Ấn Độ
Năm 2022, Ấn Độ trải qua cuộc khủng hoảng điện tồi tệ nhất 7 năm. Số liệu từ chính phủ Ấn Độ cho biết nhu cầu điện tại đây tăng 13,2% trong tháng 4, khiến nguồn cung điện thiếu 1,8% – mức cao nhất kể từ tháng 10/2015. Việc thiếu điện khiến hàng loạt bang tại Ấn Độ phải giới hạn việc sử dụng điện cho hoạt động công nghiệp, làm các nhà máy phải đóng cửa nhiều giờ trong ngày.
Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu điện ở Ấn Độ: Nhu cầu điều hòa tăng cao do nắng nóng kỷ lục; đà phục hồi kinh tế sau khi nới lỏng phong tỏa khiến hoạt động công nghiệp tăng tốc; Mô hình làm việc mới, xuất hiện từ 2020 do đại dịch, khiến hàng triệu người làm việc từ xa, kéo thời lượng sử dụng điện ban ngày lên cao.
|
Ấn Độ tăng nhập khẩu than để đẩy mạnh sản xuất điện than. Ảnh: Hindustan Times. |
Giới chức Ấn Độ đã phải áp dụng hàng loạt biện pháp để giải quyết tình trạng này. Họ đảo ngược chính sách giảm nhập khẩu than, yêu cầu các nhà máy điện tăng nhập khẩu than trong 3 năm.
Ấn Độ cũng kích hoạt một điều luật khẩn cấp để bắt đầu sản xuất điện tại tất cả nhà máy có than nhập khẩu trong bối cảnh nhiều nhà máy khi đó đang đóng cửa vì giá than quốc tế cao. Quốc gia này cũng lên kế hoạch mở lại hơn 100 mỏ than trước đó đã đóng vì bị coi là không bền vững về kinh tế.
Cùng với tăng cường sản xuất điện than, các nhà máy điện khí sẽ được huy động để đáp ứng nhu cầu giờ cao điểm. Các nhà máy thủy điện được chỉ đạo tối ưu hóa sử dụng nước.
Bangladesh
Quốc gia láng giềng của Ấn Độ là Bangladesh cũng đang trải qua cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ nhất một thập kỷ. Lượng điện thiếu hụt trong tuần đầu tháng 6/2023 lên đến 15%.
Tình trạng thiếu điện ở Bangladesh chủ yếu do nhu cầu sử dụng điện tăng cao trong thời tiết nắng nóng. Trong khi đó, quốc gia này đang chật vật nhập khẩu nhiên liệu vì dự trữ ngoại hối giảm và nội tệ mất giá. Một cơn bão gần đây cũng làm gián đoạn nguồn cung khí đốt cho các nhà máy điện. Theo thống kê, khí đốt đóng góp nửa sản lượng điện hàng năm cho Bangladesh.
|
Đẩy mạnh nhập khí hóa lỏng là "chìa khóa" giải quyết căng thẳng về điện ở Bangladesh. Ảnh: ECONNECT Energy. |
Để đối phó với tình trạng này, giới chức Bangladesh đã yêu cầu tăng nhập khẩu khí hóa lỏng thêm 70%. Cảng khí hóa lỏng Moheshkhali sẽ sớm khôi phục hoạt động. Chính phủ Bangladesh đã ký thỏa thuận mua nhiên liệu từ Qatar và Oman, đồng thời áp dụng các biện pháp để tăng nhập than.
Trung Quốc
Năm 2022, hạn hán tồi tệ nhất nhiều thập kỷ khiến nhiều đoạn sông Trường Giang ở Trung Quốc cạn nước, làm giảm sản lượng của các nhà máy thủy điện. Bên cạnh đó, nắng nóng khiến nhu cầu tiêu thụ điện tại Trung Quốc tăng cao. Điều này khiến nhiều cơ sở công nghiệp dừng hoạt động hoặc bị chế tiêu thụ điện, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và kinh doanh.
|
Hạn hán lịch sử tác động nghiêm trọng đến năng lực sản xuất thủy điện của Trung Quốc. Ảnh: Grist. |
Trước tình trạng thiếu điện, các địa phương của Trung Quốc đã thực thi nhiều biện pháp để đối phó. Đến cuối năm 2022, Tứ Xuyên thông báo sẽ xây nhiều nhà máy điện khí mới và thêm đường dây truyền tải kết nối tỉnh này với các lưới điện lân cận. Tại Quảng Đông, giới chức cũng phê duyệt xây các nhà máy điện than mới với công suất 18 GW.
Ở Vân Nam, nơi phải trải qua nhiều đợt cắt điện uy mô lớn do các nhà máy thủy điện bị thiếu nguồn cung cấp nước cục bộ, chính quyền địa phương đã đề ra biện pháp kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo an toàn cung ứng điện, sắp xếp hợp lý, có trật tự tiêu thụ điện năng, theo trình tự "an toàn làm tiền đề đầu tiên, so le các đỉnh, tránh đỉnh, sau đó hạn chế và cuối cùng là ngắt điện".
Để khắc phục tình trạng lệ thuộc vào thuỷ điện, tỉnh Vân Nam cũng đề ra chiến lược cải cách điện than theo định hướng thị trường, nhằm đảm bảo an toàn hệ thống điện đồng thời đưa ra giải pháp để điện than sinh lời.
Đức
Đợt hạn hán năm 2022 cũng khiến Đức đứng trước nguy cơ thiếu điện. Khí đốt tự nhiên - phần lớn đến từ Nga - đóng góp 15% sản lượng điện của nước này năm 2021. Vì thế, để đảm bảo đủ điện trong bối cảnh Nga giảm cung cấp khí đốt, họ đã phải tái khởi động các nhà máy điện than, bất chấp mục tiêu về chống biến đổi khí hậu.
Đức cũng cân nhắc giảm xuất khẩu điện cho các quốc gia láng giềng ở châu Âu để đề phòng nguy cơ thiếu điện trong nước. Bên cạnh đó, Berlin còn gia hạn hoạt động tại các nhà máy điện hạt nhân cho tới giữa tháng 4/2023, thay vì cuối năm 2022 như kế hoạch ban đầu.
|
Đức đã phải cân nhắc giảm xuất khẩu điện cho các quốc gia láng giềng. Ảnh: Bloomberg. |
Để tiết kiệm điện, thành phố Augsburg ngừng vận hành hoặc hạn chế giờ hoạt động của nhiều đài phun nước. Thành phố Munich công bố "khoản thưởng năng lượng" trị giá 100 Euro cho các hộ gia đình cắt giảm 20% lượng tiêu thụ hàng năm. Các công ty điện lực phát động cuộc thi tiết kiệm năng lượng cho khách hàng vào mùa thu.
Dù vậy, nhờ mùa đông ấm hơn bình thường và lượng khí hóa lỏng nhập khẩu lớn, Đức không gặp quá nhiều vấn đề về năng lượng. Giữa tháng 4/2023, họ đã cho dừng các nhà máy điện hạt nhân đúng thời hạn.
Mời quý độc giả xem video: Hàng loạt thủy điện dừng hoạt động, có thể cắt điện bất cứ lúc nào? Nguồn: Kienthucnet.