Nhờ có nghị lực sống phi thường, ông hoàng vật lý Stephen Hawking chống chọi với bệnh tật trong hơn 5 thập kỷ qua kể từ khi được chẩn đoán mắc bệnh xơ cứng teo cơ và chỉ có thể sống thêm 2 năm nữa. Theo đó, cuộc đời của ông đã truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ.
Từ cậu bé gần như đứng cuối lớp đến thiên tài vật lý
|
Ông hoàng vật lý Stephen Hawking. |
Ít ai có thể ngờ được rằng, trước khi trở thành nhà vật lý thiên tài,
Stephen Hawking từng có kết quả học tập không mấy nổi trội. Theo chia sẻ của ông, phải đến năm 8 tuổi, ông mới có thể đọc chữ thành thạo và chưa bao giờ xếp hạng ở nửa trên của lớp.
Đến cuối năm lớp 9, kết quả học tập của nhà vật lý Hawking gần như đứng cuối lớp. Bạn bè và thầy cô giáo đều đánh giá ông là một người thông minh nhưng điều đó không giúp ông trong việc đạt thành tích cao trong học tập.
Về sau, thầy giáo dạy toán ở trường phát hiện ông có năng khiếu trong lĩnh vực toán học và khuyên Hawking nên theo đuổi lĩnh vực này.
Đến năm 1959, ông Hawking thi đỗ vào Đại học Oxford chuyên ngành Vật lý. Khi theo học ở Oxford, thành tích học tập của Hawking cũng không xuất sắc. Bản thân nhà vật lý này thừa nhận mình chỉ dành 1 giờ mỗi ngày cho việc học. Ông cũng không giành được điểm số cao trong các bài kiểm tra vì chỉ ưu tiên trả lời các câu hỏi lý thuyết mà bỏ qua thực tiễn.
Cuộc đời Hawking có sự thay đổi lớn khi bước sang tuổi 21. Ông được chẩn đoán mắc bệnh xơ cứng teo cơ (ALS). Khi ấy các bác sĩ chẩn đoán ông chỉ có thể sống thêm 2 hoặc 3 năm nữa.
Khi đối mặt với biến cố lớn đó, lúc đầu Hawking gần như suy sụp, chán nản nhưng về sau ông tìm thấy động lực sống. Bất chấp tình trạng bệnh tật, ông quay trở lại công việc nghiên cứu. Với sự giúp đỡ của chương trình máy tính do Intel tài trợ, ông có thể giao tiếp với thế giới bên ngoài thông qua máy tính cũng như tham gia giảng dạy, tiếp tục các hoạt động nghiên cứu khoa học.
Nỗ lực của ông đã được đền đáp khi đạt được nhiều thành tựu như đưa ra bằng chứng toán học cho thuyết Big Bang và sự tồn tại của hố đen. Ông trở thành giáo sư vật lý năm 35 tuổi. Đến năm 1976, ông nhận Huy chương Albert Einstein và bằng tiến sĩ danh dự từ ĐH Oxford. Năm 1979, ông được bổ nhiệm chức danh Giáo sư Toán học Lucas.
Chưa bao giờ được xướng tên ở giải Nobel
|
Nhà vật lý Stephen Hawking chưa từng giành giải Nobel dù có nhiều thành tựu trong nghiên cứu khoa học. |
Mặc dù là một trong những nhà khoa học tài năng nhất, nhận được vô số giải thưởng ghi nhận những thành tựu trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học nhưng
nhà vật lý Stephen Hawking chưa bao giờ được trao giải Nobel danh giá.
Lý do ông hoàng vật lý chưa bao giờ được xướng tên ở giải Nobel là vì chưa tìm ra bằng chứng có thể chứng minh những giả thuyết của ông trong khi Hội đồng xét duyệt giải Nobel luôn hướng đến bằng chứng xác thực thay vì tư tưởng lớn.
"Giải thưởng Nobel không được trao cho người thông minh nhất hay có những đóng góp vĩ đại nhất cho khoa học. Nó được trao cho phát hiện. Những giả thuyết xuất sắc nhất của Hawking vẫn chưa được kiểm nghiệm, đó là lý do ông ấy không đoạt giải", Sean Carroll, nhà vật lý ở Viện Công nghệ California, giải thích lý do nhà vật lý Hawking không đoạt giải Nobel.
Mặc dù không không đoạt giải Nobel nhưng nhiều chuyên gia, nhà khoa học, bạn bè của ông Hawking cho rằng, giải thưởng này có thể không quá quan trọng như nhiều người nghĩ.
"Tôi nghĩ hành trình cuộc đời ông chỉ ra có những thứ quan trọng hơn nhiều so với giải Nobel", nhà thiên văn học ở Đại học Harvard, Avi Loeb chia sẻ.
Đời sống tình cảm không suôn sẻ
|
Stephen Hawking kết hôn với Jane Wilde năm 1964. |
Không chỉ phá bỏ lời chẩn đoán "chỉ sống được thêm được 2 hay đến 3 năm", Stephen Hawking còn khiến nhiều người bất ngờ bởi ông có cuộc sống bình thường như bao người là cưới vợ, sinh con.
Sau khi được chẩn đoán mắc bệnh xơ cứng teo cơ (ALS), ông Hawking nhận được sự động viên lớn từ Jane Wilde - bạn của em gái ông. Jane luôn ở bên an ủi và động viên tinh thần, giúp ông có thêm động lực sống tiếp. Hai người dần yêu nhau và đính hôn vào tháng 10/1964.
Mời độc giả xem video: The Theory Of Everything – Hành trình của một nhân vật vĩ đại (nguồn: VTC14)
Sau này, Hawking nói rằng việc đính hôn đã cho ông "lý do để sống". Nhà vật lý này và Jane kết hôn ngày 14/7/1965 và có với nhau 3 người con. Tuy nhiên, hôn nhân của họ cũng gặp "biến cố" như bao người khác. Sau 25 năm chung sống, vợ chồng Hawking ly thân. 5 năm sau, cuộc hôn nhân giữa họ tan vỡ. Về sau, Stephen cưới Elaine Mason - nữ y tá chăm sóc ông. Cuộc hôn nhân lần 2 của nhà vật lý này cũng nhiều "sóng gió". 11 năm sau khi kết hôn lần 2, hai người ly hôn sau những bê bối liên quan đến cáo buộc Elaine bạo hành nhà vật lý Hawking.
Sau khi ly hôn người vợ thứ hai, ông Hawking khôi phục mối quan hệ gần gũi với 3 người con và hòa giải với người vợ đầu. Gia đình ông ở bên nhau và nhờ tình yêu thương của gia đình, thiên tài Hawking đã vượt qua những năm tháng chống chọi bệnh tật cho đến khi qua đời vào ngày 14/3 vừa qua.