Võ Tắc Thiên (624 – 705) là nữ hoàng duy nhất trong lịch sử Trung Quốc. Bà lập ra nhà Võ Chu và chính thức trị vì trong 15 năm. Bà qua đời ở tuổi 82, không lâu sau khi nhường ngôi cho con trai.
Sử sách nhà Đường khi đó ghi chép hết sức đơn giản về cái chết của Võ Tắc Thiên: “Tuổi già đau ốm, buộc phải nhường ngôi cho Thái tử, chưa đầy một năm sau thì băng hà”.
Nhưng cái chết của Võ Tắc Thiên cho đến nay vẫn là đề tài gây tranh cãi của các học giả Trung Quốc hiện đại. Không ai biết rõ thực sự vị nữ hoàng đế duy nhất đã phải đối mặt với cái chết như thế nào.
Cuộc đảo chính khôi phục nhà Đường
Theo Nhân dân Nhật báo, năm Thần Long thứ nhất (năm 705), Võ Tắc Thiên lại lâm trọng bệnh. Các tướng lĩnh dưới quyền nhân cơ hội đó tạo binh biến.
Tể tướng Trương Giản Chi, Thôi Huyền Vĩ cùng các tướng đem 500 ngự lâm quân kéo đến Huyền Vũ môn, bao vây cung cấm, nơi Võ Tắc Thiên đang tĩnh dưỡng.
Một cánh quân khác đến Đông Cung, nghênh đón thái tử Đường Trung Tông trở lại làm vua lần thứ hai. Bản thân thái tử có ý định đảo chính nhưng một phần chưa dám quyết cướp ngôi vua từ tay mẹ.
Phò mã đô úy An Dương Vương Đồng Kiểu, trọng thần bên cạnh Đường Trung Tông hết mực khuyên nhủ: “Chúng thần xuất phát từ tấm lòng trung, đồng tâm hiệp lực, muốn lấy ngày này để trừ hung diệt ác, phục hồi lại xã tắc giang sơn cho họ Lý. Chúng thần nguyện mong Điện Hạ tạm dời tới Huyền Vũ môn để đáp lòng mong mỏi của dân chúng”.
Thái tử đáp: “Trừ gian diệt ác là chuyện nên làm. Nhưng nay hoàng thượng (nhắc đến Võ Tắc Thiên) ngọc thể bất an, liệu làm vậy có kinh động. Các khanh phải lo nghĩ về sau”.
|
Hình tượng Võ Tắc Thiên và Đường Cao Tông Lý Trị trong phim truyền hình. |
Tướng quân Lý Trạm khi đó lên tiếng: “Chuyện binh biến không thể thành công nếu không có thái tử. Mọi chuyện không thể hoãn lại được nữa rồi. Chúng thần đã không màng đến gia tộc khi làm điều này, vì sao Điện Hạ lại có thể đứng nhìn chúng thần đi vào chỗ chết”.
Thái tử Đường Trung Tông nghe vậy nên mới miễn cưỡng vào cung gặp Võ Tắc Thiên. Đám nam sủng Trương Dịch Chi, Trương Xương Tông của Võ Tắc Thiên lập tức bị đem ra chém đầu ngay lập tức, còn nơi Võ Tắc Thiên tĩnh dưỡng thì bị vây chặt.
Võ Tắc Thiên ban đầu chỉ nghĩ đây là việc dẹp loạn thông thường, nhưng khi thấy Thái tử chần chừ không trở về Đông Cung, bà mới bắt đầu hiểu ra chuyện.
Một tướng lĩnh trong nhóm binh biến lên tiếng: “Năm xưa Tiên Hoàng đã giao phó thái tử cho Bệ hạ, nay thái tử tuổi đã lớn, ở Đông Cung đã lâu. Ý trời và lòng người từ lâu đều nhớ mong họ Lý. Quần thần không quên ơn đức của Thái Tông, Thiên Hoàng. Chỉ mong Bệ hạ truyền ngôi cho thái tử để thuận ý trời, lòng người”.
Chỉ trích các quân thần một hồi lâu, Võ Tắc Thiên hiểu rằng mọi sự đã rồi, không thể thay đổi được và đành chấp nhận nhường ngôi một lần nữa cho thái tử. Đường Trung Tông tôn Võ Tắc Thiên là Thái thượng hoàng, đưa mẹ về an dưỡng tuổi già, nhưng thực chất là giam lỏng ở Thượng Dương cung.
