Theo Qulishi, một trong những sự lựa chọn sáng suốt nhất của nữ hoàng Võ Tắc Thiên là Lý Thế Tích (594 – 669), một trong các danh tướng nổi bật nhất của nhà Đường.
Thuở ban đầu, Lý Thế Tích theo thủ lĩnh Lý Mật nổi dậy chống lại triều Tùy. Sau khi nhà Đường thành lập, ông đi theo Lý Mật đầu hàng triều Đường.
|
Cảnh quay trong bộ phim về nữ hoàng Võ Tắc Thiên. |
Với những công lao đóng góp cho nhà Đường ngay từ những ngày đầu tiên, Đường Cao Tổ đã ban cho ông họ Lý của hoàng tộc nhà Đường, thay cho họ Từ.
Nổi lên dưới thời Võ Tắc Thiên
Dưới thời vua Đường Thái Tông, Lý Thế Tích được xếp vào một trong 24 đại công thần có đóng góp lớn nhất đối với nhà Đường.
Ông trở thành cánh tay đắc lực dẹp loạn do hoàng tử Lý Hựu và thái tử Lý Thừa Càn gây ra. Sau này, ông được thăng chức Đồng trung thư môn hạ tam phẩm, chức quan tương đương với tể tướng.
Năm 649, Đường Thái Tông biết mình lâm bệnh nặng, khó qua khỏi. Ông đã gửi lời nhắn nhủ đến thái tử Lý Trị: “Con không có ân huệ với Lý Thế Tích, nay ta sẽ phạt và đuổi ông ta đi. Nếu ông ta rời đi ngay, hãy cho ông ta một chức quan nhỏ. Nếu ông ta ngập ngừng thì phải giết ngay”.
Đường Thái Tông Lý Trị lên nắm quyền giáng Lý Thế Tích làm tổng quản Điệp Châu. Sau khi tiếp chỉ, Lý Thế Tích đã đi nhậm chức mà không do dự. Sau này, Lý Thế Tích được quay về triều nhưng không còn ảnh hưởng như trước.
Sử gia Trung Quốc hiện đại nhận định rằng qua sự kiện này thì có thể thấy Lý Thế Tích và Đường Thái Tông không thực sự tin tưởng lẫn nhau, do tài của Lý Thế Tích vượt quá mức mà Đường Thái Tông mong muốn.
Một giải thích khác là Đường Thái Tông muốn kiểm tra lòng trung thành của Lý Thế Tích. Trong lúc Đường Thái Tông còn sống, ông ta có thể quản lý được Lý Thế Tích; ông ta lo sợ rằng con của mình sẽ không làm được như vậy sau khi mình qua đời.
Dưới thời Đường Cao Tông, tên gọi “Thế” và “Dân” đều bị cấm, nên Lý Thế Tích chỉ được gọi là Lý Tích. Con đường thăng tiến của Lý Tích quay trở lại khi vua Đường Cao Tông không còn sủng ái Vương hoàng hậu, muốn phế hoàng hậu để đưa Võ Tắc Thiên thay thế.
Hầu hết các đại thần trong triều đều phản đối nhưng Lý Tích là một trong số ít những người im lặng. Khi Đường Cao Tông triệu Lý Tích đến để hỏi ý, Lý Tích đã nói: “Đó là gia sự của bệ hạ, hà tất phải hỏi người ngoài”.
Một câu nói này đã giúp Đường Cao Tông có thêm “động lực” để ra quyết định, còn lệnh cho Lý Tích làm sứ giả nghi lễ thay thế hoàng hậu. Năm 660, Hoàng hậu Võ Tắc Thiên nhanh chóng kiểm soát triều đình khi sức khỏe của Cao Tông yếu đi rõ rệt.
Đó là lúc mà bà thanh lọc các đại thần, những người ủng hộ như Lý Tích được thăng chức còn những người chống đối đều bị thanh trừng, cách chức.
