|
Minh họa về loài người Homo heidelbergensis, họ hàng của con người hiện đại, đang mặc da gấu hang động để chống lại cái lạnh. (Ảnh: Benoît Clarys/Đại học Tübingen) |
Đây là một câu hỏi khó vì quần áo không tồn tại lâu như các đồ vật làm bằng đá, xương và các vật liệu cứng khác. Bằng chứng được sử dụng để trả lời câu hỏi này là xương, kim khâu, dùi và con chấy, loài vật ký sinh trên cơ thể người.
David Reed, nhà sinh vật học tại Đại học Florida, Mỹ, cho biết: "Chúng tôi đã cố gắng tìm hiểu những thay đổi nào đã xảy ra trong lịch sử tiến hóa của chấy có thể liên quan đến tình trạng rụng lông trên cơ thể người và sau đó là quá trình con người sử dụng quần áo".
Chấy cực kỳ chuyên biệt với môi trường sống, chẳng hạn có loài phải tiến hóa để bám vào tóc trên đầu con người, có loài phải tiến hóa để sống được ở lông mu. Nhưng trước khi tổ tiên chúng ta mất lông, những con chấy có thể đã lang thang khắp cơ thể họ.
Thời kỳ cuối băng hà?
Bằng cách quan sát thời điểm chấy rận tách khỏi chấy quần áo, Reed và nhóm của ông ước tính rằng, con người hiện đại về mặt giải phẫu bắt đầu mặc quần áo đơn giản thường xuyên vào khoảng 170.000 năm trước, trong thời kỳ cuối băng hà.
Bằng chứng về sự xuất hiện của chấy chỉ có thể đo được khi con người mặc quần áo thường xuyên vì chấy phải ăn da người thường xuyên, Ian Gilligan , cộng sự danh dự tại Khoa Nhân văn thuộc Đại học Sydney, Úc, cho biết. "Vì vậy, nếu ai đó mặc một bộ quần áo vào một ngày và sau đó không mặc bộ quần áo đó trong một tuần nữa, thì chấy sẽ không thể sống sót", ông cho biết thêm.
Hơn nữa, có thể nhiều nhóm người khác nhau đã bắt đầu và ngừng mặc quần áo nhiều lần trong suốt chiều dài lịch sử.
Ví dụ, từ 32.000 đến 12.000 năm trước - cho đến cuối kỷ băng hà cuối cùng - thổ dân ở Tasmania đã rút lui vào hang động, có lẽ là để tránh cái lạnh. Nhưng hồ sơ khảo cổ học cũng cho thấy bằng chứng rằng, họ đã may quần áo, bao gồm các công cụ nạo da dùng để cạo da động vật và dùi xương dùng để đục lỗ để khâu.