Chưa đầy một tháng sau, Nhà Đường chính thức được khôi phục, triều đại nhà Võ Chu chấm dứt. Điều khiến giới học giả sau này bất ngờ là thái độ của Võ Tắc Thiên trong những ngày tháng cuối đời.
Sử cũ chép lại, bà chấp nhận trở về với thân phận khiêm nhường là một nàng dâu của họ Lý. Bà tỏ lòng khoan dung đối với cả hậu duệ của những kẻ thù năm xưa.
Những trăn trối ấy dường như trái ngược hoàn toàn với tính cách cao ngạo, với vẻ uy phong tột bậc trong suốt cuộc đời Võ Tắc Thiên. Ở thời điểm gần đất xa trời, Võ Tắc Thiên có thể đã thay đổi tích cách, nhưng cũng có thể đấy chỉ là cách để nhà Đường trấn an dân chúng, phác họa một cuộc chuyển giao quyền lực trong bình yên.
Bị gian thần hại chết?
Theo trang mạng Qulishi, lật lại cuộc chính biến lật đổ Võ Tắc Thiên, các nhà sử học Trung Quốc hiện đại chú ý đến tình tiết hai em anh em họ Trương phải chịu kết cục vô cùng bi thảm.
Không chỉ chiụ án chém đầu, thủ cấp của Trương Dịch Chi và Trương Xương Tông còn bị bêu trước dân chúng, xác bị băm thành trăm mảnh.
Những người thân cận khác với Võ Tắc Thiên thì chỉ bị cách chức, không ai mất mạng như huynh đệ họ Trương.
Từ đó, có luồng ý kiến cho rằng hai người này nhất định phải phạm tội ác tày trời nào đó mới khiến Đường Trung Tông ra lệnh chém đầu, băm thây như vậy.
Sử cũ chép lại, hai anh em họ Trương là người nhân phẩm kém cỏi, ỷ vào sự sủng ái của nữ hoàng, nhận hối lộ từ bá quan, sách nhiễu dân chúng, xa xỉ hủ hóa, hãm hại trung thần và âm mưu phản nghịch.
Với “thành tích bất hảo” như vậy, anh em họ Trương hiểu rõ một khi nữ hoàng qua đời, họ sẽ bị đem chôn cùng theo đúng tục lệ truyền thống.
Do đó, rất có thể hai “nam sủng” này đã bí mật lên kế hoạch ám sát Võ Tắc Thiên, loan truyền thánh chỉ giả để tiếm ngôi như thái giám Triệu Cao từng làm với Tần Thủy Hoàng trong quá khứ.
Việc Võ Tắc Thiên bị bệnh nặng, không thể diện kiến các đại thần, thực chất chỉ là cái cớ hoãn binh để hai anh em họ Trương có thời gian chuẩn bị kế hoạch.
Nhưng tầm ảnh hưởng của Trương Dịch Chi và Trương Xương Tông trong triều không thể được như Triệu Cao. Trái lại, các tướng lĩnh nhà Đường đã muốn giết hai người này từ lâu, không chấp nhận cảnh nữ hoàng chỉ trọng dụng “nam sủng” mà bỏ bê triều chính.
Nhưng kế hoạch ám sát Võ Tắc Thiên của hai người này liệu có thành công hay không thì các sử gia ngày nay chưa thể tìm thấy bằng chứng xác đáng. Nữ hoàng có thể đã bị hại chết nhưng chưa chính thức được an táng để bảo vệ thanh danh hoàng tộc.
Ngoài ra, Võ Tắc Thiên có thể không dễ gì chấp nhận binh biến và việc Đường Trung Tông đưa mẹ về cung, cứ 10 ngày đến chăm sóc chỉ là màn kịch dàn dựng nhằm che mắt thiên hạ.
Đến ngày tháng 12.705, nhà Đường loan tin thái thượng hoàng Võ Tắc Thiên băng hà. Lễ tang tiến hành theo nghi thức của Hoàng hậu, hợp táng với Đường Cao Tông ở Càn lăng, được con cháu hoàng tộc họ Lý hết mực tôn kính.