Diễn biến của ngày 30/4 lịch sử lần lượt được tái hiện sinh động trong cuốn hồi ký Những năm tháng quyết định của Đại tướng Hoàng Văn Thái (NXB QĐND, 2001).
Sách đề cập từ cuộc họp của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đầu giờ sáng, cho đến diễn biến lúc 10h, khi Trưởng phòng 70 thuộc Cục Tình báo Nguyễn Thanh chạy vào thông báo Đài Phát thanh Nhật Bản (NHK) loan tin quân giải phóng có xe tăng dẫn đầu đang tiến vào Sài Gòn.
Kiểm tra giọng nói của Dương Văn Minh
Cũng theo bản tin nhanh của Đài Phát thanh NHK, cùng tin xe tăng của Quân Giải phóng đang tiến vào Sài Gòn là tin tướng Dương Văn Minh lên tiếng đề nghị ngừng bắn để thương lượng”.
Phó Tổng tham mưu trưởng Cao Văn Khánh gửi ngay bức điện cho chiến trường, lệnh cho các cánh quân tiếp tục đẩy nhanh nhịp độ tiến công.
10h50, Cục Tình báo báo cáo Tổng hành dinh: “Quân ta đã vào dinh Tổng thống ngụy”.
|
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các tướng lĩnh và sĩ quan tại Tổng hành dinh sau khi hay tin giải phóng Sài Gòn trưa 30/4/1975. Ảnh tư liệu. |
Cục phó Cục 2 tất tưởi đi như chạy, báo cáo Phó Tổng tham mưu trưởng Cao Văn Khánh và Vương Thừa Vũ: “Ta đã giải phóng Sài Gòn, Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng”. Ông vừa nói vừa giơ cao chiếc băng ghi âm mà Cục Tình báo vừa ghi âm.
Các thành viên trong Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương vui mừng, có người không cầm được nước mắt.
Tướng Cao Văn Khánh yêu cầu: “Anh Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) chỉ thị phải đem băng ghi âm giọng nói của Dương Văn Minh hôm nay đối chiếu giọng khi Dương Văn Minh tuyên bố nhậm chức hồi 17h ngày 28/4/1975 xem có giống nhau không”.
Tướng Hoàng Văn Thái viết tiếp về diễn biến hân hoan đón nhận tin chiến thắng: "Hành lang phòng họp của Quân uỷ bỗng trở nên chật hẹp hẳn lại. Không biết từ lúc nào, các anh trong Bộ Chính trị và chúng tôi đã từ phòng họp ra cả hành lang".
"Anh Khánh, một số cán bộ các cục và Văn phòng, trực ban tác chiến, tổ cơ yếu thường trực, mấy chiến sĩ công vụ, vệ binh, tất cả chỉ trong chốc lát bỗng nhiên hình thành một cuộc mít tinh. Già, trẻ, thường phục, quân phục, cấp trên, cấp dưới, mọi người đều hân hoan, xúc động. Các anh trong Bộ Chính trị cười nói rất vui", trích hồi ký "Những năm tháng quyết định".
Đồng chí trực ban tác chiến được phép thông báo tin chiến thắng đến các tổng cục, các cục. Trước đó, ít nhiều cán bộ, chiến sĩ trong cơ quan Bộ Tổng tư lệnh đã biết. Vậy mà khi tiếng loa chính thức báo tin vừa dứt, nơi nơi vang lên tiếng vỗ tay reo hò.
Đâu đó có tiếng pháo nổ vang. Một không khí phấn khởi, náo nhiệt bao trùm cơ quan Tổng hành dinh.
Tin chiến thắng cũng được thông báo cho Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam và cơ quan thông tin Hà Nội.
Một đồng chí cán bộ vừa đi từ Bờ Hồ qua ngã tư Cửa Nam về, kể lại: Tiếng loa trên các đường phố vang lên báo "tin đặc biệt".
Dòng người, dòng xe đạp đang chuyển động trên các ngả đường bỗng chậm hẳn lại. Người người lắng nghe và cuối cùng, tiếng reo hò vang lên.
Một sự kiện bao năm chờ đợi, nay đã đến. Từ các nhà, các dãy phố, người ta đổ ra đường. Quanh Bờ Hồ, dưới các loa phóng thanh, người chật ních. Ai cũng muốn nghe tiếng phát thanh viên đọc đi, đọc lại tin chiến thắng mới nhận được. Nét mặt mọi người hân hoan, rạng rỡ.
|
Cuốn sách Tướng Cao Văn Khánh - Hồi ức lịch, sử do chính con gái ông biên soạn. |
Quân đội không nổ pháo ăn mừng trước
Cuốn sách "Tướng Cao Văn Khánh - Hồi ức lịch sử", do con gái trung tướng - PGS.TS Cao Bảo Vân - biên soạn (NXB Tri thức, 2017), đã kể về phút giây hân hoan đón chào thắng lợi tại cơ quan Tổng hành dinh Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Chiều 30/4/1975, tại Nhà Con Rồng, hơn chục bánh pháo đã được nối vào nhau treo sẵn trên cây cột. Sĩ quan văn phòng và chiến sĩ đã sẵn sàng châm lửa thì Phó Tổng tham mưu trưởng Cao Văn Khánh đi họp về.
Gặp anh em, ông nói: "Anh Văn nhắc đài quan sát (đặt trên đỉnh Cột Cờ) khi nào thấy Bộ Ngoại giao nổ pháo thì Bộ Quốc phòng mới được châm lửa đốt. Bộ Quốc phòng không được châm lửa trước".
Thế là, khi tiếng pháo bên Bộ Ngoại giao nổ ran, pháo bên Bộ Quốc phòng mới nổ tiếp theo. Sau này, Đại tướng mỉm cười giải thích cho anh em: "Vì mình là Quân đội Nhân dân, không nên làm việc gì để người ta hiểu nhầm là mình tự nêu công trước...".
Từ sáng sớm 30/4/1975, Hà Nội xôn xao rằng có thể hôm nay “sẽ có tin Sài Gòn”. Đến 10h, tin chính thức bung ra. Cờ giải phóng bay trên Dinh Độc lập, chiến tranh đã kết thúc. Vỡ òa sung sướng như phát điên, biển người từ khắp công sở, trường học đổ ra đường hò reo.
Tác giả Cao Bảo Vân viết về vị tướng, cha của mình ở nhà trưa hôm đó: “Ba về, có vẻ rất mệt, chỉ nói đúng một câu: 'Bây giờ thì để cho người khác đánh giặc', rồi thiếp ngay trên ghế xích đu. Trong giấc ngủ trưa 30/4/1975 đó, có lẽ, ông vẫn mơ về hòa bình. Vì khó có thể tin rằng cuộc chiến 30 năm của đời mình vừa kết thúc”.
Chiều đó, phu nhân tướng Khánh mới đi làm về. Ông ôm lấy bà, nói: “Thôi từ nay anh em không còn phải xa nhau nữa”. Mắt ông ngấn nước trên khuôn mặt phờ phạc sau những đêm thức trắng ở Tổng hành dinh.
Chiều 1/5/1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tranh thủ thăm Cục Tác chiến, hỏi thăm tướng Hoàng Văn Thái, vì bận không đến được; ôm hôn tướng Cao Văn Khánh, các cán bộ tham mưu.
Ngày 1/5 cũng chính là sinh nhật của tướng Cao Văn Khánh. Ít ra, ông cũng có một sinh nhật trọn vẹn với món quà xứng đáng nhất.