Các vua Hùng trị vì bao nhiêu năm?
Một
bí ẩn lớn trong lịch sử Việt Nam liên quan đến 18 đời vua Hùng. Theo
Đại Việt Sử ký Toàn thư, triều đại các vua Hùng ở Việt Nam bắt đầu khi vua Kinh Dương Vương lên ngôi năm Nhâm Tuất (2879 trước Công nguyên). Triều đại này kéo dài đến năm Quý Mão (258 trước Công nguyên) thì kết thúc với 18 đời vua Hùng nối nhau trị vì trong 2.622 năm. Tính trung bình, mỗi thời vua Hùng Vương trị vì hơn 145 năm. Con số này khiến nhiều người hoài nghi.
Trong cuốn Việt Sử tiêu án viết năm 1775, tác giả Ngô Thì Sĩ tỏ ra băn khoăn: "Người ta không phải là vàng đá, sao lại sống lâu được như thế? Điều ấy càng không thể hiểu được?".
Tương tự, trong cuốn Việt Nam sử lược, nhà sử học Trần Trọng Kim cũng cho rằng, cứ tính hơn bù kém, mỗi vua Hùng trị vì được gần 150 năm. Dẫu là người đời thượng cổ nữa cũng khó lòng có nhiều người sống thọ đến như vậy.
Trong cuốn Thế thứ các triều vua Việt Nam, tác giả Nguyễn Khắc Thuần viết: "18 đời nối nhau trị vì 2.622 năm là những con số rất khó thuyết phục người đọc. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng với người Việt, số 9 là số thiêng, các bội số của số 9 (như 18, 36, 72, 99) cũng là những số thiêng tương tự. Cho nên, con số 18 đời Hùng Vương mà Hùng triều ngọc phả nói tới cũng chỉ là ước lệ, biểu tượng của một ý niệm thiêng liêng nào đó".
Từ đây, một số nhà sử học đưa ra quan điểm 18 đời Vua Hùng có thể không phải 18 vị vua cụ thể, đó có thể là 18 nhành chi. Bản Ngọc phả Hùng Vương được soạn năm 980 dưới triều vua Lê Đại Hành có ghi chép không phải 18 đời Vua Hùng mà là 18 nhành/ngành với tổng cộng 180 đời vua. Tân đính Lĩnh Nam chích quái thời Hậu Lê cũng viết là 18 ngành vua Hùng, không phải 18 vị vua.
Đến nay, giới sử học có nhiều quan điểm khác nhau về thời đại các vua Hùng. Do vậy, sự thật về 18 đời Vua Hùng đến nay vẫn còn là bí ẩn lớn trong lịch sử Việt Nam cần giới khoa học nghiên cứu thêm để tìm ra lời giải chính xác nhất.
Cuộc đời bí ẩn của công chúa An Tư
Công chúa An Tư nổi tiếng của nhà Trần được hậu thế nhớ đến là người xả thân vì nước để cản bước tiến của giặc bằng cách kết hôn với Thoát Hoan - con trai Hốt Tất Liệt, tạo điều kiện cho nhà Trần có thời gian chuẩn bị kháng chiến chống quân Nguyên. Tuy nhiên, đến nay, cuộc đời của công chúa An Tư vẫn còn nhiều điều
bí ẩn chưa được làm sáng tỏ.
Đại Việt sử ký toàn thư chỉ ghi ngắn gọn về nàng công chúa này như sau: "Vua Trần sai người đưa công chúa An Tư đến cho Thoát Hoan là có ý làm giảm bớt tai họa cho nước vậy".
Cuộc “hôn phối chính trị” của công chúa An Tư đã góp công lớn trong việc thay đổi cục diện chiến tranh. Từ đây, quân Trần có thời gian chuẩn bị cho cuộc chiến đấu lâu dài, từng bước thay đổi cục diện để giành lấy thắng lợi cuối cùng.
Sau khi kết hôn với Thoát Hoan, công chúa An Tư có cuộc sống thế nào? Bà thọ bao nhiêu tuổi? Những năm cuối đời của bà như thế nào?... Đó là những câu hỏi mà giới nghiên cứu đi tìm lời giải suốt nhiều năm.
