"Sống mãnh liệt": Cuộc đời rực rỡ của 20 người khuyết tật thành công

Google News

Nhiều người khuyết tật vượt qua những khó khăn cố hữu để đem về thành công rực rỡ. Sự thành công của họ sẽ được tiết lộ trong "Sống mãnh liệt" của tác giả Rainer Zitelmann.

NXB Phụ nữ Việt Nam tổ chức buổi giao lưu với chủ đề Chúng ta có thể học được gì từ những người khuyết tật thành công? nhân dịp phát hành cuốn sách Sống mãnh liệt (tác giả Rainer Zitelmann) ngày 21/4. Buổi giao lưu có sự tham gia của dịch giả Nguyễn Bích Lan và diễn giả Phan Đăng.

Sống mãnh liệt khám phá bí quyết giúp người khuyết tật đạt được những điều phi thường trong cuộc sống, đặt ra những cột mốc dường như khó thành hiện thực ngay cả với người không khuyết tật.

Cuốn sách Sống mãnh liệt khắc họa rõ nét về cách 20 người khuyết tật vượt qua hoàn cảnh và thành công vang dội trên toàn thế giới.

Rainer Zitelmann sinh năm 1957 tại Đức, sở hữu 2 bằng tiến sĩ, từng giảng dạy lịch sử tại Đại học Free ở Berlin, là Tổng biên tập của NXB Ullstein - Propylaen. Ông là tác giả của 25 cuốn sách được dịch ra nhiều thứ tiếng, là diễn giả được tìm kiếm ở châu Á, Mỹ và khắp châu Âu

Tác giả Rainer Zitelmann đã lập hồ sơ về 20 cá nhân độc đáo.

Tất cả đều đạt được thành tích tốt hơn so với mức trung bình, gần như là "siêu nhân" dù họ khuyết tật, dễ bị phụ thuộc vào những người xung quanh.

Cuốn sách là sự kết hợp tài tình của một nhà báo kể chuyện và khả năng phân tích nhạy bén của một nhà khoa học.

Tác giả cung cấp những hiểu biết quan trọng về câu chuyện thành công của những người khuyết tật. Họ không bao giờ muốn được đối xử khác thường.

Dịch giả Nguyễn Bích Lan có nhiều chia sẻ về cuốn sách Sống mãnh liệt và hành trình vượt khó của bản thân.

Trong cuốn sách ta bắt gặp những nhân vật khuyết tật thành công như chủ sở hữu phòng trưng bày nổi tiếng thế giới Johann König, vận động viên khiếm thị nặng Marla Runyan, Helen Keller - nhà văn Mỹ mù, điếc... Họ đều có mong muốn mạnh mẽ vượt qua những giới hạn do cơ thể hoặc tâm trí đặt ra.

Sống mãnh liệt do dịch giả Nguyễn Bích Lan chuyển ngữ. Chị là người mang trong mình căn bệnh nan y, chỉ đi học đến lớp 8, nhưng đến nay, nữ dịch giả đã dịch được 58 đầu sách và dự kiến xuất bản 4 đầu sách tự sáng tác. Năm 2010, chị được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam ở hạng mục Văn học dịch với cuốn sách Triệu phú khu ổ chuột. Năm 2021, chị được trao giải C - Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ ba với cuốn sách Được học.

Tại buổi ra mắt sách, dịch giả Nguyễn Bích Lan ký tặng sách cho nhiều độc giả.

Tại buổi ra mắt sách, khi được hỏi lý do không nhận mình là nhân vật số 21, dịch giả Nguyễn Bích Lan cho rằng mình sống bất chấp mọi khó khăn, "cũng ghê gớm" nhưng không thể liều, mãnh liệt như 20 nhân vật trong sách.

"Mặc dù những gì tôi trải qua, vượt qua không ở mức bình thường, nhưng tôi không dám nhận bởi 20 nhân vật được nhắc đến trong sách họ mãnh liệt, liều hơn tôi rất nhiều", chị Bích Lan chia sẻ.

Với chị, được dịch sách là niềm hạnh phúc. Việc này không chỉ giúp chị có cuộc sống bình thường mà đó là những điều chị yêu thích, say mê. Từ đó chị thấy được đây là cuộc đời "đáng sống".

Dịch giả Nguyễn Bích Lan truyền cảm hứng cho nhiều độc giả trẻ về sự quyết tâm, vượt qua mọi khó khăn.

"Tôi rất ngưỡng mộ chị Lan. Trước đây tôi thấy mình ích kỷ, thiếu nỗ lực nhưng tôi thay đổi khá nhiều khi đọc được cuốn sách Không gục ngã của chị. Cuốn sách khiến tôi hiểu ra dù hoàn cảnh có khó khăn đến đâu ta vẫn phải bước tiếp, chiến đấu hết sức", một độc giả chia sẻ.

Bìa cuốn sách được thiết kế nhằm truyền tải rõ ràng thông điệp. Hình ảnh cây thép gai quấn chân nhưng con chim vẫn đậu ở đó tượng trưng cho chân dung của 20 người khuyết tật nổi tiếng và thành công trên thế giới. Họ không chỉ đứng trên thép mà còn bay xa lên bầu trời.

 

Theo Tuyết Chinh/

>> xem thêm

Bình luận(0)