng tranh Đông Hồ giàu tính biểu tượng. Tất cả những di sản này đã minh chứng cho sự kính trọng dành cho các vị nữ tướng cũng như sự mến mộ rất lớn của nhân dân với loài voi – người bạn chiến đấu oai hùng.

Nghệ thuật dùng voi chiến ngày càng được hoàn thiện theo dòng lịch sử

Trong những giai đoạn lịch sử tiếp theo, các tướng quân vẫn luôn nhìn thấy được tiềm năng của voi trong chiến đấu. Nhưng chỉ cho tới thời kì vua Quang Trung – Nguyễn Huệ lãnh đạo quân Tây Sơn đánh chúa Nguyễn, dẹp quân xâm lược nhà Thanh, voi chiến mới thực sự trở thành những chiến binh hùng mạnh trong quân đội nước Nam. Đó cũng là lần đầu tiên voi chiến được xây dựng và huấn luyện như một đội quân thật sự.

Doi tuong binh co suc manh khung khiep nhat su Viet-Hinh-3

 

Quân Tây Sơn sở hữu một binh đoàn voi chiến lên tới trăm con, tất cả được huấn luyện kĩ càng. Các chú voi lần này được sử dụng như những chiến binh, cùng chiến đấu với các quân sĩ khác. Trong những trận đánh lớn, sức mạnh của tượng binh đã được kết hợp khéo léo với sự tinh nhuệ của bộ binh để công phá những muc tiêu cố định, đặc biệt là các đồn kiên cố. Hơn thế nữa, vua Quang Trung đã cho đặt súng thần cơ lên lưng voi khi chiến đấu, biến những chú voi chiến trở thành những cỗ xe tăng sống trên chiến trường.

Sức công phá và tính sát thương của súng thần công nhờ thế mà tăng lên gấp nhiều lần. Sự kết hợp độc đáo giữa tượng binh và pháo binh của quân đội Việt đã khiến cho giặc Thanh kinh hoàng tháo chạy. Đội tượng binh đã được phát huy tối đa sở trường trong những chiến dịch này.

Song để có được một đội tượng binh có khả năng chiến đấu linh hoạt như vậy, công đầu thuộc về một vị nữ tướng khác vô cùng tài năng của đất Việt, nữ tướng Bùi Thị Xuân, vị tướng quản tượng của quân đội Tây Sơn. Bà chính là người chỉ huy việc huấn luyện và chăm sóc các chiến binh voi trước khi lâm trận.

Cách mà bà Bùi Thị Xuân chăm sóc cho binh đội của mình khiến người đời sau cảm thấy bà như một bà mẹ vô cùng nghiêm khắc nhưng cũng vô cùng nhân hậu. Để tạo thói quen chiến đấu trong những môi trường khắc nghiệt nhất cho những chú voi của mình, bà đã biến trường luyện voi thành mô hình thu nhỏ của chiến trường. Trường ấy được sắp xếp như trận địa, trang bị hình nộm rơm để minh họa cho quân địch, các binh lính la hét, gõ chiêng trống hệt như nơi chiến trường thực sự.

Để những chú voi có thể hiểu được những mệnh lệnh và phối hợp tốt với các tướng sĩ, bà Bùi Thị Xuân đã cho voi luyện tập với cờ lệnh để nhận biết được cần di chuyển và phối hợp như thế nào khi tham chiến. Bên cạnh sự nghiêm khắc ấy, bà cùng những quản tượng khác chăm sóc những chú voi rất cẩn thận, tắm, cho chúng ăn, chơi đùa với chúng để nuôi dưỡng sự gắn kết với những chiến binh động vật này.

Doi tuong binh co suc manh khung khiep nhat su Viet-Hinh-4

 

Người bạn hiền lành thủy chung

Xuyên suốt dòng lịch sử dân tộc, chúng ta có thể thấy được sự liên kết mật thiết của loài voi với người dân Việt. Trong hòa bình, voi sống giữa người dân như một người phụ tá, giúp dân kéo gỗ, thồ người, giúp người ta tiết kiệm được rất nhiều sức lực. Sự hiền lành và thông minh của loài voi đã chinh phục người dân Việt và cả hai đã chung sống thuận hòa.

Đến lúc binh lửa, voi trở thành chiến binh, cùng người Việt chống lại quân xâm lược. Theo lịch sử ghi nhận, tượng binh không phải là một thế mạnh của Trung Hoa. Nói cách khác, quân đội Trung Hoa không hề nghĩ tới việc vận dụng sức mạnh tiềm ẩn của loài vật hiền lành này. Chính vì vậy, trong rất nhiều trận chiến quan trọng, tượng binh, đội quân voi chiến dũng mạnh của dân tộc Việt đã phát huy được tác dụng, khiến quân ngoại xâm thất thần bỏ chạy, góp một phần quan trọng trong chiến thắng của quân đội Việt.

Trong các trận chiến có voi chiến tham dự, dù thắng hay thua, người dân Việt vẫn luôn dành những tình cảm đẹp, sự ngưỡng mộ, lòng biết ơn của mình đối với người bạn động vật này. Tấm lòng ấy thể hiện trong những câu ca, những bức vẽ chân thật lưu truyền lại đến ngày nay.

Theo Minh Vũ/Tri Thức

>> xem thêm

Bình luận(0)