Sau khi đem quân Tây Sơn từ miền Nam kéo ra Bắc mới được có mấy ngày mà Bắc Bình vương Nguyễn Huệ đã lật đổ cơ đồ mấy trăm năm của họ Trịnh. Chiến công của ông chói lọi, uy thế của ông lẫy lừng. Nói như một cung nhân ở Tràng An thời đó (trong sách Hoàng Lê Nhất Thống Chí) là ai thấy cũng phải khiếp sợ. Chỉ cần ông đưa mắt trỏ tay là mọi người phải kinh hoàng. Bọn quan lại nhà Lê tất nhiên càng thấy hoảng hồn hơn. Vì thế mà đã có không ít kẻ đã bỏ trốn. Triều đình xơ xác, chẳng mấy người còn khí thế như xưa.
Tuy vậy nhưng Nguyễn Huệ vẫn dành riêng cho nhà Lê một cảm tình đặc biệt. Ông tuyên bố phò Lê diệt Trịnh, vì vậy nên công ơn Lê Lợi khởi nghĩa Lam Sơn, giành độc lập tự do cho dân tộc vẫn phải được trân trọng ngàn đời. Nguyễn Huệ đã giữ đúng chủ trương ấy. Đuổi được họ Trịnh rồi, ông yêu cầu lấy lễ vào yết kiến vua Lê lúc bấy giờ là Lê Hiển Tông.
Lễ đón tiếp của triều đình nhà Lê dành cho Nguyễn Huệ và nghĩa quân Tây Sơn được tổ chức ngay giữa sân rồng tại hoàng thành Thăng Long. Các quan đại thần trong triều đình khi đó còn lại lèo tèo mươi lăm người và tất thảy đều len lét đứng nhìn vị anh hùng chiến thắng mà thấp thỏm phập phồng.
Nguyễn Huệ với tư thế oai phong từ ngoài bước vào, mặc nhung phục (quần áo ra trận), bên hông giắt thanh bảo kiếm. Một số tướng tả hữu đi theo ông. Các quan chức tướng tá nhà Lê cúi rạp xuống chào, có người không dám ngẩng đầu lên. Bỗng một người đứng đầu đội quân thị vệ ngang nhiên đứng ra trước mặt Nguyễn Huệ, cản bước đi của ông, vòng tay cung kính nói:
- Dám thưa tướng quân, theo phép nước, khi lên điện chầu vua, không được phép mang gươm. Xin tướng quân cởi kiếm cho!
Nguyễn Huệ bị cản đường nên dừng lại một giây và trừng mắt nhìn người vừa nói. Mọi người đứng xung quanh khi ấy đều tái xanh mặt, vì sợ một cơn thịnh nộ sẽ nổi lên. Nhưng viên tướng thị vệ vẫn giữ thái độ điềm nhiên, kiên quyết không hề thay đổi sắc mặt. Một phút im lặng hãi hùng trôi qua, những viên tướng Tây Sơn đi theo Nguyễn Huệ bước dấn lên và tất cả đều một loạt cầm tay vào chuôi gươm lăm lăm chờ lệnh của nguyên soái là tuốt ra khỏi vỏ.
Nguyễn Huệ nhìn quanh một lúc rồi... lặng lẽ tháo gươm đưa cho người hầu cận của mình. Ông cũng giơ tay ra hiệu cho tả hữu đều bỏ khí giới ra một lượt. Viên tướng thị vệ kia cúi rạp xuống chào ông một lần nữa rồi cùng quân sĩ lui ra, cho phái đoàn quân Tây Sơn bước vào.
Sau này, khi kết hôn với Ngọc Hân công chúa, Nguyễn Huệ thường trò chuyện với vợ, có khi bình luận về các nhân vật Bắc Hà. Ngoài một vị quan tướng có vị trí cao trong triều là Trần Công Sán được ông tỏ ý kính trọng, Nguyễn Huệ còn nhắc đến viên tướng chỉ huy đội thị vệ đã cản bước hôm ông vào yết kiến nhà vua. Về sau, chính Ngọc Hân công chúa đã cho chồng biết về lai lịch của viên tướng ấy là Phương Đình Pháp, người ở Quán La, ngay sát kinh thành Thăng Long.
Lời bàn:
Giữa cảnh đất nước hoang tàn vì chiến tranh liên miên và triều đình thì đổ nát, vua thì nhu nhược như thế mà vẫn còn có một viên tướng nhỏ biết tự trọng, giữ gìn thể diện quốc gia, sẵn sàng bắt cả người chiến thắng phải tuân theo phép tắc, luật lệ trong cung vua thì thật là đáng trọng. Trong triều đình nhà Lê khi đó, người có bản lĩnh, biết trọng pháp luật chắc duy nhất chỉ còn lại một mình Phương Đình Pháp. Và điều đáng kính trọng hơn là khi đó Nguyễn Huệ nếu có rút gươm chém chết Phương Đình Pháp thì trong triều đình chắc chắn không một ai dám đứng ra ngăn cản và thậm chí khi đó uy phong của ông lại được tăng lên. Tuy nhiên, Nguyễn Huệ đã không làm điều đó, vì ông không những là một vị tướng đại tài, mà còn là người hiểu rõ “Quốc có quốc pháp, gia có gia quy”.
Ở đâu và thời nào cũng vậy, ở mỗi quốc gia đều có luật pháp riêng, trong mỗi cơ quan, tổ chức lại có nội quy, quy chế, điều lệ mà mọi người phải tuân theo. Tiếc rằng hậu thế thời nay ít người có được đức tính khiêm tốn, trọng lễ nghĩa và pháp luật đến như vậy. Lại có người còn không biết đến người trên, kẻ dưới là ai. Thậm chí có người còn “Trước thầy sau tớ”,... thật đáng buồn thay.