Chinh phục bán đảo Triều Tiên
Năm 666, chính biến xảy ra ở bán đảo Triều Tiên khi tể tướng Cao Câu Ly là Uyên Cái Tô Văn qua đời. Cuộc tranh giành quyền lực diễn ra khốc liệt ở bán đảo Triều Tiên giữa Uyên Nam Sinh và Uyên Nam Kiến.
Theo sách "A New History of Korea" của tác giả Lee Ki-baik, vào thế kỷ thứ 7, bán đảo Triều Tiên bị chia làm 3 quốc gia, trong đó nổi lên là Cao Câu Ly (Goguryeo), kiểm soát phần lớn bán đảo Triều Tiên, đặt thủ đô tại Bình Nhưỡng.
Uyên Nam Sinh, con trai cả của Uyên Cái Tô Văn đầu hàng nhà Đường và dâng nộp nhiều thành trì ở phía bắc Cao Câu Ly.
Năm 667, hoàng đế Võ Tắc Thiên giao nhiệm vụ cho Lý Tích lãnh đại quân 60.000 người đi đánh Cao Câu Ly. Uyên Nam Sinh là người dẫn đường quân nhà Đường tiến quân từ phía bắc. Ở phía nam bán đảo Triều Tiên, Võ Tắc Thiên chủ trương liên minh với vương quốc Tân La nhỏ bé, đồng thời tấn công Cao Câu Ly ở hai hướng.
Mùa thu năm 667, đại quân nhà Đường chiếm được vùng vùng đất đầu tiên của Cao Câu Ly là Tân Thành (nay là thành phố Phủ Thuận, tỉnh Liêu Ninh).
Tuy nhiên, quân nhà Đường gặp trở ngại trước phòng tuyến của Cao Câu Ly dọc theo sông Áp Lục, cũng là biên giới Trung Quốc-Triều Tiên ngày nay. Gần một năm sau, sau khi trích trữ lương thảo, quân nhà Đường mới qua được sông để tiến quân thần tốc hướng đến thủ đô Bình Nhưỡng của vương quốc Cao Câu Ly.
Các tướng lĩnh Cao Câu Ly khi đó chủ trương đầu hàng nên đã mở cổng thành trong khi Uyên Nam Kiến vẫn kiên quyết chiến đấu và định tự sát nhưng không thành.
Đến cuối năm 668, liên minh nhà Đường-Tân La đã tiêu diệt hoàn toàn vương quốc Cao Câu Ly, thống nhất bán đảo Triều Tiên. Trên bán đảo Triều Tiên, nhà Đường lập An Đông đô hộ phủ với thủ phủ là Bình Nhưỡng.
Về phần Lý Tích, sau khi lập đại công, ông được nhà Đường trọng thưởng nhưng qua đời một năm sau đó ở tuổi 75.
Cuộc chinh phục bán đảo Triều Tiên của nữ hoàng Võ Tắc Thiên cũng chấm dứt kể từ đó. Gần một thập kỷ sau, vương quốc Tân La đơn phương hủy bỏ giao ước với nhà Đường, đem quân chiếm lại thủ phủ Bình Nhưỡng, đẩy quân Đường lui về Liêu Đông.
Ngày nay, Trung Quốc vẫn kiểm soát tỉnh Liêu Ninh và bán đảo Liêu Đông từ tay người Triều Tiên sau cuộc chiến tranh năm xưa.
Giới sử học hiện đại đánh giá, Võ Tắc Thiên đã thành công khi chủ trương liên minh với Tân La, đưa Lý Tích thống lĩnh đại quân chinh phục bán đảo Triều Tiên.
Nhưng nữ hoàng duy nhất trong lịch sử Trung Quốc sau đó lại chuyển hướng tập trung quân sự sang Trung Á, để vương quốc Tân La thừa cơ chiếm lại thủ phủ Bình Nhưỡng.
Ở mặt trận Trung Á, năm 694, quân nhà Đường cũng thảm bại trước liên minh Tây Tạng-người Thổ khiến cho Võ Tắc Thiên mất quyền kiểm soát An Tây Đô hộ phủ (vùng Tân Cương) ngày nay.