Liên quan đến nàng công chúa bí ẩn này, sách An Nam chí lược của Lê Tắc, một thuộc hạ của Trần Ích Tắc và Trần Kiện theo chủ chạy sang nhà Nguyên, sống lưu vong, chép rằng: "Trước Thái tử (Thoát Hoan) lấy người con gái nhà Trần sinh được hai con...". Từ đây, nhiều người đặt ra câu hỏi người con gái họ Trần được nhắc đến có phải là công chúa An Tư?.
Thêm nữa, sau chiến thắng trước quân Nguyên, các vua Trần làm lễ tế cáo tại lăng miếu, khen thưởng các công thần, truy phong tướng lĩnh mà không hề nhắc đến công chúa An Tư. Do vậy, số phận công chúa An Tư sau khi gả cho Thác Hoan trở thành bí ẩn lớn mà đến nay giới nghiên cứu chưa tìm ra lời giải.
Bí ẩn thủ phạm gây ra cái chết của Đinh Tiên Hoàng
Đinh Tiên Hoàng (tên thật Đinh Bộ Lĩnh) sinh ngày rằm tháng 2 năm Giáp Thân (tức ngày 22/3/924). Ông là con của Thứ sử Đinh Công Trứ tại thôn Kim Lư, làng Đại Hữu, châu Đại Hoàng, nay là thôn Vân Bồng, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Đinh Bộ Lĩnh nổi tiếng lịch sử Việt Nam khi dẹp loạn 12 sứ quân. Nhờ vậy, tình trạng cát cứ chấm dứt và đất nước trở lại bình yên, thống nhất. Vào năm 968, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, đóng đô tại Hoa Lư.
Năm Kỷ Mão 979, Đinh Tiên Hoàng bị giết hại khi đang ngủ. Theo đó, ông ở ngôi được 12 năm. Cái chết của ông trở thành bí ẩn lớn khi đến nay hung thủ vẫn chưa được làm rõ. Nhiều giả thuyết được đưa ra, trong đó, đáng chú ý là quan điểm cho rằng, Đỗ Thích chính là người gây ra cái chết của Đinh Tiên Hoàng.
Theo giả thuyết này, vào tháng 11 năm Kỷ Mão 979 (có tài liệu ghi tháng 10), đêm ấy, vua Đinh Tiên Hoàng ngự tiệc ở điện với quần thần, uống rượu say quá, nằm ngủ luôn tại bậc thềm của sân điện. Phúc Hầu Hoằng là Đỗ Thích có dã tâm từ trước, ra tay giết vua và Đinh Liễn.
Dân gian kể rằng trước đây, Đỗ Thích làm chức lại ở Đồng Quan. Vào một buổi đêm, Đỗ Thích nằm trên cầu thấy sao rơi vào mồm nên cho rằng đó là điềm lành được làm vua nên mới manh tâm phản loạn.
Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu cho rằng Đỗ Thích không phải là thủ phạm giết vua Đinh Tiên Hoàng để giành ngôi báu. Bởi lẽ, y chỉ là viên hoạn quan, chức nhỏ, sức mọn, không hề có uy tín hay vây cánh.
Thêm nữa, triều đình có vô số người giỏi, nắm trọng quyền. Đỗ Thích khó có thể khuất phục được các đại thần nhà Đinh để có thể đăng cơ lên ngôi vua sau khi Đinh Tiên Hoàng qua đời. Cuộc tranh luận của các nhà sử học về thủ phạm giết Đinh Tiên Hoàng đến nay vẫn chưa đi đến hồi kết. Công chúng hy vọng giới nghiên cứu sẽ sớm giải mã thành công bí ẩn về cái chết của vị vua nổi tiếng sử Việt này.
Mời độc giả xem video: Mãn nhãn với chương trình nghệ thuật, bắn pháo hoa tại lễ hội Đền Hùng 2021. Nguồn: Lao động TV.